THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 419/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 04 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SAU ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm
2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập,
với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu và nguyên tắc
a) Mục tiêu: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của
công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; tăng cường
việc tuân thủ pháp luật và giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật của
doanh nghiệp.
b) Nguyên tắc đổi mới quản lý nhà nước đối với
doanh nghiệp
- Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh
nghiệp, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, với pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế.
- Thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh
nghiệp bằng pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám
sát của Nhà nước.
- Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh
nghiệp phải được phân định rõ ràng gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan
quản lý nhà nước cụ thể. Các cơ quan nhà nước quản lý doanh nghiệp theo từng
lĩnh vực hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh đa ngành,
nghề chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhà nước, mỗi cơ quan chịu trách nhiệm
quản lý hoạt động của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực chuyên ngành tương ứng.
- Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp cần gắn
với hoạt động giám sát doanh nghiệp của các chủ thể khác, khuyến khích, phát
huy vai trò kiểm tra, giám sát trong nội bộ doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát của
chủ nợ, bạn hàng; của các hiệp hội; của xã hội và cộng đồng đối với hoạt động của
doanh nghiệp.
2. Các giải pháp chủ yếu
a) Nhóm giải pháp đổi mới mô hình giám sát
doanh nghiệp sau đăng ký thành lập theo hướng phát huy vai trò của xã hội và của
các chủ thể khác nhằm hỗ trợ Nhà nước trong quản lý, giám sát doanh nghiệp:
- Phát triển hệ thống thông tin về doanh nghiệp
trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh việc khớp nối, trao đổi trực tuyến thông tin về
đăng ký doanh nghiệp giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, quản lý thị trường,
thuế, hải quan, thống kê, thanh tra… để làm công cụ quản lý, giám sát, xử lý vi
phạm của doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách và công
nghệ thông tin để Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia có đủ khả
năng làm đầu mối cung cấp các thông tin pháp lý về đăng ký doanh nghiệp; xây dựng
Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để công bố rộng rãi dữ liệu về
đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm giảm bớt rủi ro cho doanh
nghiệp trong các giao dịch về kinh tế, giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch và
an toàn hơn.
- Hỗ trợ, khuyến khích bên thứ ba tham gia
vào quá trình giám sát doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện và minh bạch hóa
quy trình tiếp nhận, xử lý thỏa đáng các khiếu nại, kiến nghị, yêu cầu của cộng
đồng, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp… đối với hành
vi của doanh nghiệp.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền
về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập cũng như pháp luật
về doanh nghiệp nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của doanh
nghiệp; tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với
doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo kiến thức chuyên đề
về Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và pháp luật về các ngành, nghề kinh doanh có
điều kiện cho doanh nghiệp; tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp tại cơ quan quản
lý nhà nước, qua điện thoại, qua mạng internet…; thiết lập các đường dây nóng để
nhận phản ánh về vi phạm của doanh nghiệp tại Ủy ban nhân dân các quận, huyện,
thành phố thuộc tỉnh.
b) Nhóm giải pháp đổi mới công tác xây dựng
pháp luật doanh nghiệp:
- Hoàn thiện hệ thống khung pháp luật chung về
doanh nghiệp theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường:
+ Tổ chức xây dựng kịp thời các văn bản quy
phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.
+ Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh
nghiệp, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về thành lập, tổ chức, quản lý nội bộ,
giải thể và chuyển đổi doanh nghiệp theo hướng tôn trọng quyền tự do kinh doanh
của người dân và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể dễ
dàng gia nhập và rút khỏi thị trường.
+ Hoàn thiện khung pháp lý chung về phá sản đối
với các loại hình doanh nghiệp; sửa đổi, hoàn thiện các quy định về trình tự,
thủ tục phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực
hiện phá sản doanh nghiệp.
+ Hoàn thiện quy định pháp luật về hợp đồng
kinh tế, về các hành vi thương mại và chống độc quyền trong nền kinh tế, về
tiêu chuẩn lao động, tiền lương; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; chế độ bảo
hiểm và an sinh xã hội.
- Xây dựng cơ chế ban hành, kiểm soát các quy
định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện:
+ Rà soát, tổng hợp, hệ thống hóa các ngành,
nghề kinh doanh có điều kiện; công khai và minh bạch những lĩnh vực, ngành, nghề
kinh doanh có điều kiện để định hướng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tuân
thủ đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định khi tham gia kinh doanh các
ngành, nghề này; bãi bỏ những quy định không phản ánh đúng thực tiễn, có chi
phí thực hiện cao hơn hiệu quả đạt được; tôn trọng quyền tự do kinh doanh của
người dân.
+ Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tình
trạng ban hành văn bản quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực, ngành, nghề kinh
doanh có điều kiện để đảm bảo nguyên tắc phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp.
- Hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra
và xử lý vi phạm:
+ Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra,
kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; sửa đổi, bổ
sung, hoàn thiện hệ thống quy định về chế tài xử lý vi phạm hành chính đủ sức
răn đe đối với vi phạm của doanh nghiệp; tăng cường các quy định về cưỡng chế
thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp.
+ Tăng cường chế tài và biện pháp xử lý hành
chính đối với cán bộ không tuân thủ quy định pháp luật về doanh nghiệp, lợi dụng
quyền lực nhà nước để gây khó khăn cho doanh nghiệp.
c) Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực
của bộ máy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập:
- Quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của
các cơ quan nhà nước trong quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
- Ban hành quy chế phối hợp cụ thể giữa các
cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong thực thi nhiệm vụ
quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập theo hướng nâng cao
hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và không chồng chéo, gây phiền
hà cho doanh nghiệp.
- Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào
công tác đăng ký doanh nghiệp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà
nước; tập trung hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tiến
tới kết nối trực tuyến và chia sẻ dữ liệu pháp lý về doanh nghiệp từ Cơ sở dữ
liệu này cho các cơ quan quản lý nhà nước khác; công bố rộng rãi và công khai
các thông tin về đăng ký doanh nghiệp để mọi doanh nghiệp, người dân có thể tiếp
cận được.
- Nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức của
hệ thống các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đối với doanh
nghiệp tại các cấp, các ngành, để vừa đảm bảo chất lượng thanh tra, kiểm tra,
giám sát và vừa hạn chế được các hiện tượng phân biệt đối xử, sách nhiễu gây
khó khăn cho danh nghiệp.
- Tổ chức các lớp đào tạo để bồi dưỡng, nâng
cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn của các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước
đối với doanh nghiệp ở các cấp.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội
vụ, Khoa học và Công nghệ, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa,
Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Công Thương, Thanh tra Chính phủ căn cứ vào các nội
dung phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này phối hợp với các Bộ, ngành có liên
quan triển khai thực hiện Chương trình công tác Đổi mới quản lý nhà nước đối với
doanh nghiệp sau đăng ký thành lập tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định
này.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình:
a) Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo Chính
phủ định kỳ 6 tháng về tình hình chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp,
nắm bắt và báo cáo kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm
trọng đối với xã hội.
b) Công khai các thủ tục hành chính liên quan
đến doanh nghiệp, công khai thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của doanh
nghiệp.
c) Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và
xử phạt doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi
chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương:
a) Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý
nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật;
theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình quản lý doanh nghiệp sau đăng
ký thành lập trên phạm vi địa phương.
b) Báo cáo Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ
những vấn đề phát sinh trong thực tế triển khai công tác quản lý nhà nước đối với
doanh nghiệp ở địa phương để kịp thời ban hành chính sách, biện pháp khắc phục.
c) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà
nước ở Trung ương trong việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, pháp luật về
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
d) Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan
ngang Bộ trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước
đối với doanh nghiệp; xây dựng, triển khai các chương trình phổ biến, tuyên
truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, người quản lý doanh nghiệp.
đ) Tăng cường công tác đối thoại với người
dân, trực tiếp ghi nhận, xử lý những ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp, người
quản lý doanh nghiệp về những vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối
với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập hoặc kiến nghị lên cơ quan nhà nước có
thẩm quyền để kịp thời khắc phục, xử lý.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (5b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Văn Ninh
|
PHỤ LỤC
CHƯƠNG
TRÌNH CÔNG TÁC ĐỔI MỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SAU ĐĂNG KÝ THÀNH
LẬP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ
tướng Chính phủ)
TT
|
Nội dung công việc
|
Cơ quan chủ trì
|
Cơ quan phối hợp
|
Hình thức văn bản
|
Thời gian hoàn
thành
|
1
|
Sửa đổi Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư theo
hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và chức
năng quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các
quy định về giải thể doanh nghiệp; các quy định về quản trị doanh nghiệp theo
thông lệ kinh tế thị trường.
|
Bộ Kế hoạch và Đầu
tư
|
Các Bộ, ngành, địa
phương
|
- Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Doanh nghiệp
- Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Đầu tư.
|
Quý III/2013
|
2
|
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2007/NĐ-CP
ngày 04 tháng 4 năm 2007 và Nghị định số 62/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm
2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch
và đầu tư hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo các chế tài
xử phạt đủ mạnh.
|
Bộ Kế hoạch và Đầu
tư
|
Các cơ quan liên
quan
|
Nghị định thay thế
Nghị định 53/2007/NĐ-CP và Nghị định số 62/2010/NĐ-CP
|
Quý IV/2012
|
3
|
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nền tảng
công nghệ thông tin để Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia có đủ
khả năng làm đầu mối cung cấp thông tin pháp lý về đăng ký doanh nghiệp.
