ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
48/2013/QĐ-UBND
|
Tiền Giang,
ngày 11 tháng 12 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC HỖ TRỢ TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN KHẮC PHỤC THIỆT HẠI DO
THIÊN TAI TRÊN BIỂN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 05/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg ngày
25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro
do thiên tai trên biển;
Căn cứ Thông tư số 92/2009/TT-BTC ngày
12/5/2009 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc thanh toán kinh phí từ nguồn ngân
sách nhà nước cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu
hộ, ứng phó thiên tai thảm họa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi
điều chỉnh
Quyết định này quy định trình tự, thủ tục, điều
kiện, nội dung, mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do thiên
tai gây ra trên biển như sau:
1. Tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, ven biển, hải đảo (gọi chung là
trên biển) khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra như: bão, lốc xoáy, áp thấp
nhiệt đới, sóng thần…
2. Tổ chức, cá nhân không thuộc các lực lượng của
Nhà nước được cơ quan chức năng huy động hoặc tự nguyện tham gia cứu người và
tài sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra không thuộc đối tượng và phạm vi điều
chỉnh của Quyết định này.
Điều 2. Điều kiện hỗ trợ
1. Có trụ sở làm việc (đối với tổ chức), hộ khẩu
thường trú (đối với cá nhân) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
2. Chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về
khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.
3. Đối với phương tiện tàu cá phải được đăng ký,
đăng kiểm và có giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật.
4. Kịp thời khai báo với Ủy ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn (gọi tắt Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi đặt trụ sở (đối với tổ chức),
hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân) hoặc Bộ đội Biên phòng gần nhất nơi bị nạn.
Điều 3. Nội dung hỗ trợ và mức
hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có tàu cá hoạt động
khai thác và dịch vụ khai thác hải sản bị hư hỏng nặng, thiệt hại từ 30% tổng
giá trị tài sản trên tàu trở lên hoặc mất tích do thiên tai gây ra khi khôi phục
sản xuất được:
1. Hỗ trợ chi phí sửa chữa:
a) Tàu cá có tổng công suất máy chính dưới 20
CV: hỗ trợ 30% tổng giá trị tài sản thiệt hại, nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/tàu.
b) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 20 CV đến
dưới 50 CV: hỗ trợ 30% tổng giá trị tài sản thiệt hại, nhưng tối đa không quá
10 triệu đồng/tàu.
c) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 50 CV đến
dưới 90 CV: hỗ trợ 30% tổng giá trị tài sản thiệt hại, nhưng tối đa không quá
20 triệu đồng/tàu.
d) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 90 CV đến
dưới 150 CV: hỗ trợ 30% tổng giá trị tài sản thiệt hại, nhưng tối đa không quá
40 triệu đồng/tàu.
đ) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 150 CV đến
dưới 250 CV: hỗ trợ 30% tổng giá trị tài sản thiệt hại, nhưng tối đa không quá
80 triệu đồng/tàu.
e) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 250 CV đến
dưới 400 CV: hỗ trợ 30% tổng giá trị tài sản thiệt hại, nhưng tối đa không quá
120 triệu đồng/tàu.
g) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 400 CV trở
lên: hỗ trợ 30% tổng giá trị tài sản thiệt hại, nhưng tối đa không quá 150 triệu
đồng/tàu.
2. Hỗ trợ chi phí trục vớt tàu cá bị chìm hoặc bị
trôi dạt:
a) Tàu cá có tổng công suất máy chính dưới 20
CV: hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tàu.
b) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 20 CV đến
dưới 50 CV: hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/tàu.
c) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 50 CV đến
dưới 90 CV: hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/tàu.
d) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 90 CV đến
dưới 150 CV: hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/tàu.
đ) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 150 CV đến
dưới 250 CV: hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/tàu.
e) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 250 CV đến
dưới 400 CV: hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/tàu.
g) Tàu cá tổng công suất máy chính từ 400 CV trở
lên: hỗ trợ tối đa 60 triệu đồng/tàu.
3. Tàu cá hoạt động ở vùng biển xa bờ, bị chìm,
hư hỏng nặng khi khôi phục sản xuất được hỗ trợ máy thông tin liên lạc HF có
tích hợp GPS, theo chứng từ thực tế nhưng tối đa không quá 25.000.000đ/tàu.
4. Hỗ trợ phao cứu sinh đối với tàu cá hoạt động
ở vùng biển xa bờ bị chìm, hư hỏng nặng, khi khôi phục sản xuất, hỗ trợ 100%
theo chứng từ thực tế.
5. Được xem xét miễn, giảm các loại thuế theo
quy định pháp luật hiện hành.
6. Hỗ trợ 100% chi phí nhiên liệu, chi phí sửa
chữa (nếu tàu bị hư hỏng) đối với các tàu, thuyền được huy động hoặc tự nguyện
tham gia cứu hộ, cứu nạn người và tàu, thuyền bị rủi ro do thiên tai trên biển.
Điều 4. Trách nhiệm của tổ
chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai gây ra
Chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày vụ việc tìm kiếm
cứu nạn kết thúc, các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai gây ra có
trách nhiệm tổng hợp các chi phí và các giấy tờ có liên quan đến hồ sơ hỗ trợ nộp
cho cơ quan có thẩm quyền để được xem xét thực hiện chi hỗ trợ.
