Quyết định 403/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch hành động Chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 403/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/10/2015
Ngày có hiệu lực 08/10/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Tử Quỳnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 403/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 08 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TT ngày 25 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định Số: 403/QĐ-TTg ngày 20 tháng 03 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 9/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động Chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu

- Tăng trưởng xanh là tiến tới nền kinh tế phát triển bền vững, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hoá các ngành, các lĩnh vực tại địa phương.

- Thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, chuyển sang sản xuất xanh.

- Nâng cao công tác nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến vào sản xuất góp phần giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường tự nhiên, xanh hoá sản xuất, xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống từ việc xây dựng hạ tầng xanh, lối sống thân thiện với môi trường.

- Nâng cao đời sống người dân thông qua tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh.

2. Quan điểm

- Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần tạo việc làm, xóa đói nghèo và lạc hậu; nâng cao chất lượng cảnh quan và môi trường.

- Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư và sử dụng những thiết bị sản xuất hao tốn ít điện năng, ít nhiên liệu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, công nghệ, nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

- Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, bảo tồn vốn tài nguyên, phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các ngành, lĩnh vực và các tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Nhiệm vụ

- Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

- Xanh hoá sản xuất: Thực hiện một chiến lược “công nghiệp hoá sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.

- Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững: Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Thực hiện đô thị hoá nhanh, bền vững, duy trì lối sống hoà hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu.

4. Các chỉ tiêu đánh giá phát triển kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh

4.1. Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo những chỉ tiêu chủ yếu sau:

- Giai đoạn 2015 - 2020: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính 12% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2% mỗi năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng 20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 12%, 8% còn lại mức phấn đấu khi có thêm hỗ trợ.

- Định hướng đến năm 2030: Giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng 30% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 20%, 10% còn lại là mức khi có thêm hỗ trợ.

[...]