ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
41/2006/QĐ-UBND
|
Đồng Xoài, ngày
03 tháng 04 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC THÀNH LẬP BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN TỈNH TRÊN CƠ SỞ TRUNG TÂM CHÂM CỨU -
ĐÔNG Y TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 1529/1999/QĐ-BYT ngày
25/5/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành bản Quy định chức năng, nhiệm
vụ và tổ chức bộ máy của Bệnh viện Y học cổ truyền thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 149/2005/QĐ-UBND ngày
30/11/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Y
tế tỉnh Bình Phước;
Căn cứ Quyết định số 118/2003/QĐ-UB ngày
19/12/2003 của UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Châm cứu - Đông y tỉnh
Bình Phước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Sở
Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Thành lập "Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh trên cơ
sở Trung tâm Châm cứu - Đông y tỉnh Bình Phước".
Điều 2.
a) Tổ chức và hoạt động của Bệnh
viện Y học cổ truyền tỉnh được thực hiện theo bản Quy chế ban hành kèm theo Quyết
định này.
b) Các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Châm
cứu - Đông y tỉnh chuyển thành Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền
tỉnh.
Điều 3. Chấm dứt hiệu lực thi hành Quyết định số 118/2003/QĐ-UB ngày
19/12/2003 của UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Châm cứu - Đông y tỉnh
Bình Phước và Quyết định số 41/2004/QĐ-UB ngày 21/05/2004 của UBND tỉnh về việc
ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Châm cứu - Đông y tỉnh.
Điều 4. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ,
Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Châm cứu - Đông y tỉnh, Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- CT, PCT
- Như điều 4
- LĐVP, CV: NC, VX
- Sở Nội vụ: 12 bản
- Lưu
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Tấn Hưng
|
QUY CHẾ
TỔ
CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2006/QĐ-UBND ngày 03/4/2006 của UBND tỉnh
Bình Phước)
Chương 1.
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG
Điều 1. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước (dưới đây gọi tắt
là Bệnh viện) là đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Sở Y tế, là tuyến khám, chữa
bệnh bằng y học cổ truyền cao nhất của tỉnh. Bệnh viện chịu sự quản lý, chỉ đạo
trực tiếp và toàn diện của Sở Y tế, đồng thời chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về
chuyên môn, nghiệp vụ của các Vụ, Viện có liên quan thuộc Bộ Y tế.
Bệnh viện có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng,
được dự toán kinh phí để hoạt động và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước
theo quy định.
Điều 2. Bệnh viện thực hiện
chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám và chữa bệnh cho nhân dân trên địa
bàn tỉnh bằng phương pháp y học cổ truyền.
Chương 2.
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Bệnh viện có những
nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Khám, chữa bệnh: Tổ chức khám, chữa bệnh nội
trú, ngoại trú (khuyến khích khám, chữa bệnh ngoại trú), thực hiện chăm sóc sức
khỏe ban đầu bằng các phương pháp y học cổ truyền hoặc kết hợp y học cổ truyền
và y học hiện đại.
2. Kế thừa và nghiên cứu khoa học:
a) Nghiên cứu, xác minh, đánh giá và kế thừa các
bài thuốc cổ truyền, các cây, con làm thuốc, các phương pháp chữa bệnh bằng y học
cổ truyền, góp phần làm phong phú và phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam.
b) Nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền và y học hiện
đại, xây dựng nền y học Việt Nam theo nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại
chúng.
3. Đào tạo cán bộ:
a) Bệnh viện là cơ sở thực hành cho các trường đại
học, trường trung học y, dược và y học cổ truyền.
b) Tổ chức bồi dưỡng và đào tạo lại về y học cổ
truyền cho cán bộ, viên chức làm công tác y học cổ truyền và các cán bộ y tế
khác trong tỉnh.
4. Chỉ đạo tuyến:
a) Lập kế hoạch và chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ
thuật y học cổ truyền.
b) Có vườn thuốc nam mẫu tại Bệnh viện. Thực hiện
công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng y học cổ truyền tại cộng đồng.
5. Phòng chống dịch: Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế,
phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng, các Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế dự
phòng huyện, thị xã, để phòng chống dịch bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền
hoặc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại khi có dịch bệnh xảy ra trên địa
bàn.
6. Tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe
cho cộng đồng.
7. Tổ chức bào chế thuốc phiến và một số dạng thuốc
cổ truyền thông dụng (cao, đơn, hoàn, tán, rượu…) dùng trong Bệnh viện.
8. Tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về y học
cổ truyền với các tổ chức và cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật.
9. Tổ chức thực hiện và quản lý sử dụng có hiệu quả
ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí khác. Thực hiện thanh quyết toán kịp
thời và đúng quy định của pháp luật.
