HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
414/QĐ-HĐND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 12 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐOÀN
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 ngày 11 tháng 12 năm 2007 của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 65/QĐ-HĐND ngày 10 tháng 04 năm 2009 của Thường trực Hội đồng
nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và
Hội đồng nhân dân thành phố;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
thành phố tại Công văn số 314/VP-TC ngày 05 tháng 11 năm 2009 và của Giám đốc Sở
Nội vụ tại Tờ trình số 1600/TTr-SNV ngày 10 tháng 12 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và
hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hồ
Chí Minh.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân
dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
THƯỜNG TRỰC HĐND THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH
Phạm Phương Thảo
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 414/QĐ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2009 của
Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân
thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Văn phòng) là cơ quan giúp việc của
Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ
tham mưu và tổ chức phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng đoàn,
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội (sau đây gọi chung là Đoàn
đại biểu Quốc hội), Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của
Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân
thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân).
Điều 2.
Văn phòng có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng,
được cấp kinh phí hoạt động và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định
của pháp luật.
Trụ sở làm việc của Văn phòng và
Phòng Công tác Hội đồng nhân dân đặt tại số 86 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến
Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Trụ sở làm việc của Phòng Công
tác đại biểu Quốc hội đặt tại số 2bis đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1,
thành phố Hồ Chí Minh.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ
CẤU TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG
Điều 3.
Nhiệm vụ của Văn phòng
1. Trong việc tổ chức phục vụ hoạt
động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng có các nhiệm vụ sau:
a) Tham mưu xây dựng chương
trình làm việc, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và cả năm của
Đoàn đại biểu Quốc hội; tổ chức phục vụ việc thực hiện chương trình, kế hoạch
đã được phê duyệt;
b) Phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội,
đại biểu Quốc hội trực tiếp đóng góp ý kiến, tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự
án Luật, dự án Pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết và các văn bản khác theo yêu cầu của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
c)Phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội,
đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ
chức và cá nhân thực hiện kiến nghị trong kết luận giám sát;
d) Phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội,
đại biểu Quốc hội tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý kiến nghị, đơn thư khiếu nại,
tố cáo của công dân; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến
nghị của công dân;
đ) Phối hợp với các cơ quan, tổ
chức hữu quan phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri; giúp Trưởng Đoàn đại
biểu Quốc hội xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Ủy ban
Thường vụ Quốc hội và cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, giải quyết;
e) Giúp Trưởng Đoàn, Phó Trưởng
Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp tình hình hoạt động của Đoàn để báo cáo Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, giữ mối liên hệ với đại biểu Quốc hội; phục vụ Đoàn đại biểu
Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội và hoạt động đối ngoại;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác
liên quan đến tổ chức phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội quy định tại
khoản 3, Điều 3 của Quy chế này.
2. Trong việc tổ chức phục vụ hoạt
động của Hội đồng nhân dân, Văn phòng có các nhiệm vụ sau:
a) Tham mưu xây dựng chương
trình làm việc, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và cả năm của
Hội đồng nhân dân; tổ chức phục vụ việc thực hiện chương trình, kế hoạch đã được
phê duyệt;
b) Tham mưu, phục vụ Thường trực
Hội đồng nhân dân điều hành công việc chung của Hội đồng nhân dân, điều hòa, phối
hợp hoạt động các Ban của Hội đồng nhân dân; bảo đảm việc thực hiện quy chế hoạt
động của Hội đồng nhân dân, nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân; giúp Thường trực
Hội đồng nhân dân giữ mối liên hệ với Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân
dân; phục vụ Hội đồng nhân dân trong hoạt động đối ngoại;
c) Giúp Thường trực Hội đồng
nhân dân xây dựng chương trình, tổ chức phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân, cuộc
họp của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân; đôn đốc
cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân,
cuộc họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, cuộc họp Ban của Hội đồng nhân dân;
d) Giúp Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân xây dựng báo cáo công tác; phục vụ các
Ban của Hội đồng nhân dân thẩm tra đề án, báo cáo, dự thảo Nghị quyết; giúp Thư
ký kỳ họp Hội đồng nhân dân hoàn chỉnh Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giúp
Thường trực Hội đồng nhân dân hoàn thiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân;
đ) Phục vụ Hội đồng nhân dân
trong hoạt động giám sát; theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện
kiến nghị trong kết luận giám sát;
e) Phối hợp với Văn phòng Tiếp
công dân thành phố phục vụ Hội đồng nhân dân tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý kiến
nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân;
g) Phối hợp với cơ quan, tổ chức
hữu quan phục vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri; giúp Thường trực Hội
đồng nhân dân tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi cơ quan, tổ chức có
trách nhiệm xem xét giải quyết;
h) Phục vụ Thường trực Hội đồng
nhân dân tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật, dự án Pháp lệnh và các văn
bản khác theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
i) Phục vụ Thường trực Hội đồng nhân
dân trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp;
phê chuẩn kết quả bầu cử Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực Hội đồng
nhân dân xã, thị trấn;
k) Phục vụ Thường trực Hội đồng
nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân hoạt động trong điều kiện thực hiện thí
điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận - huyện, phường;
l) Thực hiện các nhiệm vụ khác
liên quan đến tổ chức phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân quy định tại khoản
3 Điều 3 của Quy chế này.
