Quyết định 48/2002/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 48/2002/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/04/2002
Ngày có hiệu lực 26/04/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 48/2002/QĐ-TTG NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRƯỜNG DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2002-2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Nghị định 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Bộ Luật Lao động và Luật Giáo dục về Dạy nghề;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường Dạy nghề giai đoạn 2002 - 2010 với các nội dung cơ bản sau đây:

1. Mục tiêu quy hoạch:

- Xây dựng mạng lưới trường dạy nghề và các cơ sở dạy nghề khác đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

- Từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, khắc phục những bất hợp lý về cơ cấu nhân lực;

- Tạo cơ hội cho đông đảo người lao động được trang bị những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực tiếp thu công nghệ mới để tự tạo việc làm, chủ động tìm kiếm cơ hội lập nghiệp.

2. Nguyên tắc quy hoạch:

- Dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng ngành, từng vùng kinh tế và từng địa phương; điều chỉnh hợp lý cơ cấu ngành nghề, trình độ, vùng miền; mở rộng quy mô đào tạo trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả, kết hợp giữa đào tạo và việc làm;

- Đảm bảo tính kế thừa và phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và xã hội; đẩy mạnh xã hội hoá; khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài;

- Mở rộng đào tạo công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên và nhân viên nghiệp vụ theo nhiều trình độ; liên thông giữa các ngành nghề, các trình độ đào tạo nghề và với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

3. Nội dung quy hoạch:

a/ Trình độ đào tạo:

Hình thành hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành thực hiện các chương trình dạy nghề ngắn hạn dưới một năm (bán lành nghề) và dài hạn từ một đến ba năm (lành nghề và trình độ cao):

- Bán lành nghề: Được trang bị một số kiến thức và kỹ năng nghề nhất định;

- Lành nghề: Được trang bị kiến thức và kỹ năng nghề diện rộng hoặc chuyên sâu, có khả năng đảm nhận những công việc phức tạp;

- Trình độ cao: Được trang bị kỹ năng nghề thành thạo và kiến thức chuyên môn kỹ thuật cần thiết dựa trên nền học vấn trung học phổ thông hoặc trung học chuyên nghiệp để có khả năng vận hành các thiết bị hiện đại và xử lý được các tình huống phức tạp, đa dạng trong các dây chuyền sản xuất tự động, công nghệ hiện đại.

Những người tốt nghiệp các chương trình dạy nghề ngắn hạn được cấp chứng chỉ nghề, những người tốt nghiệp các chương trình dạy nghề dài hạn được cấp bằng tốt nghiệp đào tạo nghề theo quy định của Luật Giáo dục;

Đảm bảo tỷ lệ đào tạo giữa các trình độ phù hợp với nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nhịp độ phát triển công nghệ; chú trọng đào tạo công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên và nhân viên nghiệp vụ trình độ cao để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

b/ Mạng lưới trường dạy nghề:

- Cơ sở dạy nghề bao gồm các trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề, các lớp dạy nghề. Mạng lưới trường dạy nghề bao gồm cả các trường Trung học chuyên nghiệp và Cao đẳng kỹ thuật có chức năng và nhiệm vụ dạy nghề;

- Từng bước xây dựng và hoàn thiện những trường hiện có theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá để tăng năng lực, chất lượng và hiệu quả đào tạo; tập trung đầu tư để nâng cấp và phát triển các trường dạy nghề chất lượng cao, các trường đào tạo nghề trình độ cao ở các vùng kinh tế trọng điểm và các khu công nghiệp tập trung cho một số ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

- Điều chỉnh mạng lưới trường thuộc các Bộ, ngành, địa phương phù hợp với nhu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động theo ngành nghề và theo vùng miền; thành lập các trường mới ở các tỉnh chưa có trường, ở các vùng kinh tế động lực, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp có nhu cầu lớn về lao động được đào tạo nghề; hình thành các trường đa ngành nghề ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải Trung Bộ;

- Phát triển các cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp, ngoài công lập, các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và các chương trình dạy nghề trong các trung tâm giáo dục cộng đồng;

- Đến năm 2005 mỗi tỉnh (thành phố) có ít nhất một trường dạy nghề, mỗi quận, huyện có một trung tâm dạy nghề ngắn hạn và đến năm 2010 một số quận, huyện có trường dạy nghề.

[...]
13
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