Quyết định 4333/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Thí điểm hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía đường tỉnh Nghệ An nhằm thực hiện mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu mía đường giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 4333/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/12/2022
Ngày có hiệu lực 30/12/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Văn Đệ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4333/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA ĐƯỜNG TỈNH NGHỆ AN NHẰM THỰC HIỆN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA ĐƯỜNG GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 21/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 3871/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 29/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 1369/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 18/4/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 3260/TB-BNN-VP ngày 25/5/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An ngày 07/5/2022 về phát triển vùng nguyên liệu mía đường tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 01/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh nghệ An giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Quyết định số 4288/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 4522/TTr-SNN ngày 12/12/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Thí điểm hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía đường tỉnh Nghệ An nhằm thực hiện mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu mía đường giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, gồm những nội dung chính như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu

1. Quan điểm

- Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả trong sản xuất mía nguyên liệu cả về hình thức tổ chức, quản lý và hoạt động; chú trọng phát triển vùng mía nguyên liệu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

- Ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, áp dụng cơ giới hoá đồng bộ để phát triển sản xuất mía nguyên liệu tại các địa phương theo chuỗi giá trị thông qua mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; đẩy mạnh phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và tổ chức tham gia vào hợp tác xã sản xuất mía.

- Xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ phải đồng bộ với cơ chế chính sách, huy động được các nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển vùng nguyên liệu mía hiệu quả, bền vững.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

- Mở rộng diện tích và tăng năng suất, hình thành vùng sản xuất mía nguyên liệu quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tạo liên kết bền vững giữa các hợp tác xã, nông dân với các doanh nghiệp chế biến nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị ngành hàng mía đường góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã mía đường hiện có; đẩy mạnh việc thành lập mới các hợp tác xã sản xuất mía đường.

[...]