3. Trong việc tổ chức phục vụ
Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân về công tác hành chính, tổ chức, quản
trị, Văn phòng có các nhiệm vụ sau:
a) Phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội,
Hội đồng nhân dân giữ mối liên hệ công tác với các cơ quan Trung ương và các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ
quan, tổ chức, đoàn thể thành phố;
b) Phục vụ Trưởng Đoàn đại biểu
Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân lập dự toán kinh phí hoạt động hàng
năm, tổ chức thực hiện, quản lý kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội
và kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân;
c) Bảo đảm điều kiện hoạt động của
Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; thực hiện chế độ, chính sách đối với
đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;
d) Quản lý cơ sở vật chất, hoạt
động nghiên cứu khoa học, công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, bảo vệ và lễ
tân của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân;
đ) Quản lý tổ chức, biên chế,
cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức của Văn phòng.
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác
do Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân
dân giao.
Điều 4.
Quyền hạn của Văn phòng
1. Được cử chuyên viên, cán bộ,
công chức tham dự các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác của các cơ
quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố liên quan đến chức năng, nhiệm
vụ của Văn phòng.
2. Được đề nghị các cơ quan, đơn
vị, địa phương cung cấp thông tin, tư liệu, số liệu cần thiết theo yêu cầu của
Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
3. Được tham gia ý kiến với các
cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố trong việc chuẩn bị xây dựng
chương trình, dự án kinh tế - xã hội, các dự án luật và các văn bản quy phạm
pháp luật khác phù hợp với chương trình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và
Hội đồng nhân dân.
4. Được đăng ký, tổ chức nghiên
cứu các đề tài khoa học theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của Đoàn
đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Điều 5.
Cơ cấu, tổ chức bộ máy của Văn phòng
Văn phòng làm việc theo chế độ
thủ trưởng, có Chánh Văn phòng và các Phó Chánh Văn phòng. Số lượng Phó Chánh
Văn phòng do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định sau khi thống nhất ý kiến
với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội nhưng không quá 03 Phó Chánh Văn phòng. Việc
bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng do Thường
trực Hội đồng nhân dân quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Trưởng Đoàn đại
biểu Quốc hội và được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý cán bộ,
công chức.
1. Lãnh đạo Văn phòng:
- Chánh Văn phòng chịu trách nhiệm
trước Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân
dân thành phố và trước pháp luật về tổ chức chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động
của Văn phòng; chịu trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức thực hiện các chủ trương,
ý kiến chỉ đạo của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực
Hội đồng nhân dân thành phố; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện với Trưởng
Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
và tham mưu, đề xuất giải quyết các vấn đề phát sinh. Chánh Văn phòng được Trưởng
Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân thành
phố ủy quyền giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng Đoàn, Phó
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố; là chủ
tài khoản cơ quan Văn phòng.
