ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
48/2007/QĐ-UBND
|
Tân
An, ngày 11 tháng 10 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THỦ TỤC, TRÌNH TỰ VÀ THỜI HẠN GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC HỘ TỊCH,
QUỐC TỊCH VÀ LÝ LỊCH TƯ PHÁP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam số 07/1998/QH10 ngày 20/5/1998; Nghị định số
104/1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành Luật Quốc tịch Việt Nam; Nghị định số 55/2000/NĐ-CP ngày 11/10/2000 của
Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 104/1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam;
Căn cứ Luật Cư trú số 81/2006/QH11 ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia
đình có yếu tố nước ngoài; Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và
quản lý hộ tịch;
Căn cứ Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ
sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;
Căn cứ Quyết định số 52/2006/QĐ-UBND ngày 07/11/2006 của UBND tỉnh Long An ban
hành quy định về thủ tục, trình tự và thời hạn giải quyết công việc hộ tịch, quốc
tịch và lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 855/TTr-STP ngày
02/10/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung
một số điều của quy định về thủ tục, trình tự và thời hạn giải quyết công việc
hộ tịch, quốc tịch và lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định
số 52/2006/QĐ-UBND ngày 07/11/2006 của UBND tỉnh như sau:
1. Sửa đổi
khoản 2 Điều 3 như sau:
“2. Giấy tờ được lập bằng tiếng
nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và có chứng thực bản dịch.”
2. Sửa đổi
khoản 1 Điều 4 như sau:
“1. Thời hạn để giải quyết công
việc theo quy định này là ngày làm việc theo quy định của pháp luật.”
3. Sửa đổi,
bổ sung khoản 1 Điều 5 như sau:
“1. Hồ sơ đăng ký kết hôn:
Mỗi bên phải nộp 02 bộ hồ sơ, mỗi
bộ gồm có các giấy tờ sau đây:
a) Tờ khai đăng ký kết hôn (theo
mẫu quy định);
b) Giấy xác nhận về tình trạng
hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là
công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại
đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng;
Trong trường hợp pháp luật của
nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp Giấy xác nhận về tình
trạng hôn nhân thì có thể thay Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng Giấy xác
nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng,
phù hợp với pháp luật của nước đó;
c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế
có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày
nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh
khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
d) Bản sao có chứng thực Giấy chứng
minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ
thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công
dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
đ) Bản sao có chứng thực Sổ hộ
khẩu hoặc Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc Giấy xác nhận đăng ký tạm trú
có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm
trú hoặc Giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).
Đối với các loại giấy tờ do cơ
quan nước ngoài cấp chỉ đủ để lập thành một bộ hồ sơ thì bộ hồ sơ thứ hai được
sử dụng bản sao có chứng thực các loại giấy tờ trên.
4. Sửa đổi
khoản 1 Điều 7 như sau:
“1. Thủ tục hồ sơ:
a) Người nước ngoài xin nhận trẻ
em Việt Nam làm con nuôi phải nộp 02 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm có các giấy tờ sau
đây:
- Đơn xin nhận trẻ em Việt Nam
làm con nuôi (theo mẫu quy định);
- Bản sao có chứng thực Hộ chiếu
hoặc giấy tờ thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú;
- Giấy phép còn giá trị do cơ
quan có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp, cho
phép người đó nhận con nuôi. Nếu nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú
không cấp loại giấy phép này thì thay thế bằng giấy tờ có giá trị tương ứng hoặc
giấy xác nhận có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo pháp luật nước đó;
- Bản điều tra về tâm lý, gia
đình, xã hội của người xin nhận con nuôi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của
nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp;
- Giấy xác nhận do tổ chức y tế
có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú hoặc tổ chức y tế
của Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ
sơ, xác nhận hiện tại người đó có đủ sức khỏe, không mắc bệnh tâm thần hoặc
không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình,
không mắc bệnh truyền nhiễm;
- Giấy tờ xác nhận về tình hình
thu nhập của người xin nhận con nuôi, chứng minh người đó bảo đảm việc nuôi con
nuôi;
- Phiếu lý lịch tư pháp của người
xin nhận con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó thường trú cấp
chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ;
- Bản sao Giấy chứng nhận kết
hôn đối với người xin nhận con nuôi, trong trường hợp người xin nhận con nuôi
là vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân;
- Người xin nhận con nuôi thuộc trường
hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 35 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP
ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã được
sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị
định số 68/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung), phải có giấy tờ phù hợp do cơ
quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước nơi người đó thường trú cấp để chứng
minh.
b) Hồ sơ trẻ em được cho làm con
nuôi bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Bản sao có chứng thực Giấy
khai sinh của trẻ em;
- Giấy đồng ý cho trẻ em làm con
nuôi có chữ ký của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ (đối với trẻ đang sống ở
cơ sở nuôi dưỡng) hoặc cha mẹ đẻ của trẻ (đối với trẻ đang sống tại gia đình);
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế
từ cấp huyện trở lên, xác nhận về tình trạng sức khỏe của trẻ em;
- 02 ảnh màu của trẻ em, chụp
toàn thân cỡ 10x15cm hoặc 9x12cm.
