Quyết định 438/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng"

Số hiệu 438/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/03/2019
Ngày có hiệu lực 11/03/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Văn Yên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 438/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 11 tháng 03 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2019 - 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh;
- Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Cục THADS tnh;
- Báo Lâm Đồng, Đài PTTH tỉnh;
- Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Yên

 

ĐỀ ÁN

“ĐỔI MỚI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2019 - 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay

Xác định được công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những chuyển biến và hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thể hiện trên các mặt như: Tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương được kim chế trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội... góp phần tích cực vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Qua triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có tính sáng tạo và hiệu quả cần được nhân rộng như: Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”; Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; “Phụ nữ với pháp luật”, các buổi phổ biến, giáo dục pháp luật qua “phiên tòa giả định” ở địa bàn cơ sở thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia,... Tuy nhiên, trước yêu cầu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được thường xuyên và chặt chẽ; các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật chưa xác định rõ vai trò trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; một số cơ quan, đơn vị triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đúng chương trình, kế hoạch và định kỳ chưa thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

- Việc huy động nguồn lực trong xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị, đặc biệt là các đoàn thể, hội quần chúng, hội nghề nghiệp, hiệp hội xã hội khác,...

- Sự phân nhóm đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể để có nội dung và hình thức tuyên truyền chưa thật sự phù hợp.

- Hình thức tuyên truyền, phổ biến được triển khai đa dạng nhưng thiếu sự sáng tạo, đột phá, đổi mới, lôi cuốn các đối tượng cùng tham gia học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả chưa được tổng kết, nhân rộng.

- Chương trình, Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, mục tiêu lớn nhưng thiếu nguồn lực bảo đảm, nhất là về kinh phí; một số cơ quan, đơn vị nhà nước chưa sử dụng đúng phần kinh phí ngân sách được cấp để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phương tiện, tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là ở địa bàn cấp xã, thôn, khu phố, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên hạn chế sự tiếp thu của người dân ở cơ sở.

- Việc trang bị đầu sách Tủ sách pháp luật còn hạn chế, việc cập nhật sách mới chưa thường xuyên, kịp thời,...

2. Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án

- Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

[...]