Quyết định 4551/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020, có xét đến năm 2025

Số hiệu 4551/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2014
Ngày có hiệu lực 31/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Phan Cao Thắng
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4551/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KINH DOANH KHÍ DẦU MỎ HÓA LỎNG (LPG) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 91/TTr-SCT ngày 05/12/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020, có xét đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

a. Quan điểm phát triển

- Phát triển hệ thống kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và các lĩnh vực liên quan.

- Phát triển hệ thống kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển, hợp lý về số lượng và quy mô các điểm kinh doanh tại các địa bàn trong tỉnh; nâng cao tính cạnh tranh và phát triển ổn định thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng.

- Quy hoạch phát triển các cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đảm bảo an toàn, hiện đại, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ cung ứng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

- Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; từng bước đưa hoạt động kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh vào nề nếp và tuân thủ đúng các tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

b. Mục tiêu phát triển

- Đến năm 2015, 100% số lượng cửa hàng kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Nhà nước.

- Đến năm 2020, số lượng cửa hàng kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh là 501 cửa hàng; bán kính phục vụ bình quân của một cửa hàng giảm tương ứng từ 2,54 km hiện nay giảm còn 1,96 km và nhân khẩu phục vụ từ 5.051 người/cửa hàng giảm còn 3.092 người/cửa hàng.

- Đến năm 2025, số lượng cửa hàng kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh là 569 cửa hàng; bán kính phục vụ bình quân của một cửa hàng giảm còn 1,84 km và nhân khẩu phục vụ giảm còn 2.827 người/cửa hàng.

c. Định hướng phát triển

- Định hướng phát triển trạm nạp LPG vào chai

Các trạm nạp LPG vào chai đảm bảo các nguyên tắc:

+ Không nằm trong khu vực quy hoạch phát triển dân cư.

+ Thuận tiện giao thông để xuất nhập hàng và xe chuyên dùng tiếp cận khi cần thiết.

+ Đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường theo quy định của Nhà nước.

- Định hướng phát triển kho, cảng khí dầu mỏ hóa lỏng

Hiện nay các trạm nạp LPG vào chai trên địa bàn tỉnh vẫn còn thừa công suất, do đó trong thời gian đến, Bình Định sẽ không phát triển mới hệ thống kho chứa và dự trữ LPG. Các trạm nạp LPG vào chai sẽ kiêm chức năng kho chứa, dự trữ LPG.

- Định hướng phát triển trạm nạp LPG vào ô tô

Phát triển hệ thống cung cấp LPG cho vận tải trước hết tại địa bàn thành phố, tiến tới phát triển tại khu vực thị xã và nông thôn, phù hợp với việc phát triển phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh.

Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống này tại các vị trí phù hợp, ưu tiên phát triển tại các cửa hàng xăng dầu hiện có hoặc phát triển đơn lẻ tại các điểm gần khu vực tập trung phương tiện công cộng như taxi, bến xe bus.

[...]