Quyết định 490/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 490/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/03/2023
Ngày có hiệu lực 13/03/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Trần Anh Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 490/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 13 tháng 3 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

Xét Biên bản Hội nghị thẩm định Chương trình khuyến nông tỉnh Nam Định giai đoạn 2022 - 2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 536/TTr-SNN ngày 06/3/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Nam Định giai đoạn 2023 - 2025 (Chương trình chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Chương trình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh; (để b/c)  
- Cổng TTĐT tỉnh, VPUBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Anh Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN NÔNG TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
(Kèm theo Quyết định số:      /QĐ-UBND ngày      /3/2023 của UBND tỉnh Nam Định)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Sự cần thiết

Nam Định là tỉnh thuộc duyên hải Bắc Bộ, tổng diện tích tự nhiên là 1.669 km2, diện tích đất nông nghiệp là 111.194 ha và có bờ biển dài 72 km, vì vậy Nam Định có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp và thủy sản hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua công tác khuyến nông đã được tăng cường với nhiều nội dung và hình thức hoạt động khác nhau góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân và các tổ chức sản xuất kinh doanh; nhiều hộ nông dân đã áp dụng thành công các kiến thức đã học từ khuyến nông để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường. Hoạt động công tác khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,7%/năm. Năm 2021, giá trị sản phẩm thu được trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 172 triệu đồng/ha (tăng 43 triệu đồng/ha so với năm 2015). Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đã hình thành trên 30 chuỗi liên kết từ sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong sản xuất nông nghiệp còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế: Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu chưa mạnh; cơ cấu giá trị nội ngành chuyển dịch chậm, tỷ trọng giá trị chăn nuôi và dịch vụ vẫn còn thấp. Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao. Trong trồng trọt, ngoài lúa gạo là sản phẩm chính chưa có nhiều sản phẩm chủ lực về rau, quả. Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, nuôi tận dụng còn chiếm tỷ lệ lớn; chưa xây dựng nhiều cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, giết mổ tập trung. Trong thủy sản, một số đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị cao vẫn chưa chủ động được nguồn giống. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp đạt kết quả chưa cao. Kinh tế hợp tác có bước phát triển nhưng chậm; chất lượng chuyển đổi và hoạt động ở nhiều HTX còn hạn chế, nhất là các hoạt động liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có công nghệ cao trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tiến độ và kết quả thực hiện một số nội dung Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đồng đều giữa các địa phương và còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế: Bình quân diện tích đất nông nghiệp của các hộ thấp cùng với tâm lý giữ ruộng của người dân đã cản trở quá trình tập trung ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa; đầu tư vào nông nghiệp cần nguồn vốn lớn, phải chịu rủi ro cao nên khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; sự chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác ngày càng lớn; nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, nông dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh, sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn hạn chế; các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp chậm được đổi mới; việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; một bộ phận lực lượng lao động trẻ không còn thiết tha với sản xuất nông nghiệp; nhiệm vụ đào tạo tập huấn khuyến nông chưa được sâu rộng, chưa gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành; nguồn ngân sách cho hoạt động khuyến nông còn nhiều khó khăn nên việc xây dựng và nhân rộng mô hình từ ngân sách địa phương chủ yếu mới triển khai được ở quy mô nhỏ, với những đối tượng cây trồng, vật nuôi có chu kỳ kinh doanh ngắn ngày.

Việc đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường trở nên quan trọng và cấp thiết. Xuất phát từ các yêu cầu thực tiễn, việc xây dựng “Chương trình Khuyến nông tỉnh Nam Định giai đoạn 2023 - 2025” là rất quan trọng và cần thiết nhằm đẩy mạnh công tác khuyến nông, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và các nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới.

2. Căn cứ pháp lý

- Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông.

- Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông.

[...]