Quyết định 398/2011/QĐ-UBND quy định mức bồi dưỡng cho người được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép và chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 398/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/10/2011
Ngày có hiệu lực 06/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lại Thanh Sơn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 398/2011/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 27 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC BỒI DƯỠNG CHO NGƯỜI ĐƯỢC HUY ĐỘNG ĐỂ NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẶT PHÁ RỪNG TRÁI PHÉP VÀ CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 62/2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 04/8/2005 của Liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý sử dụng kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22/6/2007 của Liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan Kiểm lâm các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhận được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 87/TTr-SNN-KL ngày 14/10/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức bồi dưỡng cho người được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép và chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như sau:

1. Đối tượng: Những người được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép và chữa cháy rừng tại hiện trường (trừ chủ rừng) được hưởng chế độ bồi dưỡng.

2. Mức bồi dưỡng: Bình quân là 15.000 đồng/người/01giờ trực tiếp tham gia, nhưng tối đa không quá 120.000 đồng/người/ngày.

Trong trường hợp có biến động tăng hoặc giảm về giá nhân công (từ 20% trở lên) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát và thống nhất với Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

3. Trình tự, thủ tục thanh toán

a) Đại diện tổ chức, cá nhân được huy động làm đề nghị thanh toán chi bồi dưỡng kèm theo “Lệnh huy động lực lượng, phương tiện” và danh sách người tham gia gửi Hạt Kiểm lâm sở tại (trường hợp do Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã huy động lực lượng tại chỗ) hoặc Chi cục Kiểm lâm (trường hợp do Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm huy động lực lượng và phương tiện từ nơi khác đến).

b) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, Hạt Kiểm lâm sở tại hoặc Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với UBND xã nơi có rừng kiểm tra và hoàn thiện hồ sơ thanh toán tiền bồi dưỡng cho người được huy động tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép và chữa cháy rừng theo quy định.

4. Hồ sơ thanh toán, gồm 02 bộ (bản chính)

a) Giấy đề nghị thanh toán (mẫu số 01);

b) Danh sách người được huy động trực tiếp tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép và chữa cháy rừng (mẫu số 02);

c) Lệnh huy động lực lượng, phương tiện (mẫu số 03);

d) Biên bản vụ cháy (phá) rừng do cơ quan Kiểm lâm lập (mẫu số 04).

5. Nguồn kinh phí thanh toán

a) Ngân sách tỉnh: Thanh toán chi bồi dưỡng cho người được huy động theo “Lệnh huy động lực lượng, phương tiện” của Chủ tịch UBND tỉnh và của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.

b) Ngân sách huyện: Thanh toán chi bồi dưỡng cho người được huy động theo “Lệnh huy động lực lượng, phương tiện” của Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND xã.

c) Kinh phí của chủ rừng: Chủ rừng là tổ chức (các Công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp được nhà nước giao, cho thuê rừng) chi bồi dưỡng cho người được huy động tham gia ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép và chữa cháy rừng trên diện tích được giao quản lý.

6. Những nội dung khác thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 62/2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT ngày 04/8/2005 của Liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý sử dụng kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; Thông tư liên tịch số 61/2007/TTLT-BNN-BTC ngày 22/6/2007 của Liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động cơ quan Kiểm lâm các cấp; thanh toán chi phí cho các tổ chức, cá nhận được huy động để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

[...]