10. Thực hiện chế độ thống kê báo cáo theo quy định.
11. Quản lý tài chính, tài sản và viên chức, nhân
viên của cơ quan theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CHẾ ĐỘ
LÀM VIỆC
Điều 4. Tổ chức bộ máy:
1. Lãnh đạo bệnh viện:
Bệnh viện do 01 Giám đốc điều hành và có từ 01 đến
02 Phó Giám đốc giúp việc cho Giám đốc. Chức vụ Giám đốc và Phó Giám đốc do
UBND tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế và theo các quy định của Đảng
và Nhà nước về quản lý cán bộ.
2. Các bộ phận cấu thành gồm có:
a) Các Phòng chuyên môn nghiệp vụ:
- Phòng Tổ chức - Hành chính (bao gồm cả bộ phận
tài chính - kế toán, thủ quỹ).
- Phòng Kế hoạch - Tổng hợp - Y tá (điều dưỡng).
b) Các Khoa:
- Khoa Khám bệnh.
- Khoa Nội - Nhi.
- Khoa ngoại (bao gồm cả khám phụ khoa, bộ phận hấp
sấy, tiệt khuẩn tập trung của Bệnh viện).
- Khoa Châm cứu (bao gồm: châm cứu, dưỡng sinh, phục
hồi chức năng).
- Khoa Cận lâm sàng (bao gồm xét nghiệm, chuẩn đoán
hình ảnh).
- Khoa Dinh dưỡng.
3. Mỗi phòng có 01 Trưởng phòng và có 01 Phó Trưởng
phòng, mỗi Khoa có 01 Trưởng khoa, 01 Phó Trưởng khoa và 01 Y tá trưởng. Chức vụ
Trưởng phòng, Trưởng khoa do Giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc
Bệnh viện, chức vụ Phó Trưởng phòng, Phó Trưởng khoa và Y tá trưởng do Giám đốc
Bệnh viện bổ nhiệm.
4. Nhiệm vụ cụ thể của các Phòng, Khoa do Giám đốc
Bệnh viện quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
5. Biên chế của Bệnh viện thuộc biên chế sự nghiệp
y tế được UBND tỉnh giao hàng năm.
Điều 5. Chế độ làm việc
1. Bệnh viện làm việc theo chế độ thủ trưởng, Giám
đốc Bệnh viện quyết định mọi vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
của Bệnh viện và là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Sở Y tế về toàn bộ hoạt
động của Bệnh viện, đồng thời chịu trách nhiệm trước các Vụ, Viện có liên quan
thuộc Bộ Y tế về các lĩnh vực công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Bệnh viện và
trước pháp luật. Phó Giám đốc giúp việc cho Giám đốc được Giám đốc phân công phụ
trách một số lĩnh vực công tác. Phó Giám đốc Bệnh viện chịu trách nhiệm trước
Giám đốc, đồng thời cùng Giám đốc liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên và
trước pháp luật về phần việc được phân công phụ trách.
2. Trưởng phòng, Trưởng khoa chịu trách nhiệm trước
Giám đốc Bệnh viện về mọi công việc được giao của phòng, khoa. Phó Trưởng
phòng, khoa giúp việc cho Trưởng phòng, khoa được Trưởng phòng, khoa phân công
phụ trách một số mặt công tác của phòng, khoa và được ủy quyền điều hành công
việc của phòng, khoa khi Trưởng phòng, khoa đi vắng.
3. Bệnh viện tổ chức họp giao ban hàng ngày để kiểm
điểm công tác trong ngày và xây dựng chương trình công tác cho ngày kế tiếp, đồng
thời tổ chức các cuộc họp bất thường để triển khai nhiệm vụ đột xuất, cấp bách
của Sở Y tế và Bộ Y tế giao.
4. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và theo yêu cầu
đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao cho Sở Y tế và các Vụ, Viện có
liên quan thuộc Bộ Y tế.
Điều 6. Các mối quan hệ công tác:
1. Bệnh viện chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên
môn kỹ thuật của Bộ Y tế (các Vụ chức năng và các Viện đầu ngành y học cổ truyền).
2. Bệnh viện chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và
toàn diện của Sở Y tế.
3. Bệnh viện có mối quan hệ phối hợp với Hội Đông
y, Hội Châm cứu tỉnh trong công tác kế thừa và chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng y
học cổ truyền tại cộng đồng.
4. Quan hệ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Y
tế trong công tác chuyên môn kỹ thuật.
5, Bệnh viện có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn về
chuyên môn kỹ thuật về y học cổ truyền đối với các cơ sở y học cổ truyền trên địa
bàn tỉnh (Khoa y học cổ truyền trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc bộ phận y học
cổ truyền tại các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, các Phòng khám đa khoa khu vực
và Trạm y tế).
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Bản Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Việc sửa
đổi, bổ sung bản Quy chế này do Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị
UBND tỉnh xem xét Quyết định.
Chấm dứt hiệu lực thi hành bản Quy chế tổ chức và
hoạt động của Trung tâm Châm cứu - Đông y tỉnh được ban hành kèm theo Quyết định
số 41/2004/QĐ-UB ngày 21/05/2004 của UBND tỉnh./.