Công văn 3481/GDTrH về việc hướng dẫn xây dựng trường chuẩn quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3481/GDTrH
Ngày ban hành 06/05/2005
Ngày có hiệu lực 06/05/2005
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Hải Châu
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3481/GDTrH
V/v Hướng dẫn xây dựng trường chuẩn quốc gia

Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2005

 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và đào tạo

Thực hiện Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16/9/2004 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; căn cứ vào Quyết định số 27/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 5/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia và Quyết định số 08/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể nội dung từng tiêu chuẩn xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc trung học.

A. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc trung học là một mục tiêu nằm trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của địa phương nhằm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010 của nhà nước. Vì vậy các Sở Giáo dục và Đào tạo phải xác định là một trọng tâm công tác của ngành giáo dục.

2. Xây dựng trường chuẩn quốc gia theo hướng hiện đại hóa về cơ sở vật chất, về công tác quản lý, tổ chức dạy và học nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện. Những tỉnh, thành phố chưa có trường THPT, trường THCS đạt chuẩn quốc gia cần tập trung xây dựng cho được trường chuẩn ở hai cấp học để làm mô hình và phát động phong trào chung của địa phương.

3. Xây dựng trường chuẩn quốc gia là mục tiêu phấn đấu chung của tất cả các loại hình nhà trường thuộc bậc trung học, do đó từng trường đều phải có kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn và thực hiện đầy đủ 5 tiêu chuẩn.

B. XÂY DỰNG TRƯỜNG TRUNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA

I. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

1. Quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền trong quá trình xây dựng trường chuẩn nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong lãnh đạo của địa phương, giáo viên, công nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh: trên cơ sở đó huy động sức mạnh tổng hợp của nhà trường và xã hội để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Tuyên truyền tập trung vào các nội dung:

- Mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng trường chuẩn.

- Quy chế xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc trung học.

- Kế hoạch và các bước thực hiện của nhà trường.

- Vai trò của thầy và trò, của cha mẹ học sinh, của các cấp quản lý nhà nước ở địa phương và các lực lượng xã hội trong xây dựng trường chuẩn.

2. Nhà trường cần vận dụng nhiều hình thức sinh động phù hợp với các đối tượng trong quá trình tuyên truyền vận động: tổ chức tham quan những trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

II. TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG TRƯỜNG CHUẨN QUỐC GIA

Tiêu chuẩn 1: Tổ chức nhà trường

1. Tiêu chuẩn 1 được xây dựng căn cứ vào điều lệ trường trung học và những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường phải có đủ các tổ chuyên môn, tổ chức hành chính quản trị. Hội đồng giáo dục, Hội đồng thi đua khen thưởng, Hội đồng kỷ luật, Ban đại diện cha mẹ học sinh, tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng (Công đoàn, Đoàn TNCS HCM, Đội TNTPHCM). Hoạt động của các tổ chức nêu trên là thường xuyên, có hiệu quả thực sự góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà trường, chất lượng dạy và học theo mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.

2. Hoạt động của tổ chuyên môn và tổ hành chính quản trị.

a) Tổ chuyên môn:

- Trong nhà trường các tổ chuyên môn giúp Hiệu trưởng quản lý, tổ chức thực hiện nội dung và nhiệm vụ dạy học theo chương trình và sách giáo khoa của cấp học. Hoạt động của tổ chuyên môn (từng môn học hoặc ghép một số môn học) vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn, nhằm bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ dạy học, phương pháp dạy học, giải quyết những nội dung khó theo từng môn học.

- Đầu mỗi năm học, tổ chuyên môn đề ra kế hoạch, nội dung hoạt động và các chuyên đề cụ thể phù hợp với điều kiện và trình độ của đội ngũ giáo viên, phân công nhóm hoặc cá nhân thực hiện. Sinh hoạt tổ chuyên môn không chỉ đơn thuần làm công tác hành chính chuyên môn mà bám sát kế hoạch, các chuyên đề đã đặt ra: cuối học kỳ có sơ kết, cuối năm học có tổng kết đánh giá kết quả thực hiện theo kế hoạch và từng chuyên đề.

- Tổ chuyên môn chủ động đề xuất kế hoạch cụ thể về đưa giáo viên đi học, đi bồi dưỡng nâng cao trình độ trên chuẩn trong từng năm học trình ban lãnh đạo nhà trường.

- Tham gia các phong trào dạy tốt, thi giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, thi làm đồ dùng dạy học do nhà trường và ngành giáo dục tổ chức.

b) Tổ hành chính quản trị:

Tổ hành chính quản trị phải có đủ số người theo quy định (biên chế hoặc hợp đồng), có bằng hoặc chứng chỉ nghiệp vụ. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao giúp Hiệu trưởng thực hiện tốt các công tác: Quản lý hành chính, giáo vụ, quản lý các loại hồ sơ sổ sách, quản lý tài chính và tài sản; xây dựng Thư viện đạt chuẩn quốc gia; tổ chức tốt công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho học sinh; đảm bảo trật tự an toàn trong nhà trường đồng thời phối hợp với địa phương xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh ở ngoài nhà trường.

3. Hệ thống sổ và hồ sơ quản lý:

- Có đủ các loại sổ và hồ sơ quản lý theo quy định tại Điều 25 Điều lệ trường trung học.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