Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1718/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án phát triển hoạt động Lý lịch tư pháp giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Số hiệu 1718/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/09/2013
Ngày có hiệu lực 17/09/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Nguyễn Văn Trăm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1718/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 17 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG LÝ LỊCH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2013 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp năm 2009;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 164/TTr-STP ngày 03/9/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển hoạt động Lý lịch tư pháp giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp (05 bản);
- Như Điều 3;
- UBND các huyện, thị xã;
- Trưởng Công an các huyện, thị xã;
- Viện trưởng VKSND các huyện, thị xã;
- Chánh án TAND các huyện, thị xã;
- Chi cục trưởng Chi cục THADS các huyện, thị xã;
- LĐVP, Phòng NC-NgV;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trăm

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG LÝ LỊCH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2013-2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1718/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước)

Phần thứ nhất.

THỰC TIỄN, MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. THỰC TIỄN CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng môi trường pháp lý công bằng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền công dân, góp phần vào công cuộc hội nhập quốc tế, Luật Lý lịch tư pháp đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2010. Sự ra đời của Luật Lý lịch tư pháp có ý nghĩa vô cùng to lớn, đặc biệt là tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước.

Lý lịch tư pháp được coi là một công cụ giúp Nhà nước quản lý trật tự xã hội, quản lý con người, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, giúp cho các quan hệ xã hội được phát triển lành mạnh, bền vững, theo khuôn khổ của pháp luật. Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước từ năm 2010 đến tháng 7 năm 2013 đã cấp 1.883 Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam và người nước ngoài. Có thể nói Phiếu Lý lịch tư pháp cũng là công cụ để công dân đòi hỏi sự đối xử công bằng, minh bạch từ phía các cơ quan Nhà nước, yêu cầu Nhà nước phải bảo đảm cho họ được làm các công việc mà pháp luật không cấm nếu họ xuất trình được lý lịch tư pháp chứng minh họ không có án tích. Lý lịch tư pháp là một hình thức quản lý con người hiện đại trong một xã hội dân sự khi mà quyền công dân ngày càng được tôn trọng và bảo vệ. Trong quản lý nhân sự và hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự, đáp ứng yêu cầu chứng minh về nhân thân tư pháp của cá nhân cũng như tạo điều kiện cho người bị kết án trong việc xóa án tích để tái hòa nhập cộng đồng.

Nội dung quan trọng nhất trong quản lý lý lịch tư pháp là xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tập hợp các thông tin lý lịch tư pháp về án tích, thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý Doanh nghiệp, Hợp tác xã được cập nhật và xử lý theo quy định của Luật lý lịch tư pháp. Theo quy định tại Điều 15 và Điều 36 của Luật lý lịch tư pháp thì nguồn thông tin lý lịch tư pháp mà Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp phải tiếp nhận, cập nhật, xử lý là 19 loại thông tin lý lịch tư pháp, bao gồm các bản án, Quyết định của Tòa án và các tài liệu của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến quá trình thi hành các bản án, Quyết định đó. Theo báo cáo công tác năm 2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước thì chỉ riêng năm 2012 cơ quan Tòa án trên địa bàn tỉnh đã thụ lý 1.683 vụ án hình sự/3.610 bị cáo; trong đó, đã giải quyết 1.458 vụ trên 3.048 bị cáo; ban hành 1.923 quyết định thi hành án, trong đó có 02 án tử hình, 02 án phạt tù chung thân. 1.093 bị án phạt tù có thời hạn (cấp tỉnh là 109, cấp huyện là 984), 773 trường hợp phạt tù cho hưởng án treo (cấp tỉnh 10, cấp huyện 763), 53 bị án phạt cải tạo không giam giữ. Đã đưa đi thi hành án 1.843 trường hợp; Xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 1.404 phạm nhân tại Trại giam Tống Lê Chân và Trại giam Công an tỉnh.

Từ những số liệu trên cho thấy khối lượng thông tin lý lịch tư pháp cần phải tiếp nhận, cập nhật, xử lý, lưu trữ theo quy định của Luật lý lịch tư pháp là rất lớn; tuy nhiên, do công tác quản lý lý lịch tư pháp ở nước ta nói chung và của địa phương nói riêng đều chưa ổn định qua các thời kỳ nên đến nay chưa có cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thống nhất, đầy đủ. Các thông tin về lý lịch tư pháp hiện đang được lưu trữ phân tán tại nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau thuộc các ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quân đội, Tư pháp... Việc chưa có một cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thống nhất đang là cản trở lớn đối với công tác quản lý lý lịch tư pháp và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động tố tụng hình sự, thi hành án...

1. Cơ sở pháp lý

Ngày 08 tháng 11 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó trọng tâm là “nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công”. Điều này đòi hỏi cần thiết phải phát triển lý lịch tư pháp để đảm bảo công tác quản lý lý lịch tư pháp được thông suốt, chuyên nghiệp, hoạt động càng hiệu quả, từng bước hiện đại hóa, cải cách thủ tục giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo hướng minh bạch đơn giản, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, bảo đảm tôn trọng quyền dân chủ, bảo đảm bí mật đời tư của công dân.

Luật Lý lịch tư pháp (Luật số 28/2009/QH12) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010; Nghị định số 111/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23 tháng 11 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và tại Sở Tư pháp. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp có nhiệm vụ tiếp nhận, cập nhật, xử lý đầy đủ các thông tin về án tích, tình trạng thi hành bản án của người bị kết án và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới, rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức bộ máy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Quân sự, các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Ngày 28 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2369/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp”;

Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp quy định về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp;

Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;

[...]