Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Quyết định 3982/QĐ-BYT năm 2014 phê duyệt tài liệu hướng dẫn “Kỹ năng cơ bản của Người đỡ đẻ” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 3982/QĐ-BYT
Ngày ban hành 03/10/2014
Ngày có hiệu lực 03/10/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Viết Tiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3982/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN “KỸ NĂNG CƠ BẢN CỦA NGƯỜI ĐỠ ĐẺ”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ khuyến cáo về Tiêu chuẩn năng lực cơ bản của Người đỡ đẻ có kỹ năng của 3 tổ chức: Tổ chức Y tế thế giới, Liên đoàn Sản phụ khoa quốc tế và Hiệp hội Hộ sinh quốc tế;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt tài liệu hướng dẫn “Kỹ năng cơ bản của Người đỡ đẻ” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh thanh tra Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh; Giám đốc các Học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trung cấp có đào tạo nhân lực y tế; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Website Bộ Y tế;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, BMTE.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến

 

KỸ NĂNG CƠ BẢN CỦA NGƯỜI ĐỠ ĐẺ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3982/QĐ-BYT ngày 03 tháng 10 năm 2014 của Bộ Y tế)

Người đỡ đẻ có kỹ năng là những cán bộ y tế (bác sỹ, y sĩ, hộ sinh), được đào tạo và đạt những kỹ năng cần thiết về chăm sóc trước, trong và sau sinh đối với các trường hợp đẻ thường; phát hiện và xử trí phù hợp với phân tuyến kỹ thuật hoặc chuyển tuyến những trường hợp có nguy cơ cao hoặc tai biến ở bà mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh lên tuyến cao hơn. Người đỡ đẻ có kỹ năng ở Việt Nam phải đạt được 24 kỹ năng chính sau:

Kỹ năng

Nội dung chi tiết của kỹ năng

1. Giao tiếp hiệu quả với bà mẹ trong quản lý thai nghén, trong sinh đẻ và sau đẻ

- Thực hành tốt kỹ năng giao tiếp.

- Quan tâm đến yếu tố địa lý, văn hóa, phong tục tập quán trong quá trình chăm sóc.

- Tôn trọng và khuyến khích những thói quen có lợi và hạn chế, ngăn chặn những thói quen không có lợi cho sức khỏe bà mẹ trẻ em.

2. Khám thai

- Thực hiện khám thai toàn diện: khám toàn trạng để phát hiện các bệnh lý kèm theo và khám bụng đánh giá sự phát triển của thai. Chú trọng việc theo dõi số đo chiều cao tử cung để xác định thai bình thường hay bất thường.

- Hỏi đầy đủ các nội dung về tiền sử bệnh tật, tiền sử thai nghén, diễn biến quá trình mang thai của bà mẹ một cách tâm lý và bảo đảm riêng tư.

- Ghi chép đầy đủ các nội dung khám và hỏi tiền sử của bà mẹ để theo dõi mang tính liên tục.

3. Hỗ trợ bà mẹ và gia đình lập kế hoạch cho cuộc đẻ

- Dự tính tuổi thai, ngày sinh cho bà mẹ để hỗ trợ lập kế hoạch cho cuộc đẻ phù hợp.

- Nếu phát hiện bà mẹ có nguy cơ cao trong quá trình khám thai, cần hỗ trợ bà mẹ chuyển khám thai tại tuyến y tế có thể xử trí hiệu quả nguy cơ.

- Nếu thai nghén bình thường: hướng dẫn/ hỗ trợ bà mẹ và gia đình lập kế hoạch cho cuộc đẻ khi khám thai tháng cuối, bao gồm:

+ Nơi sinh đẻ.

+ Ai sẽ ở bên bà mẹ thường xuyên khi chuyển dạ và sinh đẻ.

+ Chuẩn bị vật dụng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh (tùy theo điều kiện của nơi sinh): quần áo, cốc thìa cho trẻ uống sữa, điều kiện giữ ẩm cho mẹ và trẻ, các vật dụng khác.

+ Hướng dẫn để bà mẹ biết dấu hiệu bắt đầu chuyển dạ.