|
Bộ Kế hoạch và Đầu
tư
|
Các cơ quan liên
quan
|
Quyết định của Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quy chế quản lý và vận hành Hệ thống
thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia
|
Quý IV/2012
|
4
|
Rà soát, tổng hợp, hệ thống hóa các ngành,
nghề kinh doanh có điều kiện
|
Bộ Kế hoạch và Đầu
tư
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
Báo cáo của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư
|
Quý III/2013
|
5
|
Rà soát và đề xuất biện pháp xử lý các doanh
nghiệp đã đăng ký thành lập nhưng không đăng ký thuế hoặc đã dừng thực hiện
nghĩa vụ thuế mà không hoặc chưa thực hiện thủ tục giải thể, phá sản.
|
Bộ Tài chính
|
Bộ Kế hoạch và Đầu
tư
|
Báo cáo Thủ tướng
Chính phủ
|
Quý III/2012
|
6
|
Nghiên cứu, xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị
định quy định xử lý hành vi sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu
công nghiệp.
|
Bộ Khoa học và Công
nghệ
|
Các cơ quan liên
quan
|
Thông tư của Bộ
Khoa học và Công nghệ
|
Quý III/2012
|
7
|
Nghiên cứu, xây dựng Thông tư hướng dẫn về
việc đặt tên doanh nghiệp không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức,
thuần phong mỹ tục của dân tộc và việc sử dụng tên danh nhân trong đặt tên
doanh nghiệp.
|
Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch
|
Bộ Kế hoạch và Đầu
tư
|
Thông tư của Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
|
Quý III/2012
|
8
|
Nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định việc
xác định nhân thân của người thành lập doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp.
|
Bộ Công an
|
Các cơ quan liên
quan
|
Nghị định của Chính
phủ
|
Quý IV/2012
|
9
|
Nghiên cứu xây dựng, báo cáo Chính phủ về
các giải pháp đảm bảo an ninh, sự phát triển lành mạnh, bền vững của doanh
nghiệp sau đăng ký thành lập.
|
Bộ Công an
|
Các cơ quan liên
quan
|
Báo cáo Chính phủ
|
Quý III/2012
|
10
|
Nghiên cứu xây dựng phương án về chống giả
mạo hồ sơ, chữ ký.
|
Bộ Công an
|
Bộ Tư pháp
|
Báo cáo Thủ tướng
Chính phủ
|
Quý IV/2012
|
11
|
Nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp mẫu giữa
các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước đối
với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
|
Bộ Nội vụ
|
Các Bộ, ngành, địa
phương
|
Thông tư của Bộ Nội
vụ
|
Quý III/2012
|
12
|
Xây dựng Thông tư quy định về tiêu chuẩn cán
bộ đăng ký kinh doanh, tổ chức nhân sự của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh,
cấp huyện.
|
Bộ Nội vụ
|
Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, UBND các tỉnh, thành phố
|
Thông tư của Bộ Nội
vụ
|
Quý IV/2012
|
13
|
Hoàn thiện bổ sung quy định về bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm y tế nhằm đẩy mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện
các chế độ an sinh xã hội đối với người lao động; cơ chế quản lý việc đóng bảo
hiểm xã hội cho người lao động đối với mọi loại hình doanh nghiệp.
|
Bộ Lao động –
Thương binh và Xã hội
|
Bộ Y tế, Bảo hiểm
xã hội Việt Nam
|
Thông tư hướng dẫn
của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
|
Quý IV/2012
|
14
|
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển
khai hiệu quả Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh
nghiệp giai đoạn 2010 – 2014.
|
Bộ Tư pháp
|
Các cơ quan liên
quan
|
Báo cáo tổng kết giữa
và cuối giai đoạn trình Chính phủ
|
Quý I/2013
Quý I/2015
|
15
|
Xây dựng Đề án rà soát hệ thống quy định xử
phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp.
|
Bộ Tư pháp
|
Các cơ quan liên
quan
|
Đề án trình Thủ tướng
Chính phủ
|
Quý III/2012
|
16
|
Xây dựng Đề án hoàn thiện khung pháp lý về thương
mại Nhà nước theo quy định của Luật thương mại.
|
Bộ Công Thương
|
Các cơ quan liên
quan
|
Đề án trình Thủ tướng
Chính phủ
|
Quý IV/2012
|
17
|
Xây dựng Nghị định của Chính phủ về thanh
tra, kiểm tra doanh nghiệp.
|
Thanh tra Chính phủ
|
Các cơ quan liên
quan
|
Nghị định của Chính
phủ
|
Quý II/2013
|