Quyết định 406/QĐ-BTP năm 2011 về Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 406/QĐ-BTP
Ngày ban hành 29/03/2011
Ngày có hiệu lực 29/03/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 406/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA BỘ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1113/2005/QĐ-BTP ngày 05 tháng 5 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (để b/c);
- Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an;
- Các Thứ trưởng Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, HTQT (H.02).

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA BỘ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 406/QĐ-BTP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này điều chỉnh hoạt động đối ngoại do Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tư pháp hoặc chức danh thuộc biên chế Bộ Tư pháp quản lý (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức), thực hiện với danh nghĩa Bộ Tư pháp hoặc đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, bao gồm:

a) Đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, các dự án, chương trình, kế hoạch và hoạt động hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp (sau đây gọi chung là văn kiện hợp tác quốc tế) theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Vận động, điều phối, trình phê duyệt, tiếp nhận, sử dụng nguồn tài trợ của nước ngoài, bao gồm cả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài, kể cả tiếp nhận tài trợ cho các hoạt động hợp tác quốc tế nằm trong các chương trình, dự án do Bộ, ngành khác chủ trì quản lý;

c) Tổ chức hoặc tham gia tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn, họp, gặp gỡ, tiếp xúc, hội thảo có sự tham gia hoặc tài trợ của đối tác nước ngoài (sau đây gọi là hội nghị, hội thảo quốc tế);

d) Tổ chức đoàn ra, đoàn vào, tiếp khách quốc tế;

đ) Các hoạt động về lễ tân đối ngoại;

e) Các hoạt động hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

2. Mọi hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật và Quy chế này. Hoạt động đối ngoại của các cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật, Quy chế này và quy định của Bộ Tư pháp về phân cấp quản lý công chức, công chức lãnh đạo cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động đối ngoại

1. Giữ vững nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia, phù hợp với đường lối, chủ tr­ương, chính sách đối ngoại của Đảng và pháp luật của Nhà nước; giữ gìn bí mật và đảm bảo an ninh quốc gia theo quy định của Đảng và Nhà nước.

2. Thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Bộ Tư pháp; chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại, nhất là với các đối tác chiến lược, đối tác truyền thống; đề cao hiệu quả, thực chất trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối với các chương trình, dự án; tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành trong từng giai đoạn và từng năm; tiếp thu những tri thức và kinh nghiệm tốt của các nước một cách chọn lọc, phù hợp với truyền thống pháp luật và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

3. Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với các hoạt động đối ngoại, tăng cường phân cấp đồng thời với đề cao trách nhiệm của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Ban Quản lý chương trình, dự án trong việc quản lý và thực hiện các hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp.

[...]