+ Hỗ trợ tâm lý cho bà mẹ: chuyển dạ đẻ là quá trình sinh lý, làm gì để giảm đau, giảm khó chịu khi chuyển dạ

+ Chuẩn bị và huy động sự hỗ trợ của cộng đồng nếu bà mẹ có nguy cơ phải chuyển tuyến: liên lạc với ai, đề nghị họ hỗ trợ gì

4. Giáo dục bà mẹ và gia đình về việc tự chăm sóc khi mang thai, sinh đẻ và sau đẻ.

- Hướng dẫn bà mẹ đến cơ sở y tế khám thai đúng lịch và khi có bất thường để được tư vấn phù hợp với tuổi thai.

- Hướng dẫn bà mẹ tự chăm sóc mình, bao gồm:

+ Dinh dưỡng;

+ Làm việc, vận động, nghỉ ngơi;

+ Vệ sinh (cơ thể, bộ phận sinh dục, vú);

+ Phòng tránh những yếu tố không có lợi: hút thuốc (chủ động và thụ động), uống rượu, dùng thuốc, môi trường làm việc và sinh hoạt có độc hại;

+ Cho con bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu;

+ Kế hoạch hóa gia đình sau sinh;

- Hướng dẫn gia đình chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh:

+ Bảo đảm môi trường tốt: không quá ồn ào, không độc hại;

+ Bảo đảm bảo dinh dưỡng tốt.

+ Không nên áp dụng những thói quen không có lợi cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

5. Phát hiện, xử trí bệnh, các yếu tố nguy cơ, các điều kiện bất lợi cho bà mẹ trong thời kỳ thai nghén.

- Phát hiện những yếu tố nguy cơ liên quan đến tiền sử bệnh tật, tiền sử thai nghén; tư vấn đầy đủ về những biến cố có thể xảy ra trong thời gian mang thai và chuyển dạ, để bà mẹ tuân thủ khám thai, theo dõi thai nghén và đẻ tại cơ sở y tế.

- Xử trí ban đầu, xử trí cấp cứu bệnh hoặc nguy cơ của bà mẹ theo quy định quốc gia về phân tuyến kỹ thuật (nếu có).

- Chuyển tuyến phù hợp, an toàn trong điều kiện của cơ sở y tế; huy động cộng đồng/ liên tuyến để chuyển tuyến kịp thời, hiệu quả.

6. Phát hiện, xử trí tiền sản giật và sản giật

- Hướng dẫn được cho bà mẹ và gia đình phát hiện một số dấu hiệu bất thường: đau đầu, mờ mắt, co giật ở mặt hoặc toàn thân và đến cơ sở y tế ngay khi có 1 trong các dấu hiệu bất thường.

- Theo dõi huyết áp thường xuyên, phát hiện sớm tăng huyết áp/ tiền sản giật/ sản giật trong quá trình thai nghén, trong chuyển dạ và sau đẻ để xử trí kịp thời theo tuyến y tế.

- Thực hiện đầy đủ các bước xử trí cơn co giật của sản giật, chú trọng sử dụng Magnesi sunfat.

- Hướng dẫn gia đình sản phụ phối hợp trong xử trí và chăm sóc bà mẹ trong quá trình xử trí.

- Huy động cộng đồng/ liên tuyến chuyển tuyến kịp thời (nếu cần).

7. Xác định chuyển dạ

- Khi khám thai tháng cuối, tư vấn cho bà mẹ các dấu hiệu khởi phát của chuyển dạ (đau bụng từng cơn; ra nhầy hồng âm đạo…) và đến cơ sở y tế kịp thời.

- Hướng dẫn bà mẹ ghi lại thời điểm bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ và thông tin cho cơ sở y tế.

8. Khám âm đạo bảo đảm an toàn cho bà mẹ và người đỡ đẻ.

- Giải thích cho bà mẹ về việc khám âm đạo để bà mẹ phối hợp trong quá trình khám.

- Chuẩn bị đầy đủ và sử dụng dụng cụ khám âm đạo vô khuẩn.

- Khám âm đạo đúng thời điểm trong cuộc chuyển dạ để tránh nhiễm khuẩn.

