Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 42/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Kon Tum

Số hiệu 42/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/08/2007
Ngày có hiệu lực 16/08/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Trương Thị Ngọc Ánh
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2007/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 06 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TỈNH KONTUM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16/9/2004 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 45/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 25/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 22/08/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn từ 2002 đến năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 32/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 27/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010);

Quyết định số 08/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/03/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010);

Căn cứ Công văn số 3481/GDTrH ngày 6/5/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn xây dựng trường chuẩn quốc gia;

Căn cứ Nghị quyết số 11/2007/NQ-HĐND, ngày 11/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khoá IX, kỳ họp thứ 8 về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Kon Tum;

Theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Kon Tum với chỉ tiêu: Trong giai đoạn 2006-2010 phấn đấu xây dựng 80 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: Mầm non 20 trường, Tiểu học 40 trường, Trung học cơ sở 15 trường và Trung học phổ thông 05 trường.

Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Các Ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Thị Ngọc Ánh

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TỈNH KON TUM
(Kèm theo Quyết định số 42/2007/QĐ-UBND, ngày 06/8/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

Phần I

MỞ ĐẦU

I. Vài nét về tình hình phát triển của ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum và mục đích ý nghĩa của việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

1. Vài nét về tình hình phát triển của ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum

Từ khi tái thành lập lại tỉnh đến nay, sự nghiệp giáo dục tỉnh Kon Tum đã có nhiều khởi sắc; đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và đang triển khai sâu rộng công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục nghề nghiệp cũng không ngừng phát triển, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo đã tăng lên. Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể. Cơ sở vật chất trường học đã từng bước tăng cường. Tỷ lệ giáo viên người DTTS ngày càng tăng. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp học ngày càng cao. Nhân dân đã thực sự quan tâm đến công tác giáo dục.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, giáo dục Kon Tum đang còn những tồn tại và thách thức. Chất lượng giáo dục vùng DTTS còn thấp; tình trạng lưu ban, bỏ học, học không chuyên cần còn xảy ra. Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ ở các môn học; giáo viên người Kinh công tác tại các xã vùng DTTS hầu hết còn trẻ, điều động từ nơi khác đến chưa am hiểu tâm lý, sinh lý học sinh. Cơ sở vật chất trường học vẫn còn thiếu, hầu hết các trường học chưa có phòng thí nghiệm thực hành, phòng học bộ môn, thư viện, và các phòng chức năng khác.

[...]