Chỉ thị 22/2013/CT-UBND thực hiện biện pháp ngăn chặn cháy lớn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 22/2013/CT-UBND
Ngày ban hành 31/12/2013
Ngày có hiệu lực 10/01/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22 /2013/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN CHÁY LỚN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong thời gian vừa qua, tình hình cháy, nổ trong cả nước nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo thống kê tình hình cháy, nổ năm 2013, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 598 vụ cháy và 08 vụ nổ, thiệt hại về người: chết 15 người, bị thương 26 người; về tài sản: thành tiền 80 tỷ 629 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2013 trên địa bàn Thành phố xảy ra 13 vụ cháy lớn trong khu chế xuất, khu công nghiệp và kho hàng hóa, chỉ tính riêng 04 vụ cháy lớn ước tính được thành tiền là tại: Trung tâm tiếp vận xanh số 920 Quốc lộ 1A, phường Linh Trung, Thủ Đức; Chi nhánh ngân hàng Trust Bank và công ty sáng tạo số 426-428 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3; Công ty trách nhiệm hữu hạn Cây Đa số 10/7, Bùi Văn Ba, phường Tân thuận Đông, Quận 7; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trường Hưng, 80 Ao Đội, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân và Chung cư Mỹ Đức, Phường 21, quận Bình Thạnh (74 tỷ 189 triệu đồng/80 tỷ 629 triệu đồng chiếm tỷ lệ 92%) gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Các vụ cháy lớn còn lại chưa ước tính thành tiền.

Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy lớn cụ thể là: Một bộ phận người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, cơ sở chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, không thực hiện tốt các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong sản xuất, kinh doanh; Việc phát hiện cháy của lực lượng tại chỗ không kịp thời, thông tin báo cháy chậm; Lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ hoạt động kém hiệu quả; có trường hợp tự tổ chức chữa cháy khi thấy không đủ khả năng dập tắt được đám cháy mới báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; Bên cạnh đó, mạng lưới các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Thành phố còn ít, khoảng cách từ đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đến đám cháy xa, cùng với tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố như hiện nay, đã ảnh hưởng đến thời gian tiếp cận đám cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, dẫn đến thời gian cháy tự do kéo dài, đám cháy có điều kiện phát triển lớn.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị:

1. Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:

a) Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố, gồm: Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 23 tháng 10 năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy và cứu nạn - cứu hộ trên đại bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2010 về tăng cường công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Chỉ thị số 23/2010/CT-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Chỉ thị số 19/2012/CT-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Thành phố. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình, với yêu cầu thực hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy là một trong những điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển bền vững của nền kinh tế;

b) Chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng phải tuân thủ một cách triệt để các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn phòng cháy và chữa cháy như: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 06:2010/BXD, TCVN 3890:2009, cụ thể là: Khoảng cách an toàn về phòng cháy, chữa cháy, giải pháp ngăn cháy lan, tường ngăn cháy, vật liệu chống cháy, chống cháy lan theo đường ống công nghệ, lối thoát hiểm,… Khi quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng phải tính toán hành lang cách ly ngăn chặn cháy lan, cháy lớn và phải chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng công trình phải thường xuyên kiểm tra, duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy. Thực hiện ngay việc giải tỏa phần diện tích lấn chiếm khoảng cách ngăn cháy và lối thoát nạn để sản xuất, kinh doanh;

c) Phối hợp chặt chẽ với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố rà soát thống kê và phân loại cơ sở. Trong quá trình thực hiện cần xác định rõ các nguyên nhân dẫn đến cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đối với từng loại hình cơ sở; Khảo sát thực trạng, đánh giá tình hình các khu dân cư có nguy cơ cháy cao để qua đó xây dựng quy hoạch, nâng cấp các khu nhà dễ cháy, giải tỏa thông thoáng các hẻm lấn chiếm trái phép, tạo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy chống cháy lan, mở rộng đường cho xe chữa cháy, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chữa cháy; Ở khu dân cư, cần phải đầu tư xây dựng các bể nước dự trữ chữa cháy, điểm lấy nước chữa cháy hai bên bờ kênh rạch và vận động người dân tự nguyện đóng góp kinh phí mua sắm phương tiện chữa cháy tại chỗ, từng bước xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy; Tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà cao tầng, các đơn vị cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao… phải lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy kết nối với Trung tâm thông tin chỉ huy của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh, để lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp kịp thời tiếp nhận thông tin báo cháy, điều động lực lượng tham gia chữa cháy và ngăn chặn cháy lớn;

