Quyết định 3994/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025

Số hiệu 3994/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/12/2016
Ngày có hiệu lực 26/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Lê Đức Vinh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3994/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 26 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN KHÁNH SƠN ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn lập, điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc cho phép lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn tại Tờ trình số 108/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2016 về việc phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn đến năm 2025 và đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định quy hoạch số 2910/BC-SKHĐT ngày 07 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn đến năm 2025 với những nội dung chính sau:

I. Quan điểm phát triển

Phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn phải đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, có xem xét đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên. Khai thác có hiệu quả các nguồn lực, các lợi thế về tiềm năng đất đai và tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững, giảm dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển với các địa phương khác trong tỉnh.

Lấy sản xuất nông - lâm nghiệp làm cơ sở ổn định phát triển kinh tế, làm tiền đề để phát triển các ngành khác; trong nông nghiệp tập trung vào phát triển sản xuất hàng hóa nhất là đối với những mặt hàng nông sản có lợi thế so sánh của địa phương như: Mía tím, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu sản phẩm; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; phát triển kinh tế rừng, đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng theo hướng đa mục tiêu, nông lâm kết hợp, hiệu quả và bền vững.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; chú trọng phát triển theo chiều sâu các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch có lợi thế.

Tập trung đầu tư nâng cao trình độ dân trí và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế; đặc biệt là đội ngũ lao động phục vụ cho phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nguồn nhân lực cho dịch vụ du lịch... Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Giao thông, điện, thủy lợi, cấp nước, bưu chính viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa thông tin... Tăng cường quan hệ hợp tác giữa huyện Khánh Sơn với các địa phương trong và ngoài tỉnh, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để cùng phát triển.

Phát triển kinh tế đi đôi với củng cố an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, công bằng xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh để sớm đưa kinh tế huyện phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các Chương trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện, giữ vững quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ du lịch - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phấn đấu đưa thu nhập của huyện từng bước tiếp cận và đạt tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; đồng thời rút ngắn khoảng cách thu nhập bình quân/người so với bình quân của vùng Duyên hải miền Trung và của cả nước. Phấn đấu đến năm 2025 Khánh Sơn có từ 2 - 3 xã đạt xã nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2016-2020 đạt 11,13%/năm (trong đó nông lâm nghiệp tăng 10,21%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,1%, thương mại - dịch vụ tăng 13,01%); giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân đạt 12,11%/năm (trong đó nông lâm nghiệp tăng 8,27%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 15,88%/năm, thương mại - dịch vụ tăng 17,39%/năm).

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (VA) theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp; đến năm 2020 tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp còn 59,10%, công nghiệp - xây dựng chiếm 19,61%, thương mại - dịch vụ chiếm 21,29%; đến năm 2025 tỷ trọng các ngành nông lâm nghiệp giảm xuống còn 55,04%, công nghiệp - xây dựng tăng lên 20,38%%, thương mại - dịch vụ chiếm 24,57%.

- Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 19,0 triệu đồng; đến năm 2025 đạt 30,0 triệu đồng/người.

- Thu ngân sách tăng bình quân hàng năm từ 15 - 17%/năm; đến năm 2020 thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 22.988 triệu đồng, năm 2025 đạt 38.658 triệu đồng.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 1.160 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 1.355 tỷ đồng.

- Đến năm 2020 có 01 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 19/19 tiêu chí), các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên; đến năm 2025 phấn đấu có 2 - 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2030.

b) Về văn hóa - xã hội

[...]