- Khám âm đạo nhẹ nhàng, nhận định đầy đủ các dấu hiệu của chuyển dạ: độ xóa mở của cổ tử cung, ối, ngôi thai, độ lọt, tiểu khung.

9. Theo dõi, chăm sóc bà mẹ và thai nhi trong chuyển dạ

- Theo dõi toàn trạng của bà mẹ: dấu hiệu sinh tồn, thể trạng.

- Theo dõi các dấu hiệu của chuyển dạ: cơn co tử cung, ối, độ lọt ngôi thai.

- Theo dõi tình trạng thai nhi: tim thai.

- Chăm sóc bà mẹ: ăn uống, vận động, tinh thần, vệ sinh, các biện pháp giảm đau trong chuyển dạ...

10. Ghi chép tình trạng bà mẹ và thai nhi trên Biểu đồ chuyển dạ

- Theo dõi đầy đủ diễn biến của các yếu tố trong chuyển dạ theo Biểu đồ chuyển dạ.

- Đánh giá được diễn biến của cuộc chuyển dạ qua Biểu đồ chuyển dạ.

- Khi phát hiện yếu tố nguy cơ trong chuyển dạ (ngôi bất thường/ suy thai/ ối vỡ non/ ối vỡ sớm/ cơn co tử cung bất thường, sản giật...) cần xử trí kịp thời, phù hợp với tuyến y tế.

11. Xác định và xử trí chuyển dạ đình trệ

- Xác định chuyển dạ đình trệ qua thăm khám và theo dõi sản khoa bằng biểu đồ chuyển dạ hoặc Monitoring: cơn co tử cung không hiệu quả/ đầu thai nhi không lọt/ cổ tử cung không tiến triển.

- Giải thích, động viên để bà mẹ hiểu và phối hợp với nhân viên y tế trong quá trình xử trí.

- Xử trí phù hợp theo quy định quốc gia về tuyến kỹ thuật.

- Hướng dẫn gia đình và huy động cộng đồng/ liên tuyến hỗ trợ nếu phải chuyển tuyến.

12. Đỡ đẻ thường ngôi chỏm

- Giải thích với bà mẹ về các dấu hiệu chuyển dạ và công việc người đỡ đẻ phải làm trong cuộc đẻ.

- Hướng dẫn bà mẹ phối hợp với người đỡ đẻ: Chăm sóc để giảm đau (tư thế, xoa lưng), dinh dưỡng trong chuyển dạ (uống nước ORS hoặc nước quả, uống ít một, nhiều lần); cách rặn, thời điểm rặn

- Hướng dẫn người phụ giúp đỡ đẻ: khi nào để bà mẹ nằm đầu cao, khi nào để đầu thấp

- Thống nhất việc phối hợp với người làm nhiệm vụ giảm đau cho bà mẹ (nếu có).

- Đỡ đẻ đúng lúc: cổ tử cung mở hết, đầu lọt, ối vỡ/ bấm ối.

- Đỡ đẻ đúng kỹ thuật: tôn trọng sự di chuyển của thai trong ống đẻ (lọt, xuống, quay, sổ).

- Đỡ đẻ an toàn: giữ/ cắt tầng sinh môn đúng lúc, đúng cách; đỡ thai đúng kỹ thuật; giữ trẻ chắc chắn để không rơi trẻ; đảm bảo nhiệt độ phòng để bà mẹ và trẻ sơ sinh không bị lạnh.

- Sử dụng thuốc đúng chỉ định, đúng liều dùng, đường dùng, khi thật cần thiết (thuốc tăng co tử cung, thuốc giảm co bóp tử cung, thuốc kháng sinh).

13. Xử trí tích cực giai đoạn 3 cuộc chuyển dạ

- Giải thích cho bà mẹ về các bước trong xử trí tích cực giai đoạn 3 và tác dụng của việc làm để bà mẹ phối hợp trong quá trình làm thủ thuật.

- Thực hiện kỹ thuật đúng chỉ định, đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho bà mẹ và người đỡ đẻ, bao gồm:

+ Kiểm tra chắc chắn không còn thai trong tử cung và tử cung co hồi tốt.

