UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 468/QĐ-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
31 tháng 10 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THIẾT CHẾ VĂN HOÁ THÔNG TIN CƠ SỞ
ĐẾN NĂM 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 271/2005/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm
2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống
thiết chế văn hoá thông tin cơ sở đến năm 2010;
Thực hiện kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kỳ họp 8,
tại văn bản số 08/KL-TU ngày 01 tháng 8 năm 2006 và Chương trình hành động số
05-CTr/TU ngày 27 tháng 8 năm 2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội
đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá
Thông tin tại Tờ trình số 63/TTr-VHTT ngày 28 tháng 9 năm 2006 về việc đề nghị
phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở tỉnh
Tuyên Quang đến năm 2010,
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở tỉnh
Tuyên Quang đến năm 2010, với nội dung sau:
1- Đối tượng quy
hoạch
1.1- Trung tâm Văn hoá Thông tin và Triển lãm
cấp tỉnh.
1.2- Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao
cấp huyện.
1.3- Nhà văn hoá cấp xã;
1.4- Nhà văn hoá thôn, bản;
1.5- Nhà văn hoá do các ngành, đoàn thể quản
lý.
2- Quan điểm xây dựng
quy hoạch
2.1- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ
đảng, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể và toàn xã hội đối với việc xây
dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở.
2.2- Củng cố, xây dựng và phát triển thiết
chế văn hoá thông tin cơ sở đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của
tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đi đôi với tăng cường nâng cao
chất lượng đội ngũ cán bộ và đổi mới cơ chế quản lý, đảm bảo nội dung hoạt động
phong phú, đa dạng, có hiệu quả theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.
2.3- Quan tâm đầu tư xây dựng phát triển hệ
thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở hợp lý. Nhà nước đầu tư xây dựng thiết
chế cấp tỉnh, cấp huyện và các xã vùng đặc biệt khó khăn; lồng ghép các nguồn
vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh công tác xã hội hoá để đầu tư xây
dựng thiết chế văn hoá cấp xã và thôn, bản.
3- Mục tiêu quy hoạch
3.1- Mục tiêu tổng quát:
- Xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống
thiết chế văn hoá thông tin cơ sở, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng
thụ văn hoá giữa các vùng trong tỉnh.
- Nâng cao chất lượng xây
dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá các hoạt động văn
hoá, huy động các nguồn lực nhằm tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện để
nhân dân tham gia thực hiện mục tiêu "Xây dựng và phát triển nền văn
hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
- Xây dựng con người mới có tư tưởng, đạo
đức, lối sống lành mạnh, có ý thức bảo tồn và phát
huy văn hoá dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,
đáp ứng sự nghiệp đổi mới và phát triển.
3.2- Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:
- Trung tâm Văn hoá Thông tin và
Triển lãm tỉnh đạt chuẩn quốc gia;
- Đầu tư cơ sở vật chất cho Trung
tâm Văn hoá Thể thao thanh thiếu nhi tỉnh, duy trì hoạt động Nhà văn hoá thuộc
các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn.
- 100% Trung tâm Văn hoá Thông
tin và Thể thao cấp huyện, thị xã có thiết chế văn hoá đạt chuẩn quốc gia;
- 100% xã, phường, thị trấn có
thiết chế văn hoá, trong đó có 57,14% thiết chế văn hoá đạt chuẩn quốc gia (80
xã, phường, thị trấn);
- Trên 90% cán bộ văn hoá thông
tin cơ sở cấp tỉnh, 70% cán bộ văn hoá thông tin cơ sở cấp huyện và trên 30 %
cán bộ văn hoá - xã hội cấp xã có trình độ đại học về chuyên môn nghiệp vụ; 70%
cán bộ văn hoá - xã hội cấp xã có trình độ trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ.
- Trên 80% thôn, bản có nhà văn
hoá, trong đó có 19,5% thôn, bản có nhà văn hoá đạt chuẩn quốc gia.
- Đến năm 2010, có trên 85% số hộ đạt danh
hiệu gia đình văn hoá; trên 70% số thôn, bản đạt danh hiệu thôn, bản văn hoá.
4- Nội dung quy hoạch
4.1- Hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hoá
thông tin cơ sở thuộc ngành văn hoá thông tin quản lý gồm: tỉnh, huyện, xã và
thôn, bản.
4.2- Thiết chế văn hoá thông tin cơ sở trực
thuộc các ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang, thực hiện theo kế hoạch được
giao của ngành, đoàn thể và theo Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hoá thông
tin của tỉnh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
4.3- Xây dựng, hoàn thiện
hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở theo các tiêu chuẩn trong Quy hoạch
phát triển hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở đến năm 2010 của Bộ Văn
hoá - Thông tin ban hành và theo các tiêu chí sau:
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng
phải đồng bộ, phù hợp yêu cầu phục vụ cho các hoạt động tại chỗ và lưu động.
