Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 44/2007/QĐ-TTg về Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng phát triển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 44/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 30/03/2007
Ngày có hiệu lực 04/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 44/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 12 năm 1997, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2006/NQ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 110/2006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định này được áp dụng từ năm ngân sách 2007. Bãi bỏ Quyết định số 59/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Quỹ hỗ trợ phát triển và bãi bỏ Quyết định số 17/2000/QĐ-TTg ngày 3 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, viên chức Quỹ hỗ trợ phát triển.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,

  cơ quan thuộc Chính phủ;

- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,

   chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh,

  thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Học viện Hành chính quốc gia;

- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,

  Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,

  Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KTTH (8b). Hoà 315 bản.

THỦ TƯỚNG

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

 

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định chế độ tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Phát triển).

Điều 2. Ngân hàng Phát triển thuộc sở hữu Nhà nước, có vốn điều lệ là 10.000 tỷ đồng (mười nghìn tỷ đồng).

Việc điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ tuỳ thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Phát triển và do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý tài chính

1. Ngân hàng Phát triển hạch toán tập trung toàn hệ thống; tự chủ về tài chính; thực hiện bảo toàn và phát triển vốn; bù đắp chi phí và rủi ro hoạt động tín dụng.

2. Hoạt động của Ngân hàng Phát triển không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

3. Ngân hàng Phát triển được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán; được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước đối với hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của nhà nước; các hoạt động khác phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

[...]