c) Đối với trẻ em đang sống tại
cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản
1 Điều này, hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi còn phải có quyết định của
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng, biên bản
bàn giao trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng và giấy tờ tương ứng thuộc một trong các
trường hợp sau đây:
- Đối với trẻ em bị bỏ rơi, phải
có bản tường trình sự việc của người phát hiện trẻ em bị bỏ rơi; biên bản về việc
trẻ em bị bỏ rơi (có xác nhận của cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương);
giấy tờ chứng minh đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (từ cấp tỉnh
trở lên) về việc trẻ em bị bỏ rơi sau 30 ngày mà không có thân nhân đến nhận;
- Đối với trẻ em mồ côi, phải có
bản sao có chứng thực Giấy chứng tử của cha, mẹ đẻ của trẻ em đó;
- Đối với trẻ em có cha, mẹ là
người mất năng lực hành vi dân sự, phải có bản sao được chứng thực quyết định
có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tuyên bố cha, mẹ đẻ của trẻ em đó mất
năng lực hành vi dân sự;
d) Đối với trẻ em đang sống tại
gia đình, ngoài các giấy tờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, còn phải có bản
sao được chứng thực Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ
đang nuôi dưỡng trẻ em.
đ) Đối với trẻ em khuyết tật,
tàn tật, nạn nhân của chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo
khác quy định tại điểm d khoản 3 Điều 35 và Điều 36 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP
đã được sửa đổi bổ sung thì phải có Giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền
cấp theo quy định của Bộ Y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan; Đối
với trẻ em mất năng lực hành vi dân sự quy định tại điểm d khoản 3 Điều 35 và
Điều 36 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung thì phải có bản sao
được chứng thực quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố trẻ em đó
mất năng lực hành vi dân sự.
e) Khi người nhận nuôi con nuôi
đến để hoàn tất thủ tục nuôi con nuôi, thì phải nộp thêm bản cam kết về việc
thông báo định kỳ 06 tháng một lần (theo mẫu của Bộ Tư pháp) cho UBND cấp tỉnh
và cơ quan con nuôi quốc tế về tình hình phát triển của con nuôi trong ba năm đầu
tiên, sau đó mỗi năm tiếp theo thông báo một lần cho đến khi con nuôi đủ 18 tuổi.
g) Hồ sơ trẻ em được cho làm con
nuôi lập thành 04 bộ.”
5. Sửa đổi,
bổ sung khoản 2 Điều 15 như sau:
“2. Thời hạn giải quyết:
a) Đối với các trường hợp đủ điều
kiện để được ghi chú việc kết hôn thì được giải quyết ngay sau khi kiểm tra xác
định được hồ sơ giấy tờ hợp lệ.
b) Đối với hồ sơ ghi chú việc kết
hôn mà phải qua thủ tục phỏng vấn được quy định tại khoản 7.2 điều 1 Nghị định
số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước
ngoài thì thời hạn giải quyết là 07 ngày, kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ.”
6. Sửa đổi,
bổ sung khoản 2 Điều 16 như sau:
“2. Thời hạn giải quyết:
a) Đối với các trường hợp mà hồ
sơ hộ tịch đang được lưu trữ tại Sở Tư pháp thì được giải quyết ngay sau khi kiểm
tra xác định việc sao lục là có căn cứ và hợp lệ.
b) Đối với hồ sơ hộ tịch mà sổ bộ
hiện lưu trữ tại cấp huyện hoặc xã trong tỉnh thì thời hạn giải quyết là 07
ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”
7. Sửa đổi,
bổ sung khoản 2 Điều 17 như sau:
“2. Thời hạn giải quyết:
a) Đối với các trường hợp mà hồ
sơ hộ tịch đang được lưu trữ tại Sở Tư pháp thì được giải quyết ngay sau khi kiểm
tra xác định việc cấp lại bản chính giấy khai sinh là có căn cứ và hợp lệ.
b) Đối với hồ sơ hộ tịch mà sổ bộ
hiện lưu trữ tại cấp huyện hoặc cấp xã trong tỉnh thì thời hạn giải quyết là 07
ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”
8. Sửa đổi,
bổ sung khoản 3 Điều 21 như sau:
“3. Thời hạn giải quyết:
Tổng cộng là 22 ngày kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thu lệ phí:
+ Sở Tư pháp: 15 ngày;
+ UBND tỉnh: 07 ngày.
Đối với hồ sơ cần phải thẩm tra
của cơ quan Công an, thì thời gian kéo dài thêm không quá 20 ngày.
Trường hợp người Việt Nam định
cư ở nước ngoài đã trở về Việt Nam xin cấp Giấy chứng nhận có Quốc tịch Việt
Nam để làm thủ tục hồi hương, đầu tư, hồ sơ phải gửi Bộ Tư pháp tra cứu xác nhận
không có trong danh sách những người đã thôi Quốc tịch Việt Nam, thì thời gian
chờ kết quả không tính vào thời hạn trên. ”
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Cục KTVB QPPL- Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT. UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Phòng NCTH (NC);
- Lưu VT,STP,U
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Dương Quốc Xuân
|