Quyết định 4041/QĐ-BNN-QLCL năm 2008 về việc tăng cường kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào Liên bang Nga do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4041/QĐ-BNN-QLCL
Ngày ban hành 18/12/2008
Ngày có hiệu lực 18/12/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lương Lê Phương
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 4041/QĐ-BNN-QLCL

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM THỦY SẢN XUẤT KHẨU VÀO LIÊN BANG NGA

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 26 tháng 7 năm 2003 và Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;
Nhằm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản Việt Nam đáp ứng các quy định của Liên bang Nga;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào Liên bang Nga, cụ thể như sau:

1. Cơ sở chế biến thủy sản thỏa mãn điều kiện sau đây mới được xem xét đề nghị đưa vào danh sách xuất khẩu thủy sản vào Liên bang Nga:

a. Đáp ứng các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất thủy sản theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b. Đáp ứng các yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền Liên bang Nga:

- Đối với các Cơ sở chế biến thủy sản nuôi đông lạnh: phải có khả năng tự cung cấp ít nhất 1/3 khối lượng nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất thực tế tại Cơ sở. Đối với lượng nguyên liệu còn lại, Cơ sở chế biến phải có Hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với cơ sở nuôi đạt điều kiện vệ sinh thú y thủy sản, định kỳ thực hiện giám sát trực tiếp tại cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu.

- Đối với các Cơ sở chế biến thủy sản khác: đáp ứng điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Nếu thu mua nguyên liệu thông qua các cơ sở thu mua/sơ chế, các cơ sở này phải được công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phải có kho lạnh bảo quản phù hợp với công suất sản xuất của Cơ sở.

- Ưu tiên đưa vào danh sách các Cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh có Hợp đồng với nhà nhập khẩu Liên bang Nga trong đó nêu rõ tỷ lệ mạ băng sản phẩm không vượt quá 10%.

2. Hàng hóa thủy sản được phép xuất khẩu vào Liên bang Nga khi thỏa mãn các điều kiện sau đây:

a. Được sản xuất tại Cơ sở chế biến thủy sản:

- Đáp ứng các điều kiện nêu tại Khoản 1 Điều này và;

- Được Cục Kiểm dịch động, thực vật Liên bang Nga (VPSS) kiểm tra, công nhận, đưa vào danh sách được phép xuất khẩu thủy sản vào Liên bang Nga.

b. Được kiểm tra, chứng nhận chất lượng đạt yêu cầu theo Quyết định 07/2007/QĐ-BTS ngày 27/7/2007 của Bộ Thủy sản (trước đây) và Quyết định số 2670/QĐ-BNN-QLCL ngày 29/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c. Đối với thủy sản đông lạnh: tỷ lệ mạ băng phải đáp ứng yêu cầu hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với lượng hàng hóa thủy sản tồn kho có tỷ lệ mạ băng sai quy cách, Cơ sở cần báo cáo chi tiết về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản) khối lượng sản phẩm tồn kho tính đến ngày 20/12/2008 và đề xuất biện pháp xử lý dự kiến.

d. Trên bao bì, nhãn hiệu sản phẩm phải thể hiện đầy đủ các thông tin sau:

- Sản phẩm của Việt Nam;

- Mã số cơ sở sản xuất;

- Mã số lô hàng;

- Thành phần chính của sản phẩm (nêu rõ thành phần phụ gia, hóa chất tăng trọng);

- Khối lượng tịnh, tỷ lệ mạ băng của sản phẩm.

3. Các Cơ sở sẽ bị tạm ngừng cấp giấy chứng nhận chất lượng cho các lô hàng xuất khẩu thủy sản vào Liên bang Nga khi:

a. Cơ sở vi phạm quy định về sử dụng mã số công nhận, vi phạm về ghi nhãn;

b. Cơ sở vi phạm quản lý về sử dụng hóa chất, phụ gia do Cơ quan thẩm quyền Liên bang Nga và Việt Nam ban hành, đặc biệt là các quy định về hóa chất, phụ gia đối với cá đông lạnh được nêu tại các Quyết định số 01/2008/QĐ-BNN ngày 04/01/2008, Quyết định số 53/2008/QĐ-BNN ngày 21/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

[...]