- Giúp việc cho Chánh Văn phòng
có các Phó Chánh Văn phòng. Các Phó Chánh Văn phòng được Chánh Văn phòng phân
công theo dõi một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm cá nhân trước Chánh
Văn phòng, trước pháp luật về các lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp
vụ:
a) Văn phòng có 02 phòng chuyên
môn, nghiệp vụ sau:
- Phòng Công tác đại biểu Quốc hội:
giúp lãnh đạo Văn phòng thực hiện các nhiệm vụ tổ chức phục vụ hoạt động của Đoàn
đại biểu Quốc hội theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 3 của Quy chế này;
- Phòng Công tác Hội đồng nhân
dân: giúp lãnh đạo Văn phòng thực hiện các nhiệm vụ tổ chức phục vụ hoạt động của
Hội đồng nhân dân theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 của Quy chế này;
b) Việc thành lập, sáp nhập, giải
thể các phòng chuyên môn, nghiệp vụ do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định
sau khi trao đổi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Sở Nội vụ.
c) Mỗi phòng có Trưởng phòng và
các Phó Trưởng phòng. Số lượng Phó Trưởng phòng do Chánh Văn phòng quyết định
nhưng không quá 02 Phó Trưởng phòng. Chánh Văn phòng sau khi xin ý kiến của Thường
trực Hội đồng nhân dân và Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội bổ nhiệm, cách chức Trưởng
phòng và Phó Trưởng phòng.
3. Biên chế của Văn phòng
Căn cứ quyết định thành lập Văn
phòng và trên cơ sở tổng số biên chế được cấp thẩm quyền phân bổ hàng năm,
Chánh Văn phòng có trách nhiệm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp với chức
danh chuyên môn, tiêu chuẩn, ngạch công chức theo quy định của pháp luật về cán
bộ, công chức, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chương III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 6.
Đối với Văn phòng Quốc hội, Ban công tác đại biểu thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội và các Văn phòng cơ quan Trung ương
Văn phòng chịu sự hướng dẫn về
nghiệp vụ hành chính của Văn phòng Quốc hội và Ban công tác đại biểu thuộc Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, quan hệ với Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước để kịp thời nắm bắt thông tin cần thiết
giúp Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức
chỉ đạo đúng Nghị quyết, quyết định của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước cấp
trên.
Điều 7.
Đối với Thường trực Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường
trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố
1. Văn phòng chịu sự lãnh đạo và
chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực
Hội đồng nhân dân thành phố về công tác, tổ chức, biên chế.
2. Phục vụ và phối hợp với các
Ban của Hội đồng nhân dân giúp Thường trực Hội đồng nhân dân chuẩn bị các nội
dung cần báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố; Phối hợp với Văn phòng Thành ủy,
Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng chương trình làm việc, lịch công
tác, cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của
Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Giúp Thường trực Hội đồng
nhân dân thành phố thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân
dân thành phố với Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
4. Phối hợp với Văn phòng Ủy ban
nhân dân thành phố bảo đảm điều kiện phương tiện, cơ sở vật chất cần thiết cho
các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố, một số hoạt động của Thường trực Hội đồng
nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố.
Điều 8.
Đối với tổ chức Đoàn thể và tổ chức quần chúng xã hội
Văn phòng có trách nhiệm quan hệ
thường xuyên với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần
chúng để nắm bắt và cung cấp thông tin có liên quan đến chỉ đạo điều hành hoạt
động của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng
nhân dân thành phố. Giúp Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố thực hiện Quy
chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố với Ban Thường trực Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
Điều 9.
Đối với các ban Thành ủy, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân
quận, huyện và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương Văn phòng quan hệ chặt
chẽ với các Sở, ngành của thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Hội đồng nhân
dân xã, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương để phối hợp phục
vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố có chất
lượng, hiệu quả.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10.
Căn cứ Quy chế này, Chánh Văn phòng tổ chức sắp xếp bộ
máy Văn phòng theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, ban hành Quy chế làm việc
của Văn phòng nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Điều 11.
Trong quá trình thực hiện Quy chế này, khi xét thấy cần
thiết, Chánh Văn phòng và Giám đốc Sở Nội vụ kiến nghị Trưởng Đoàn đại biểu Quốc
hội và Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao./.