Quyết định 4249/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 4249/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/08/2016
Ngày có hiệu lực 17/08/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4249/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NÂNG CAO THU NHẬP, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG CHO NGƯỜI DÂN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Căn cứ Công văn số 238/VPĐP-KHTH ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương về xem xét công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới.

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tại Tờ trình số 2779/TTr-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2016 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020; ý kiến đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1759/TTr-NNPTNT-KHĐT ngày 19 tháng 7 năm 2016 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 -2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 - 2020 theo như đề xuất của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1759/TTr-NNPTNT-KHĐT ngày 19 tháng 7 năm 2016 (theo nội dung Đề án đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Y tế, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Cần Giờ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NÂNG CAO THU NHẬP, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG CHO NGƯỜI DÂN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4249/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT GẮN VỚI GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

1. Cơ sở thực tiễn

Trong 05 năm qua, kinh tế huyện Cần Giờ có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân 10%/năm, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng hướng, phát huy lợi thế tiềm năng của huyện; các nguồn lực xã hội được phát huy, kết cấu hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm hộ nghèo trên địa bàn; tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn được quản lý, bảo vệ tốt, tạo môi trường cảnh quan thúc đẩy ngành du lịch sinh thái phát triển; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

1.1. Về phát triển kinh tế:

1.1.1. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từng bước nâng cao năng suất, chất lượng; chuyển đổi có hiệu quả đất nông nghiệp có năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản; cơ cấu sản phẩm trong nội bộ các ngành có sự chuyển dịch theo hướng tăng sản lượng các sản phẩm có giá trị. Giá trị sản xuất nông - lâm- ngư nghiệp đạt bình quân 2.000 tỷ đồng/năm, tăng 11,1%/năm. Giá trị sản xuất bình quân bình quân đạt gần 300 triệu đồng/ha, tăng 13%/năm giai đoạn 2010 - 2015.

* Sản xuất thủy sản là ngành kinh tế chủ lực, trong đó lĩnh vực nuôi trồng đối tượng nuôi chủ lực là con tôm, nghêu, hàu. Ngoài ra một số đối tượng nuôi mới được phát triển: cua, cá chẽm, ốc hương đã tạo sản phẩm thủy sản phong phú.

- Về nuôi tôm: Có sự chuyển đổi đối tượng, mô hình sản xuất, từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng; diện tích nuôi mô hình thâm canh ngày càng tăng. Giai đoạn 2010 - 2015, nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh được triển khai như: mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP, nuôi tôm theo công nghệ Việt Úc, nuôi tôm hữu cơ. Hàng năm, diện tích mặt nước thả nuôi trên 6.000 ha, trong đó: mô hình nuôi thâm canh 2.500 ha, nuôi luân canh tôm - lúa, tôm - muối là 536 ha, còn lại là nuôi tôm quảng canh cải tiến. Năm 2015 diện tích nuôi tôm sú 3.252 ha, giảm 1.489 ha so năm 2010 (năm 2010 là 4.741 ha); nuôi tôm thẻ 2.039 ha, tăng 758,5 ha. Diện tích nuôi thâm canh 2.542 ha (tăng 789 ha so năm 2010). Sản lượng thu hoạch trên 12.000 tấn/năm (tăng 5,4% năm), năng suất bình quân nuôi tôm trên ao là 4 tấn/năm (tăng 2,2%/năm).

- Nuôi nhuyễn thể, đối tượng chủ lực là nghêu, sò, ốc hương và hàu tập trung chủ yếu tại thị trấn Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An và Lý Nhơn. Diện tích mặt nước bãi bồi ven sông, ven biển thả nuôi nhuyễn thể là 1.122 ha; trong đó nuôi nghêu, sò: 939 ha, nuôi hàu: 183 ha. Sản lượng bình quân 9.800 tấn/năm, tăng 36,4%/năm, trong đó, mô hình nuôi hàu phát triển mạnh (diện tích hiện tại, sản lượng đạt bình quân trên 5.400 tấn/năm, tăng 56%/năm). Ngoài ra các đối tượng nuôi thủy hải sản khác là nuôi cua, nuôi cá chẽm, cá dứa, cá bớp, diện tích khoảng 100 ha. Sản lượng bình quân 275 tấn/năm.

[...]