Điều 5. Thẩm quyền và trách
nhiệm của cơ quan tiếp nhận và thụ lý hồ sơ
1. Cơ quan tiếp nhận và thụ lý hồ sơ hỗ trợ khắc
phục thiệt hại do thiên tai gây ra là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công.
2. Thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận
và thụ lý hồ sơ:
a) Hướng dẫn hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt
hại do thiên tai gây ra và các chi phí có liên quan đến thiệt hại.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Mỹ Tho và thị xã Gò Công ra quyết định thành lập đoàn thẩm định thiệt hại do
thiên tai gây ra.
c) Căn cứ vào hồ sơ của tổ chức, cá nhân bị thiệt
hại do thiên tai gây ra, chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính cấp huyện, Chi cục
Thủy sản Tiền Giang và chính quyền địa phương nơi bị nạn, xác định tỉ lệ thiệt
hại của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, lập biên bản thẩm định tài sản bị thiệt hại
do thiên tai gây ra (có đầy đủ chữ ký của tất cả các thành viên đoàn thẩm định
và chủ phương tiện bị thiệt hại do thiên tai gây ra).
d) Tham mưu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Mỹ Tho và thị xã Gò Công ban hành Quyết định hỗ trợ các chi phí có liên quan cho
các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời hạn 20 ngày
làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
đ) Lưu giữ hồ sơ của các tổ chức, cá nhân bị thiệt
hại do thiên tai gây ra.
Điều 6. Trình tự thủ tục và
hồ sơ thực hiện hỗ trợ
1. Trình tự thủ tục thực hiện hỗ trợ:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi
qua đường bưu điện đề nghị hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra tại
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Mỹ
Tho và thị xã Gò Công.
b) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các
huyện, Phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công có trách nhiệm tiếp nhận
hồ sơ đề nghị hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra của các tổ chức,
cá nhân. Đồng thời, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả chi
hỗ trợ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ (cần phải xác
minh), chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, có trách nhiệm
phải thông báo cho tổ chức, cá nhân biết để bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp không thực hiện chi hỗ trợ phải có
văn bản trả lời nêu rõ lý do.
2. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ (01 bộ) gồm có:
a) Đơn đề nghị hỗ trợ khắc phục thiệt hại do
thiên tai gây ra trên biển của các tổ chức, cá nhân (01 bản chính).
b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc Giấy xác
nhận đã đăng ký tàu cá (01 bản sao chụp, khi nộp phải xuất trình bản chính để đối
chiếu).
c) Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy đăng
ký kinh doanh (01 bản sao chụp, khi nộp phải xuất trình bản chính để đối chiếu).
d) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, chỉ
áp dụng đối với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 20Cv trở lên (01 bản sao
chụp, khi nộp phải xuất trình bản chính để đối chiếu).
đ) Chứng từ liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn,
khắc phục hậu quả sau tai nạn (01 bản chính).
Các giấy tờ kèm theo hồ sơ quy định nêu tại mục
c, d khoản 2 của Điều này phải còn hạn sử dụng (tính từ thời điểm bị nạn). Trường
hợp các giấy tờ nêu tại mục b, c, d, khoản 2 của Điều này bị thất lạc do thiên
tai gây ra thì có thể thay thế bằng giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc
Bộ đội Biên phòng nơi bị nạn.
Điều 7. Nguồn kinh phí
1. Mức hỗ trợ trên được cấp từ ngân sách tỉnh bổ
sung cho các địa phương theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
2. Ngân sách huyện chủ động dành một khoản kinh phí
hợp lý để thực hiện chính sách theo quy định tại Quyết định này trong thời gian
chờ ngân sách tỉnh cấp bổ sung.
3. Ngoài mức hỗ trợ theo quyết định này, các địa
phương có thể vận động sự đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và
ngoài nước.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức
triển khai, theo dõi tình hình thực hiện Quyết định này, đồng thời giám sát
tình hình chi hỗ trợ, thanh quyết toán đảm bảo đúng đối tượng, số lượng theo
quy định của Nhà nước và định kỳ hằng quý, năm báo cáo kết quả về Ủy ban nhân
dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
2. Sở Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế tỉnh, các ngành
tỉnh có liên quan quy định hồ sơ, thủ tục, quy trình hỗ trợ và cách tính nguyên
giá tài sản mua mới, bảo đảm đúng đối tượng; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công thực hiện chính sách hỗ trợ này.
b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí kịp
thời cho các địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Mỹ Tho và thị xã Gò Công có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Phòng Tài chính các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò
Công phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định, đánh giá tình hình thiệt
hại do thiên tai gây ra cho các đối tượng nêu trên theo quy định tại Quyết định
này.
b) Ban hành Quyết định thành lập đoàn thẩm định
để xác định tỉ lệ thiệt hại của các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai
gây ra.
c) Chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách huyện
và các nguồn khác để hỗ trợ cho ngư dân sớm ổn định cuộc sống. Trong trường hợp
thiệt hại xảy ra trên diện rộng về người và tài sản, sau khi đã sử dụng các nguồn
nói trên để hỗ trợ nhưng không đảm bảo cân đối thì kịp thời báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh để xem xét quyết định.
d) Quyết định các khoản và các mức hỗ trợ thuộc
ngân sách cấp huyện phù hợp với quy định tại Quyết định này.
đ) Định kỳ hàng quý, năm báo cáo kết quả thực hiện
gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Điều 9. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng,
Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Hưởng
|