+ Tiêm bắp 10 đv Oxytoxin.

+ Kéo dây rau có kiểm soát (tránh lộn tử cung).

- Có phương án xử trí bất thường khi xử trí theo tuyến y tế.

14. Phát hiện, xử trí chảy máu sau đẻ.

- Theo dõi co hồi tử cung, sản dịch, mạch, huyết áp theo đúng quy định để có thể phát hiện sớm chảy máu sau đẻ.

- Đánh giá được sự co hồi tử cung của bà mẹ ngay sau đẻ và thời kỳ sau đẻ.

- Hướng dẫn bà mẹ và gia đình cách phát hiện sớm dấu hiệu chảy máu sau đẻ.

- Xác định đúng nguyên nhân chảy máu sau đẻ. Nguyên nhân thường gặp là:

+ Đờ tử cung

+ Sót rau

+ Chấn thương đường sinh dục

- Giải thích cho bà mẹ và gia đình về tầm quan trọng và công việc cần làm trong quá trình xử trí.

- Xử trí đúng phác đồ, đúng kỹ thuật, hiệu quả, an toàn từng hình thái chảy máu sau đẻ, phù hợp quy định quốc gia phân tuyến kỹ thuật.

- Hướng dẫn người nhà phối hợp với nhân viên y tế trong quá trình xử trí.

- Huy động cộng đồng/ liên tuyến trong xử trí và chuyển tuyến (nếu cần).

15. Theo dõi, chăm sóc bà mẹ thời kỳ sau đẻ

- Theo dõi bà mẹ toàn diện trong các giai đoạn của thời kỳ sau đẻ (sau đẻ 6 giờ đầu; ngày thứ nhất và những ngày sau). Chú trọng:

+ Mạch, huyết áp, nhiệt độ

+ Co hồi tử cung

+ Sản dịch

- Thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo đảm tử cung co hồi tốt sau đẻ.

- Hướng dẫn bà mẹ cách kích thích tử cung để tăng co hồi, đồng thời phát hiện bất thường của co hồi tử cung, sản dịch.

- Chăm sóc, hướng dẫn chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh phù hợp từng giai đoạn của thời kỳ sau đẻ phù hợp với văn hóa của địa phương, tôn trọng những thói quen tốt, chăm sóc mang tính cá biệt. Chú trọng dinh dưỡng; vệ sinh.

- Tư vấn cho bà mẹ và gia đình về kế hoạch hóa gia đình sau đẻ.

16. Hướng dẫn bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ

- Giải thích cho bà mẹ và gia đình để có hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

- Hướng dẫn bà mẹ và gia đình về nội dung nuôi con bằng sữa mẹ, bao gồm:

+ Cho con bú ngay sau đẻ.

+ Cho con bú đúng cách (tư thế bà mẹ, tư thế trẻ, cách ngậm bắt vú...).

+ Thời gian cho con bú.

- Hướng dẫn bà mẹ cách bảo vệ nguồn sữa mẹ.

17. Phát hiện bất thường của bà mẹ và trẻ sơ sinh trong thời kỳ sau đẻ

- Phát hiện và hướng dẫn bà mẹ tự phát hiện những dấu hiệu bất thường trong thời kỳ sau đẻ: sản giật, nhiễm khuẩn, rối loạn tâm thần...

- Phát hiện và hướng dẫn bà mẹ tự phát hiện những dấu hiệu bất thường của trẻ sơ sinh tại mắt, da, rốn, tiêu hóa, hô hấp...

- Xử trí bất thường của bà mẹ, trẻ sơ sinh kịp thời, đúng kỹ thuật, an toàn phù hợp với quy định quốc gia về phân tuyến kỹ thuật.

- Huy động cộng đồng, liên tuyến trong quá trình xử trí, chuyển tuyến (nếu cần).

18. Tư vấn về Kế hoạch hóa gia đình sau đẻ

- Tư vấn về tầm quan trọng của kế hoạch hóa gia đình sau đẻ.

- Tư vấn để bà mẹ lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp trong thời kỳ cho con bú.

