Quyết định 41/2001/QĐ-BCN về an toàn điện nông thôn do Bộ trưởng Bộ công nghiệp ban hành

Số hiệu 41/2001/QĐ-BCN
Ngày ban hành 30/08/2001
Ngày có hiệu lực 14/09/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 41/2001/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 30  tháng 8  năm  2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN ĐIỆN NÔNG THÔN

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện;
Căn cứ Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg m\ngày 13 tháng 02 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án điện nông thôn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm tra giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về an toàn điện nông thôn" để áp dụng cho lưới điện hạ áp nông thôn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Cục trưởng, Vụ trưởng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


 Nơi nhận:

 - Như Điều 3,
 - Văn phòng Chính phủ,
 - Bộ Tài chính,
 - Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
 - UBND TP Hồ Chí Minh,
 - Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh,
 - Công báo,
 - Lưu VP, TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Trung Hải

 

QUY ĐỊNH

VỀ AN TOÀN ĐIỆN NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2001/QĐ-BCN ngày 30 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Quy định này quy định tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn đối với lưới điện hạ áp nông thôn, miền núi, hải đảo (sau đây gọi tắt là lưới điện hạ áp nông thôn); hướng dẫn thực hiện những biện pháp an toàn nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

2. Quy định này áp dụng cho công tác quản lý, thiết kế, nghiệm thu, vận hành và sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn.

3. Cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân khi tiến hành công việc khác có khả năng gây sự cố lưới điện hoặc gây tai nạn điện có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy định này.

Điều 2. Ranh giới lưới điện hạ áp nông thôn được xác định từ thiết bị đóng cắt tổng (cầu dao, áp-tô-mát) phía 0,4 kV của nguồn điện hạ áp đến công trình, nhà ở của tổ chức, cá nhân sử dụng điện nằm ngoài địa giới hành chính của các thành phố, thị xã, thị trấn.

Điều 3.

1. Chỉ được phép xây dựng các công trình điện nông thôn sau khi thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.

2. Chỉ được phép đóng điện công trình điện nông thôn khi:

a/ Chủ đầu tư công trình đã hoàn thành thủ tục nghiệm thu, có thành phần tham gia là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về điện tại địa phương và đại diện bên bán điện.

b/ Đơn vị quản lý điện nông thôn đã hoàn thành công tác tổ chức nhân sự; quy trình sổ sách, biểu mẫu, sơ đồ lưới điện; trang thiết bị vận hành, sửa chữa; trang bị an toàn lao động.

Điều 4. Cán bộ, công nhân vận hành, sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn (gọi tắt là thợ điện nông thôn) phải đủ 18 tuổi trở lên, được cơ quan y tế chứng nhận không mắc bệnh thần kinh, tim mạch, có đủ sức khoẻ làm việc.

Điều 5. Thợ điện nông thôn phải được đào tạo chuyên ngành điện, có giấy chứng nhận tốt nghiệp do cơ sở dạy nghề có thẩm quyền cấp, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Điều 6. Đơn vị quản lý điện nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức huấn luyện và sát hạch về an toàn cho thợ điện nông thôn. Những người đạt yêu cầu được cấp thẻ an toàn và được làm việc trong lưới điện nông thôn. Định kỳ hàng năm đơn vị phải tổ chức ôn luyện và kiểm tra lại, chỉ những người đạt yêu cầu mới được tiếp tục làm việc. Những người không đạt phải học và sát hạch lại sau 10 ngày, qua 3 đợt sát hạch không đạt yêu cầu phải thu hồi thẻ an toàn và chuyển làm công việc khác.

Đơn vị quản lý điện nông thôn nếu không đủ điều kiện tự tổ chức huấn luyện, có thể đề nghị Sở Công nghiệp hoặc Điện lực địa phương giúp đỡ, phối hợp để tổ chức huấn luyện, sát hạch an toàn điện cho thợ điện nông thôn. Kết quả sát hạch an toàn phải được lập thành biên bản, có đủ chữ ký của người kiểm tra và người được kiểm tra. Lãnh đạo đơn vị phải ký duyệt công nhận kết quả huấn luyện.

[...]