d) Chú trọng đầu tư, trang bị các phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất hoạt động, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo chất lượng sử dụng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; Phát huy phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ”; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn cháy lớn, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế yếu kém, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy;

đ) Ủy ban nhân dân các quận, huyện phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, các Sở, ngành Thành phố, xác định vị trí xây dựng các đơn vị Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm giảm bán kính hoạt động của các đơn vị, rút ngắn thời gian xe chạy trên đường đến đám cháy, hạn chế thời gian cháy tự do của đám cháy, góp phần ngăn chặn cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Phấn đấu đến năm 2015, các Quận 5, 7, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức và huyện Hóc Môn phải xây dựng xong doanh trại và thành lập được Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;

Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường chỉ đạo các cơ sở có nguy cơ cháy cao, nhất là các khu dân cư và các cơ sở trọng điểm về kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội, đặc biệt là sân bay, bến cảng, các Tổng kho xăng dầu và có các biện pháp ngăn chặn cháy lớn tại các cơ sở này.

e) Khi phát hiện xảy ra cháy, nổ, lực lượng tại chỗ phải chủ động báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy biết qua số điện thoại 114, đồng thời huy động tối đa lực lượng, phương tiện sẵn có để chữa cháy và ngăn chặn không cho đám cháy phát triển cháy lớn. Tuyệt đối không được chủ quan tự cứu chữa đến khi đám cháy phát triển lớn vượt khỏi tầm kiểm soát mới báo cháy;

g) Lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ phải tổ chức tuần tra thường xuyên, kịp thời phát hiện cháy, huy động ngay lực lượng và phương tiện để dập tắt đám cháy ngay từ lúc mới phát sinh, không để cháy lớn. Huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy được trang bị, tổ chức chữa cháy có hiệu quả.

2. Sở Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;

b) Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất nằm trong cụm công nghiệp chủ động tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; bố trí, sắp xếp các gian hàng, kho hàng hóa hợp lý; tăng cường các giải pháp chống cháy lan; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; thường xuyên kiểm tra và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm chỉnh các quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy trong quá trình hoạt động;

Phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp xây dựng phương án chữa cháy với những tình huống xảy ra cháy lớn và tổ chức huy động lực lượng, phương tiện để xử lý.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng cháy, chữa cháy đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại các quận, huyện có rừng. Thông tin dự báo kịp thời cấp nguy cơ cháy rừng cho các chủ rừng, tổ chức và cá nhân được giao rừng biết để chủ động phòng ngừa;

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện có rừng, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố khảo sát lập kế hoạch chủ động tạo băng cản lửa chống cháy lan tại những điểm tiếp giáp giữa khu vực đồng cỏ với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

4. Tổng Công ty Điện lực Thành phố:

a) Chỉ đạo các Công ty Điện lực khu vực thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời đảm bảo cho hệ thống điện trên địa bàn Thành phố vận hành an toàn, ổn định, tin cậy; có biện pháp phòng ngừa, tránh sự cố chạm chập gây cháy, nổ.

b) Trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng và trường học tổ chức phổ biến, hướng dẫn nhân dân sử dụng điện “an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”; phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra an toàn điện ở các khu dân cư, các cơ sở sản xuất có quy mô lớn.

c) Ngắt nguồn điện khu vực cháy kịp thời đảm bảo an toàn công tác chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ.

5. Ban quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao Thành phố:

a) Phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng, duy trì các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu công nghệ cao theo thiết kế được phê duyệt phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ như: điều kiện về giao thông, nguồn nước, khoảng cách an toàn…;

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy;

[...]