Quyết định 399/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 399/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/06/2022
Ngày có hiệu lực 15/06/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Kpă Thuyên
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 399/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 15 tháng 06 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRỒNG TÁI CANH VÀ GHÉP CẢI TẠO CÀ PHÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Trồng trọt năm 2018;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy trình tái canh cà phê vối;

Căn cứ Quyết định số 1178/QĐ-BNN-TT ngày 31/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 20/01/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc quy định các định mức hỗ trợ cho các hoạt động về phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh Gia Lai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 110/TTr-SNNPTNT ngày 04/5/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện trồng cà phê: Chư Sê, Chư Pưh, Mang Yang, Kbang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông và thành phố Pleiku; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Chánh Văn phòng, các Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kpă Thuyên

 

KẾ HOẠCH

TRỒNG TÁI CANH VÀ GHÉP CẢI TẠO CÀ PHÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 399/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

Căn cứ Quyết định số 1178/QĐ-BNN-TT ngày 31/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và

Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022 - 2025, với những nội dung sau:

I. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT CÀ PHÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Khái quát chung về sản xuất cà phê

Gia Lai là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ 4 trong cả nước, diện tích bằng 14%, sản lượng bằng 14,6% cả nước. Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Gia Lai, được trồng ở 10/17 địa phương trong tỉnh, với tổng diện tích hiện có gần 98.395 ha, trong đó có 87.515 ha cho sản phẩm. Năm 2021, tổng sản lượng cà phê của Gia Lai đạt 257.480 tấn; giá trị sản xuất cà phê đạt trên 6.900 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), chiếm 26,5% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 04 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và 99 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến cà phê (trong đó có 47 cơ sở chế biến cà phê bột, hạt rang và hòa tan). Sản phẩm cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 250 triệu USD, chiếm gần 40,98% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh[1].

Trong những năm qua, sản xuất cà phê đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp, đồng thời là sinh kế của nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn, trong đó có một bộ phận không nhỏ là bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, tình hình sản xuất cà phê của các địa phương trong tỉnh còn nhiều khó khăn, sản xuất phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế để nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê; qua đó nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê Gia Lai ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Tình hình và kết quả trồng tái canh, ghép cải tạo cà phê

[...]