Kế hoạch 458/KH-UBND năm 2022 về phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030

Số hiệu 458/KH-UBND
Ngày ban hành 11/08/2022
Ngày có hiệu lực 11/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Trọng Yên
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 458/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 11 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ ĐẶC SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1392/QĐ-BNN-TT ngày 02/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 và tình hình thực tế, điều kiện, khả năng phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 (giai đoạn 2022 - 2030), cụ thể như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÀ PHÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Tỉnh Đắk Nông nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam vùng Tây Nguyên, rất thuận lợi trong kết nối thị trường nông sản với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Là địa phương có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, quỹ đất rộng lớn và màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào,... tỉnh Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, hệ thống Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.700 km2, chiếm 72% diện tích tự nhiên của tỉnh, cùng với địa hình bát úp xen kẽ những khe suối hợp thủy, điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa đã tạo nên chất lượng đặc trưng cho nông sản Đắk Nông nói chung và cà phê nói riêng. Với điều kiện địa hình, địa chất và sinh thái của tỉnh việc phát triển cà phê đặc sản là phù hợp để nâng cao giá trị cho ngành hàng cà phê của tỉnh.

Với diện tích cà phê trên 135.000 ha, sản lượng trên 332 nghìn tấn, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên, chỉ sau tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh Đắk Nông đã tập trung xây dựng vùng cà phê đặc sản theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện chất lượng cà phê thế giới (CQI). Trong thời gian qua, cà phê đặc sản (Specialty Coffee) là sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên tại các xã: Thuận An, Đức Minh, huyện Đắk Mil (theo Quyết định 1392/QĐ-BNN-TT ngày 02/04/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ngoài ra còn ở một số vùng khác trên địa bàn tỉnh và các Hợp tác xã, người dân đã và đang chủ động sản xuất cà phê vối theo hướng đặc sản, chất lượng cao với tổng diện tích là 225 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 251 tấn, chủ yếu tập trung tại các huyện: Đắk Mil với diện tích 18 ha, sản lượng 28 tấn (sản xuất tập trung chủ yếu tại các Hợp tác xã Công Bằng Thuận An, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đăk Mil...); Đăk Song với diện tích 97 ha, sản lượng 63 tấn (được sản xuất chủ yếu tại các Hợp tác xã Đoàn Kết, Hợp tác xã Thành Công...); Krông Nô với diện tích 40 ha, sản lượng 60 tấn (sản xuất tập trung chủ yếu tại các Hợp tác xã phát triển nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái, Hợp tác xã Tin True Cooffee,...); huyện Tuy Đức với diện tích 20 ha, sản lượng 50 tấn (được sản xuất chủ yếu tại Công ty TNHH Đoàn Gia Đắk Nông); huyện Đắk R’lấp với diện tích 50 ha, sản lượng 50 tấn (Hợp tác xã Đắk Ka).

Ngoài ra, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến theo hướng cà phê đặc sản đã đưa sản phẩm tham gia cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam (Viet Nam Amazing Cup); trong đó, một số sản phẩm cà phê Robusta của tỉnh được công nhận tiêu chuẩn đặc sản và đã có kết quả cao (năm 2019 có 02 sản phẩm được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm đứng Top 2; năm 2020 có 03 sản phẩm được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm đúng Top 1; năm 2021 có 02 sản phẩm được công nhận, trong đó có 01 sản phẩm đứng Top 8; năm 2022 có 03 sản phẩm được công nhận). Đây là nền tảng để phát triển các sản phẩm cà phê đặc sản tại một số vùng của tỉnh Đắk Nông.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Quan điểm phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh

- Phát triển cà phê đặc sản trên nhưng vùng đất có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội thích hợp để đem lại chất lượng cà phê tốt nhất.

- Phát triển cà phê đặc sản phải gắn với thị trường tiêu thụ (là phân khúc cao cấp, yêu cầu đặc thù, có giới hạn), đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh, giá trị gia tăng và phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi giá trị.

- Phát triển cà phê đặc sản phải gắn với việc quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm; quản lý chặt chẽ các khâu trong chuỗi giá trị cà phê đặc sản, đảm bảo phát triển bền vững ngành cà phê.

- Phát triển cà phê đặc sản phải huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các nhà quản lý, nhà khoa học, tổ chức quốc tế và hiệp hội.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Phát triển cà phê đặc sản tỉnh Đắk Nông phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường xuất khẩu và nội địa; đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Đắk Nông trên thị trường trong nước và thế giới.

2.2. Mục tiêu cụ thể

* Giai đoạn 2022-2025

- Xây dựng bản đồ định hướng vùng trồng/sản xuất cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 trên cơ sở điều tra, khảo sát, đánh giá về điều kiện kinh tế, xã hội, đất đai, khí hậu và kỹ năng canh tác, chế biến (làm cơ sở xây dựng chỉ dẫn địa lý).

- Xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cà phê của tỉnh trên cơ sở đó có thể hiện được chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cà phê đặc sản.

- 100% chủ các cơ sở vùng trồng định hướng sản xuất cà phê đặc sản được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê đặc sản.

- Kiểm tra và thiết lập một số vùng trồng/sản xuất cà phê đặc sản trên cơ sở tập trung hỗ trợ, hướng dẫn, thúc đẩy các tổ chức/cá nhân hiện đang có vùng trồng/sản xuất cà phê theo hướng đặc sản hoặc chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh phát triển được khoảng 1.000 ha sản xuất cà phê đặc sản với sản lượng cà phê nhân chọn lọc đáp ứng chế biến sản phẩm cà phê đặc sản đạt 530 tấn trở lên - bình quân đạt 530 kg/ha (chi tiết phân theo các huyện như phụ lục I kèm theo).

- Các vùng sản xuất cà phê đặc sản được hình thành có ít nhất 01 chuỗi liên kết sản xuất cà phê đặc sản gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định với giá trị sản phẩm cà phê đặc sản đem lại sự gia tăng ít nhất bằng 1,5 lần so với giá trị sản phẩm cà phê cùng loại sản xuất theo truyền thống thông thường.

* Giai đoạn 2026-2030

- Tiếp tục mở rộng phát triển tăng thêm về diện tích và sản lượng cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh diện tích sản xuất cà phê đặc sản dự kiến đạt khoảng 2.000 ha và sản lượng đạt 1.500 tấn trở lên - bình quân đạt khoảng 750 kg/ha, so với năm 2025 tăng gấp đôi về diện tích và tăng gần 2,83 lần về sản lượng (chi tiết phân theo các huyện như phụ lục I kèm theo).

- 100% vùng sản xuất cà phê đặc sản đều được liên kết với ít nhất 01 doanh nghiệp/hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm ổn định với giá trị sản phẩm cà phê đặc sản đem lại sự gia tăng ít nhất bằng 1,8 lần so với giá trị sản phẩm cà phê cùng loại sản xuất theo truyền thống thông thường.

- 100% vùng trồng/sản xuất cà phê đặc sản được hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm cà phê đặc sản.

- 100% sản phẩm cà phê đặc sản sản xuất trên địa bàn tỉnh của các tổ chức/cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn được hỗ trợ trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê đặc sản Đắk Nông và xúc tiến thương mại phát huy thương hiệu cà phê đặc sản.

[...]