- Tổ chức bộ máy theo nguyên tắc chuyên
nghiệp hóa, từng bước chuẩn hoá cán bộ, công chức của thiết chế văn hoá thông
tin cơ sở.
4.4- Quy hoạch đất sử dụng:
Căn cứ tình hình quỹ đất của địa phương để
quy hoạch đất cho các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở trên địa bàn cho phù
hợp:
- Đối với Trung tâm Văn
hoá Thông tin và Triển lãm tỉnh: 5.000 m2 trở lên.
- Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao cấp
huyện: 2.500 m2 trở lên.
- Nhà văn hoá cấp xã: 1000 m2 trở
lên.
- Nhà văn hoá thôn, bản: 500 m2
trở lên.
4.5- Quy mô xây dựng:
- Đối với Trung tâm Văn hoá Thông tin và
Triển lãm tỉnh:
Có hội trường đa năng và sân khấu phù hợp, có các phòng chức năng, trang âm,
ánh sáng hoàn chỉnh; có nơi tổ chức triển lãm trong nhà, ngoài trời; khu dịch vụ
văn hoá; phòng làm việc của cán bộ; công trình vệ sinh...
- Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao cấp
huyện: Có hội
trường đa năng và các phòng chức năng, trang âm, ánh sáng hoàn chỉnh; có địa
điểm tổ chức các loại hình nghiệp vụ thông tin - triển lãm; khu vui chơi, rèn
luyện thể chất; phòng làm việc của cán bộ; sân tổ chức các hoạt động văn hoá;
công trình vệ sinh…
- Nhà văn hoá xã: Có hội trường, có sân khấu,
trang âm, ánh sáng; đáp ứng các điều kiện tổ chức các hoạt động văn nghệ, đọc
sách, thông tin, triển lãm, truyền thanh, câu lạc bộ…; có sân vui chơi và công
trình vệ sinh.
- Nhà văn hoá thôn, bản có quy mô xây dựng
phù hợp với tình hình thực tế và phong tục tập quán của địa phương.
- Nhà văn hoá do ngành, đoàn thể quản lý hoàn
thiện theo yêu cầu của ngành, đoàn thể và phù hợp với Quy hoạch phát triển sự
nghiệp văn hoá thông tin của tỉnh.
5. Giải pháp thực
hiện
5.1- Về đầu tư:
- Nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết
bị và phương tiện chuyên dùng, cấp kinh phí hoạt động nghiệp vụ cho các thiết
chế văn hoá thông tin cấp tỉnh và huyện.
- Đối với thiết chế văn
hoá thông tin cấp xã, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu
theo cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm" tỉnh, huyện hỗ trợ, nhân
dân đóng góp. Đối với các xã đặc biệt khó khăn sử dụng nguồn vốn xây dựng từ
nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn Dự án hoàn thiện thiết chế văn hoá thông tin cơ sở ở
các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ.
- Thiết chế văn hoá thôn,
bản: Do nhân dân và các tổ chức xã hội đóng góp, vốn
Dự án hoàn thiện thiết chế văn hoá thông tin cơ sở ở các tỉnh vùng trung du và
miền núi Bắc bộ; chương trình mục
tiêu quốc gia về văn hoá hàng năm; đối với vùng "có hoàn cảnh đặc
biệt", các xã thực hiện Chương trình 135, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí
xây dựng cơ bản và đầu tư trang thiết bị chuyên dùng.
- Khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội,
doanh nghiệp, cá nhân tài trợ, hỗ trợ, đóng góp kinh phí để xây dựng và duy trì
hoạt động của các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở.
* Tổng nguồn vốn thực hiện: 90.263.000.000 đồng (phân kỳ đầu tư theo
từng năm).
Cơ cấu nguồn vốn, bao gồm:
- Vốn ngân sách Trung ương;
- Vốn ngân sách địa phương;
- Vốn các chương trình mục tiêu;
- Vốn đóng góp;
- Nguồn huy động hợp pháp khác.
5.2- Hoàn thiện cơ chế, chính sách:
- Nghiên cứu cơ chế tạo
nguồn và cấp kinh phí đảm bảo hoạt động của các thiết chế văn hoá thông tin cơ
sở cấp tỉnh và huyện; tạo điều kiện để đơn vị mở rộng hoạt động tăng nguồn thu,
bổ sung kinh phí cho các hoạt động, thực hiện chế độ thù lao đối với cán bộ văn
hoá thông tin cơ sở, đội thông tin lưu động.
- Có chính sách đãi ngộ, động viên các nghệ
nhân trong việc truyền dạy, bảo tồn và phát huy vốn văn hoá văn nghệ truyền
thống, người có tài năng, đạt giải cao trong các kỳ liên hoan, hội diễn văn hoá
văn nghệ và tích cực tham gia xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ ở cơ sở.
