Quyết định 1178/QĐ-BNN-TT năm 2022 phê duyệt Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1178/QĐ-BNN-TT
Ngày ban hành 31/03/2022
Ngày có hiệu lực 31/03/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Quốc Doanh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1178/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CANH CÀ PHÊ GIAI ĐOẠN 2021-2025

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định 1297/QĐ-BNN-TT ngày 29/03/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề cương, dự toán thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025”;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025, với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Tái canh cà phê góp phần cơ cấu lại ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

2. Tái canh cà phê chỉ thực hiện ở vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp theo nguyện vọng của các đối tượng trồng cà phê.

3. Tái canh cà phê phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành.

4. Tái canh cà phê phải phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của nhà nước.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê; qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê.

2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025

- Trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha.

- Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha.

- Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.

III. ĐỊNH HƯỚNG TÁI CANH CÀ PHÊ TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

1. Diện tích trồng tái canh, ghép cải tạo cà phê và tiến độ thực hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2021-2025

- Diện tích tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 tại 5 tỉnh vùng Tây Nguyên khoảng 91 nghìn ha; trong đó, trồng tái canh 64 nghìn ha, ghép cải tạo 27 nghìn ha. Chia theo từng tỉnh như sau:

+ Lâm Đồng: Tổng diện tích tái canh 36.000 ha; trong đó, trồng tái canh 15.000 ha, ghép cải tạo 21.000 ha.

+ Đắk Lắk: Tổng diện tích tái canh 24.000 ha; trong đó, trồng tái canh 23.000 ha, ghép cải tạo 1.000 ha.

+ Đắk Nông: Tổng diện tích tái canh 18.000 ha; trong đó, trồng tái canh 14.000 ha, ghép cải tạo 4.000 ha.

+ Gia Lai: Tổng diện tích tái canh 11.000 ha; trong đó, trồng tái canh 10.000 ha, ghép cải tạo 1.000 ha.

+ Kon Tum: Trồng tái canh 2.000 ha.

[...]