Quyết định 4152/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

Số hiệu 4152/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/12/2011
Ngày có hiệu lực 13/12/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đức Quyền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4152/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 13 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Nghị định: số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 114/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020;

Căn cứ các Thông tư: số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ; số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1190/QĐ-UBND ngày 23/4/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 và định hướng 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 153/TTr-SNN&PTNT ngày 30/11/2011 về việc đề nghị phê duyệt quy hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng năm 2020, kèm theo Biên bản hội nghị thẩm định ngày 23/9/2011 của Hội đồng thẩm định Dự án”Quy hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng năm 2020”; ý kiến tham gia của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại các Công văn: số 2080/SKHĐT-KTNN ngày 4/11/2010, số 1144/SKHĐT-QH ngày 13/6/2011, Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1269/STNMT-QLĐĐ ngày 10/6/2011, Sở Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 280/SKHCN-KH ngày 08/6/2011, Sở Công thương tại Công văn số 858/SCT-CNNT ngày 15/6/2011 và Sở Y tế tại Công văn số 861/SYT-NVY ngày 17/6/2011 về việc quy hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015 và định hướng 2020 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1190/QĐ-UBND ngày 23/4/2007. Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ cho người tiêu dùng ở tỉnh Thanh Hóa nói chung, các khu đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng.

2. Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất hàng hóa phù hợp với các tiểu vùng khí hậu, đất đai và tập quán canh tác. Phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác; tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho nông dân; tăng khả năng cạnh tranh nông sản hàng hóa của tỉnh và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.

3. Phát triển sản xuất rau an toàn một cách bền vững, lấy hiệu quả kinh tế và sức khỏe con người làm thước đo quan trọng trong sự phát triển, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp và nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao; đồng thời gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái.

4. Phát triển trồng rau an toàn trên cơ sở phát huy nội lực của các cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau an toàn là chủ yếu; đồng thời kết hợp nguồn lực của các tổ chức kinh tế, các cá nhân và sự hỗ trợ của Nhà nước.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tiêu chung

- Phấn đấu đến năm 2020, sản xuất rau trở thành một ngành phát triển theo hướng chuyên canh, mang lại thu nhập cao, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tạo ra các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, tiến tới sản xuất rau sạch đảm bảo cung cấp rau an toàn, rau sạch phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

- Tập trung phát triển, tăng nhanh diện tích sản xuất rau an toàn; trước tiên là ở các vùng có đủ điều kiện về đất đai, nước tưới, môi trường cho sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất tập trung chuyên canh, có các điều kiện thuận lợi như: có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất rau các loại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, thị trường tiêu thụ thuận lợi,...

2. Mục tiêu cụ thể

a) Quy hoạch đến năm 2015

- Toàn tỉnh có 2. 142 ha sản xuất rau an toàn, trong đó vùng sản xuất tập trung có quy mô 1. 781 ha, chiếm khoảng 22% tổng diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh; năng suất rau an toàn bình quân đạt 124 tạ/ha trở lên.

- Giá trị xuất khẩu rau đến năm 2015 đạt trên 3, 5 triệu USD.

- Đến năm 2015, cơ bản diện tích rau hàng hóa trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).

b) Định hướng quy hoạch đến năm 2020

- Toàn tỉnh có 3. 781 ha sản xuất rau an toàn; trong đó vùng sản xuất tập trung có quy mô trên 3. 066 ha với 105 vùng tập trung trên địa bàn toàn tỉnh, chiếm khoảng 37% tổng diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh; năng suất rau an toàn bình quân đạt 133 tạ/ha trở lên.

[...]