- Tư vấn về thời điểm bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai.

19. Đánh giá tình trạng sơ sinh và chăm sóc sơ sinh ngay sau đẻ

- Đánh giá trẻ theo chỉ số Apgar đầy đủ, đúng thời điểm để nhận định đúng tình trạng trẻ sơ sinh ngay sau đẻ.

- Thực hiện chăm sóc sơ sinh ngay sau đẻ đầy đủ theo quy trình kỹ thuật và đảm bảo an toàn cho trẻ. Bao gồm:

+ Lau khô, giữ ấm.

+ Chăm sóc mắt, rốn.

+ Tiêm vitamin K1 ngay sau đẻ và các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định.

+ Tiếp xúc da kề da và nuôi con bằng sữa mẹ.

- Phát hiện các dị tật bẩm sinh và xử trí kịp thời, đúng quy định quốc gia về phân tuyến kỹ thuật (nếu có).

20. Hồi sức sơ sinh (Phát hiện và xử trí tình trạng đe dọa nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh)

- Xác định đúng tình trạng ngạt sơ sinh ngay sau đẻ (nếu có). Có thể đánh giá nhanh trường hợp trẻ ngạt qua quan sát màu da khi chưa đánh giá đầy đủ các chỉ số, để xử trí bất thường cho trẻ sơ sinh kịp thời, phù hợp.

- Thực hiện hồi sức sơ sinh đúng kỹ thuật, nhanh chóng, an toàn, theo quy định quốc gia về phân tuyến kỹ thuật. Bao gồm:

+ Thông đường hô hấp

+ Hỗ trợ hô hấp

+ Bảo đảm tuần hoàn tối thiểu có hiệu quả

+ Sử dụng các thuốc cần thiết

- Huy động cộng đồng, liên tuyến để chuyển tuyến kịp thời, hiệu quả (nếu cần).

21. Giáo dục người phụ nữ và gia đình họ về dự phòng nhiễm trùng đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV

- Truyền thông, tư vấn cho người phụ nữ và gia đình họ về những nguy cơ gây bệnh nhiễm trùng đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Các biện pháp phòng nhiễm trùng đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Sự cần thiết khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm /lần.

- Hướng dẫn người phụ nữ về những dấu hiệu để giúp phát hiện sớm nhiễm trùng đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục, đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

- Phát hiện và điều trị được 1 số hội chứng nhiễm trùng đường sinh sản/bệnh lây truyền qua đường tình dục theo quy định quốc gia về phân tuyến kỹ thuật.

22. Hỗ trợ những người đỡ đẻ chưa đạt tiêu chuẩn kỹ năng

- Xác định được những người làm công tác đỡ đẻ nhưng chưa có đầy đủ kỹ năng của “Người đỡ đẻ có kỹ năng” tại nơi mình làm việc.

- Xác định được kỹ năng họ thiếu hụt.

- Hỗ trợ ngay khi họ phải tham gia các công việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh.

- Lập kế hoạch hỗ trợ cho họ hoàn thiện các kỹ năng (thời gian, địa điểm, nội dung, phương pháp).

23. Thu thập, báo cáo, phân tích dữ liệu liên quan đến bà mẹ và trẻ sơ sinh

- Thu thập, báo cáo số liệu hàng tháng, quý, năm theo quy định quốc gia.

- Phân tích dữ liệu liên quan đến chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh để cải thiện quá trình chăm sóc (thực hành dựa vào bằng chứng).

24. Chia sẻ trách nhiệm; Phối hợp với đồng nghiệp, và cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

- Phối hợp với đồng nghiệp trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại cơ sở y tế: theo dõi, chăm sóc mang tính toàn diện, liên tục; bàn giao đầy đủ, cụ thể về kết quả theo dõi tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thuốc...

- Phối hợp với cộng đồng trong việc chăm sóc bà mẹ, trẻ em tại nhà, chuyển tuyến, hỗ trợ cấp cứu...

- Cung cấp thông tin cho bà mẹ và gia đình trong quá trình chăm sóc bà mẹ, trẻ em phù hợp với từng thời kỳ.