UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
40/2009/QĐ-UBND
|
Tam Kỳ, ngày
24 tháng 11 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, CHẾ ĐỘ CHÍNH
SÁCH, TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG BẢO VỆ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành VBQPPL
của HĐND – UBND năm 2004;
Căn cứ Nghị định số
38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố; Thông tư số
02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01/3/2007 của Bộ Công an, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số
38/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố;
Căn cứ Nghị quyết số
137/NQ-HĐND ngày 22/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, khoá VII, kỳ họp
thứ 21 về quy định mức phụ cấp cho Bảo vệ dân phố;
Theo đề nghị của Giám đốc
Công an tỉnh tại Tờ trình số 150/CAT(PX28) ngày 27 tháng 10 năm 2009 và Chánh
Văn phòng UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về
tổ chức, chế độ chính sách, trang bị phương tiện hoạt động của lực lượng Bảo vệ
dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01/01/2010.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an
tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thành
phố nơi có Bảo vệ dân phố, Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định
thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Công an, Bộ Tài chính (b/c);
- TT Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Ban KT-NS HĐND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Quảng Nam, Đài PTTH tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, KTN, VX, NC.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Minh Ánh
|
QUY ĐỊNH
TỔ CHỨC, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, TRANG BỊ PHƯƠNG
TIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG BẢO VỆ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Kèm theo Quyết định số: 40 /2009/QĐ - UBND ngày 24 tháng 11 năm 2009)
Điều 1. Đối
tượng, phạm vi áp dụng
1. Ban Bảo vệ dân phố, Tổ Bảo vệ
dân phố;
2. Trưởng Ban Bảo vệ dân phố,
Phó trưởng Ban Bảo vệ dân phố, Tổ trưởng Bảo vệ dân phố, Tổ viên Bảo vệ dân phố.
Điều 2. Tổ
chức Bảo vệ dân phố
1. Mỗi phường, thị trấn (nơi bố
trí Công an chính quy, sau đây gọi chung là phường) thành lập một Ban Bảo vệ
dân phố, gồm: 01 Trưởng Ban, 01 Phó trưởng Ban và các Uỷ viên. Uỷ viên Bảo vệ
dân phố đồng thời là Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố ở các Tổ dân phố thuộc phường
(Tổ dân phố được quy định tại Điều 1, Chương I, quy định về Tổ chức và hoạt động
của Thôn, Tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, ban hành kèm theo Quyết định số
07/2007/QĐ-UBND ngày 22/3/2007 của UBND tỉnh Quảng Nam);
2. Mỗi Tổ dân phố thành lập một
Tổ Bảo vệ dân phố, gồm: Tổ trưởng và có từ 2-3 Tổ viên;
3. Thẩm quyền, trình tự thủ tục
thành lập Ban Bảo vệ dân phố, Tổ Bảo vệ dân phố; công nhận và bãi nhiệm Trưởng
Ban, Phó trưởng Ban, Uỷ viên, Tổ trưởng, Tổ viên Bảo vệ dân phố thực hiện theo
Điều 7, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân
phố và Thông tư số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01/3/2007 của liên Bộ Công
an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện
Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ.
Điều 3. Chế
độ phụ cấp hàng tháng đối với Bảo vệ dân phố
1. Mức phụ cấp
theo chức danh
a) Trưởng Ban Bảo vệ dân phố :
650.000đồng/người/tháng;
b) Phó trưởng Ban Bảo vệ dân phố
: 450.000 đồng/người/ tháng;
c) Tổ trưởng Bảo vệ dân phố :
300.000 đồng/người/ tháng;
d) Tổ viên Bảo vệ dân phố :
260.000 đồng/người/ tháng.
2. Kinh phí phụ cấp hàng tháng
cho Bảo vệ dân phố
a) Đối với Bảo vệ dân phố các
huyện, thành phố khu vực đồng bằng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện,
thành phố 50%;
b) Đối với Bảo vệ dân phố các
huyện miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện 30%;
c) UBND các phường, thị trấn có
tổ chức Bảo vệ dân phố có trách nhiệm chi trả phụ cấp hàng tháng cho Bảo vệ dân
phố và quyết toán theo đúng quy định.
Điều 4. Chế
độ thương tật, hy sinh
1. Bảo vệ dân phố trong khi làm
nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh, theo quy định tại Điều 3, Điều 11, Nghị định
54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xem xét xác nhận là người
được hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sỹ. Thủ tục hồ sơ xác nhận thực
hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội;
2. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội chủ trì phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn thực hiện chế độ như thương
binh, liệt sỹ cho Bảo vệ dân phố trong tỉnh.
Điều 5. Chế
độ huấn luyện, bồi dưỡng
1. Hằng năm lực lượng Bảo vệ
dân phố được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ bảo vệ an
ninh trật tự theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian không quá 7 ngày;
2. Công an tỉnh quy định chương
trình, nội dung và chủ trì các lớp huấn luyện cho Bảo vệ dân phố;
3. Kinh phí tổ chức các lớp huấn
luyện do UBND phường, thị trấn cử Bảo vệ dân phố đi học chi trả cho đơn vị tổ
chức lớp học.