- Khuyến khích và kịp thời
khen thưởng động viên các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp công sức và kinh
phí xây dựng thiết chế văn hoá thông tin cơ sở.
5.3- Tăng cường đào tạo, từng bước chuẩn hoá
cán bộ:
- Phối hợp với các Trường Văn hoá nghệ thuật
của Trung ương hoặc khu vực mở lớp đại học tại chức và lớp trung cấp chuyên
ngành văn hoá thông tin để đào tạo và đào tạo lại cán bộ văn hoá thông tin cơ
sở trong tỉnh.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi
dưỡng cán bộ văn hoá, chủ nhiệm nhà văn hoá xã, phường, thị trấn.
- Xây dựng đề án thành lập Trường Nghiệp vụ
Văn hoá nghệ thuật để đào tạo cán bộ văn hoá thông tin cơ sở, hạt nhân và tài năng văn hoá, nghệ thuật...
5.4- Đổi mới phương pháp quản lý hoạt động:
- Đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, thực
hiện cải cách hành chính, nâng cao trình độ chuyên
môn, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ văn hoá thông
tin cơ sở trong quản lý, tổ chức hoạt động, khai thác có hiệu quả cơ sở vật
chất, trang thiết bị được đầu tư để nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá.
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, giáo dục, hướng dẫn và vận động nhân dân tham gia các hoạt động văn hoá
ở cơ sở; gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ các di tích
lịch sử văn hoá.
- Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; phát triển các câu lạc bộ gia
đình văn hoá, thôn, bản, tổ nhân dân văn hoá tiêu biểu, xây dựng môi trường văn
hoá lành mạnh.
- Từng bước thực hiện xã hội hoá các hoạt
động văn hoá thông tin nhằm
huy động tiềm năng trí tuệ và vật chất của toàn xã hội chăm lo đến hoạt động
văn hoá của nhân dân; đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các
đối tượng chính sách được hưởng thụ văn hoá ở mức độ ngày càng cao theo tinh
thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã
hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao.
Điều 2. Tổ chức thực
hiện
1- Sở Văn hoá Thông tin:
Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng năm, tổ
chức thực hiện phát triển các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở; hướng dẫn cơ
sở triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, quản lý chỉ đạo hoạt
động khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở phục
vụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
2- Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Bố trí phân bổ nguồn lực bảo đảm thực hiện
quy hoạch; ưu tiên nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn xây
dựng cơ bản để xây dựng các thiết chế văn hoá theo đúng quy định hiện hành.
3- Sở Tài chính:
- Cân đối ngân sách hàng
năm bảo đảm yêu cầu tiến độ thực hiện Quy hoạch.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng
và quyết toán kinh phí theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng
dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước.
4- Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin và
Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, căn cứ quỹ đất của địa phương thực hiện quy
hoạch đất và cấp đất xây dựng các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở đảm bảo
theo đúng quy định.
5- Sở Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin thiết kế
mẫu các nhà văn hoá cấp tỉnh, huyện, xã và thôn, bản, phù hợp với điều kiện
kinh tế - xã hội và truyền thống văn hoá của cộng đồng các dân tộc.
6- Các ngành, các cơ quan có thiết chế văn
hoá thông tin cơ sở:
Có kế hoạch đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật
chất, củng cố tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn
hoá do ngành, cơ quan quản lý, tích cực tham gia phục vụ nâng cao nhu cầu sinh
hoạt văn hoá của nhân dân.
7- Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã:
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt
chẽ với các đoàn thể cùng cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung Quy hoạch.
Hàng năm lập kế hoạch, cân đối ngân sách bảo đảm cho hoạt động của thiết chế
văn hoá thông tin cơ sở trên địa bàn. Phối hợp với các ngành của tỉnh quy hoạch
đất xây dựng thiết chế văn hoá thông tin; có kế hoạch bố trí đào tạo đội ngũ
cán bộ; kế hoạch củng cố, phát triển hệ thống thiết
chế văn hoá thông tin cơ sở trên địa bàn.
- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị
trấn
hàng năm cân đối và bố trí ngân sách, vận động nhân dân thực hiện xã hội hoá
hoạt động văn hoá, huy động các nguồn lực trong nhân dân đầu tư cho thiết chế
văn hoá cấp xã và thôn, bản; bố trí cán bộ làm công tác văn hoá xã hội đúng
chuyên môn nghiệp vụ đã được đào tạo.
8- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và
các đoàn thể:
Phối hợp chặt chẽ với Ban
chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" của
tỉnh tuyên truyền, vận động huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng và phát
triển hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa
lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân
tỉnh, Giám đốc các sở: Văn hoá Thông tin, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây
dựng, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang; thủ
trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện,
thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH
CHỦ TỊCH
Lê Thị Quang
|