Quyết định 4696/QĐ-UBND năm 2016 về Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai phiên bản 1.0

Số hiệu 4696/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/12/2016
Ngày có hiệu lực 30/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Văn Vĩnh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4696/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 30 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI PHIÊN BẢN 1.0

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Thực hiện Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0; Văn bản số 2384/BTTTT-THH ngày 28/7/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn mẫu Đề cương Kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ, mẫu đề cương kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh;

Căn cứ Kế hoạch số 5354/KH-UBND ngày 10/7/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 1829/TTr-STTTT ngày 30/12/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành “Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đồng Nai - Phiên bản 1.0” (gọi tắt là Kiến trúc) do Trung tâm Chính phủ điện tử thuộc Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị tư vấn và Sở Thông tin và Truyền thông là chủ đầu tư. Tài liệu Kiến trúc được đăng tải tại Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai tại địa chỉ: https://www.dongnai.gov.vn và Trang Thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông, địa chỉ: http://stttt.dongnai.gov.vn với những nội dung chính như sau:

I. Mục đích và phạm vi áp dụng

1. Mục đích

a) Tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, Cơ sở dữ liệu (CSDL) các sở, ban, ngành, các bộ ngành nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết mau chóng các thủ tục hành chính công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với mục tiêu chuyển từ Chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ;

b) Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lắp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước (CQNN);

c) Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế;

d) Đề xuất danh mục các dự án cần triển khai để hoàn thành hệ thống Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Đồng Nai vào năm 2020 (gồm nền tảng CQĐT, các ứng dụng & CSDL, hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo).

2. Phạm vi áp dụng

Tài liệu này áp dụng cho toàn bộ các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gồm:

a) Hội đồng nhân dân tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh;

c) Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (bao gồm toàn bộ các sở và cơ quan tương đương Sở);

d) Hội đồng nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân huyện;

đ) Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân xã,

Để làm cơ sở triển khai hệ thống CQĐT tỉnh trong thời gian sắp tới. Các cơ quan và tổ chức khác cũng có thể tham khảo để triển khai ứng dụng CNTT của mình nhằm bảo đảm tính kết nối, liên thông và đồng bộ với hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

II. Hiện trạng phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh

1. Kiến trúc phân tích chức năng, nhiệm vụ các cơ quan nhà nước của tỉnh Đồng Nai tuân theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015 để xây dựng sơ đồ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước tỉnh Đồng Nai. Các quy định về phối hợp, phối hợp xử lý giữa các cơ quan nhà nước này sẽ là cơ sở cho việc lựa chọn, phân tích các thủ tục hành chính công (TTHC) liên thông về thông tin, quy trình nghiệp vụ cũng như xây dựng mô hình trao đổi thông tin, dữ liệu trong quá trình xây dựng Kiến trúc.

2. Kiến trúc phân tích các mối quan hệ hiện tại giữa người sử dụng và hệ thống: G2G (Chính phủ với chính phủ), G2B (Chính phủ với doanh nghiệp), G2C (Chính phủ với công dân), G2E (Chính phủ với công chức, viên chức) để có cái nhìn toàn cảnh về hiện trạng phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh Đồng Nai. Phân tích các kênh truy cập, dịch vụ nghiệp vụ, các ứng dụng, dịch vụ nền tảng, hạ tầng kỹ thuật của tỉnh để xác định mức độ sẵn sàng cho việc phát triển Chính quyền điện tử.

[...]