Điều 6. Quy
định cấp phát trang phục và phương tiện hoạt động
1. Bảo vệ dân phố trong tỉnh được
cấp phát trang phục thống nhất về mẫu mã, màu sắc, chủng loại trang phục thực
hiện theo Quyết định số 349/QĐ-BCA(H11) ngày 31/3/2008 của Bộ Công an, cụ thể
như sau:
- Quần áo xuân hè : 01 bộ/người/1
năm
- Mũ mềm : 01 chiếc/người/1 năm
- Giầy da : 01 đôi/người/2 năm
- Tất chân : 02 đôi/người/1 năm
- Dây lưng da : 01 chiếc/người/2
năm
- Quần áo đi mưa : 01 bộ/người/2
năm
2. Bảo vệ dân phố trong tỉnh được
cấp giấy chứng nhận, biển hiệu, bảng chức danh. Mẫu mã thực hiện theo quy định
tại Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT/ BCA-BLĐTBXH-BTC của Bộ Công an, Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số
38/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo vệ dân phố;
3. Bảo vệ dân phố trong tỉnh được
trang bị công cụ hỗ trợ để phục cụ công tác, gồm: gậy cao su, còng số 8, loa điện
cầm tay. Đối tượng được trang bị là Ban Bảo vệ ở phường và Tổ Bảo vệ dân phố ở
các Tổ dân phố;
4. Nguồn kinh phí mua sắm trang
phục, công cụ hỗ trợ, giấy chứng nhận, biển hiệu, bảng chức danh Bảo vệ dân phố.
a) Trang phục và công cụ hỗ trợ
Bảo vệ dân phố do ngân sách tỉnh chi trả;
b) Giấy chứng nhận, biển hiệu,
bảng chức danh Bảo vệ dân phố do ngân sách huyện, thành phố chi trả.
Điều 7.
Kinh phí hoạt động của Bảo vệ dân phố
1. Từ các nguồn sau
a) Ngân sách địa phương theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
b) Đóng góp, ủng hộ tự nguyện của
các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
2. Công tác lập, chấp hành và
quyết toán kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Bảo vệ dân phố, gồm: Chi trả phụ
cấp hàng tháng, chế độ phụ cấp đi lại, ăn, ở khi Bảo vệ dân phố được triệu tập
bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ. Chủ tịch UBND phường, thị trấn (nơi có bảo vệ
dân phố) thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số
60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07/01/2004 của
Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước đối với một
số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; Thông tư số 60/2003/TT-BTC
ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách và các hoạt động
tài chính khác của xã, phường, thị trấn.
Điều 8. Địa
điểm làm việc của Bảo vệ dân phố
Căn cứ điều kiện thực tế, UBND
các huyện, thành phố có tổ chức Bảo vệ dân phố chỉ đạo các phường, thị trấn bố
trí địa điểm làm việc phù hợp.
Điều 9.
Khen thưởng
Bảo vệ dân phố lập thành tích
xuất sắc trong công tác thì được xét khen thưởng, công nhận các danh hiệu và
hình thức thi đua. Việc khen thưởng, công nhận các danh hiệu và hình thức thi
đua cho Bảo vệ dân phố thực hiện theo Thông tư số 18/2007/TT-BCA ngày 03/10/2007
của Bộ Công an về hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng đối với lực lượng Công
an xã, Bảo vệ dân phố và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Quyết định
số 06/2006/QĐ-UBND ngày 21/2/2006 của UBND tỉnh về ban hành quy chế công tác
thi đua khen thưởng.
Điều 10. Kỷ
luật
Bảo vệ dân phố lợi dụng chức vụ,
quyền hạn vi phạm pháp luật hoặc vì lợi ích cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an
ninh trật tự, uy tín của tổ chức thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử
lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Điều 11.
Trách nhiệm của các ngành liên quan và các địa phương có Bảo vệ dân phố
1. Công an tỉnh
a) Giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng
dẫn, kiểm tra công tác xây dựng lực lượng và hoạt động của Bảo vệ dân phố trên
địa bàn tỉnh;
b) Hàng năm kiểm tra, hướng dẫn,
nắm tổ chức, quân số; phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán, hợp đồng may trang
phục, mua công cụ hỗ trợ cấp phát cho Bảo vệ dân phố. Việc thanh quyết toán thực
hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;
c) Chỉ đạo Công an các cấp tham
mưu đề xuất UBND cùng cấp tổ chức các phong trào thi đua trong bảo vệ dân phố.
Biểu dương, khen thưởng nhân rộng các điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc
trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;
d) Chủ trì, phối hợp với các
ngành, địa phương liên quan hướng dẫn việc thực hiện quy định này và định kỳ
sơ, tổng kết báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công an.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm
tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí và hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực
hiện các chế độ chính sách, trang bị phương tiện hoạt động cho Bảo vệ dân phố
theo đúng quy định.
3. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách cho Bảo
vệ dân phố bị thương, hy sinh trong khi thi hành công vụ.
4. Sở Nội vụ (Ban Thi đua -
Khen thưởng) có trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng cho
Bảo vệ dân phố.
5. Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố (nơi có bảo vệ dân phố) chỉ đạo, quản lý, tổ chức và hoạt động của Bảo
vệ dân phố theo thẩm quyền và theo hướng dẫn của Công an cấp trên. Chỉ đạo UBND
phường, thị trấn lựa chọn, bố trí Bảo vệ dân phố, địa điểm làm việc, đảm bảo
kinh phí hoạt động và các chế độ phụ cấp, chính sách đối với Bảo vệ dân phố
theo quy định của Pháp luật và theo quy định này./.