Quyết định 39/2013/QĐ-UBND về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Số hiệu 39/2013/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/12/2013
Ngày có hiệu lực 13/12/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Võ Thành Hạo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2013/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 03 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ, BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG HUYỆN, ĐƯỜNG XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì đường bộ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 258/TTr-SGTVT ngày 22 tháng 11 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định công tác quản lý, bảo trì đường bộ đối với hệ thống đường huyện, đường xã (cấp AH hoặc A theo Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020); quy định việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã; quy định trách nhiệm quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã phải thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã

1. Việc quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã nhằm đảm bảo duy trì chất lượng sử dụng công trình an toàn theo thiết kế, hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư sửa chữa.

2. Công trình đường bộ sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa lớn, sửa chữa vừa phải được nghiệm thu, bàn giao, tổ chức quản lý, bảo trì. Thời gian thực hiện quản lý được tính từ ngày chủ đầu tư, chủ quản lý khai thác ký biên bản nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác. Thời gian thực hiện bảo trì được tính từ ngày chủ đầu tư, chủ quản lý khai thác ký biên bản nghiệm thu bàn giao hết thời hạn bảo hành công trình.

3. Công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã được thực hiện theo quy trình bảo trì, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức quản lý, bảo trì công trình được cơ quan có thẩm quyền công bố và các quy định hiện hành; phải đáp ứng yêu cầu duy trì chất lượng và an toàn công trình, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Điều 4. Nội dung quản lý hệ thống đường huyện, đường xã

1. Lưu trữ và quản lý khai thác hồ sơ hoàn công công trình xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất.

2. Lập hồ sơ quản lý:

a) Quản lý hồ sơ, tài liệu kỹ thuật có liên quan.

- Đối với cầu đường bộ: Gồm các tài liệu trích hồ sơ hoàn công như bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang cầu, mặt cắt địa chất, hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, hồ sơ mốc lộ giới, hồ sơ kiểm định, hồ sơ cấp phép thi công; lập sổ lý lịch cầu, cập nhật kết quả các đợt kiểm tra, các dự án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất; sổ tuần tra, kiểm tra cầu;

- Đối với đường bộ, kè bảo vệ đường bộ, cống trên đường bộ: Gồm các tài liệu trích hồ sơ hoàn công như bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang, mặt cắt địa chất, hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, hồ sơ mốc lộ giới, hồ sơ cấp phép thi công; lập bình đồ duỗi thẳng và lập các biến động về tổ chức giao thông sử dụng đất dành cho đường bộ, sổ tuần đường, cập nhật kết quả các đợt kiểm tra, các dự án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất;

- Đối với bến phà đường bộ: Gồm các tài liệu trích hồ sơ hoàn công như bình đồ (kể cả bình đồ bố trí phao tiêu, đèn tín hiệu hướng dẫn giao thông thuỷ khi đi qua khu vực bến phà), tổ chức giao thông, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang bến, hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, hồ sơ mốc lộ giới, hồ sơ cấp phép thi công; cập nhật các thay đổi về luồng, về lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông; các thay đổi về tổ chức giao thông, kết quả kiểm tra và dự án sửa chữa định kỳ.

b) Bảo quản hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ, tài liệu phải được lưu giữ, bảo quản tại các nơi lưu giữ đảm bảo đúng theo quy định; đánh ký hiệu đối với từng công trình để dễ tìm khi cần thiết; lập danh mục các hồ sơ lưu trên máy tính.

3. Kiểm tra theo dõi tình trạng hệ thống đường huyện, đường xã:

a) Các hạng mục cần được kiểm tra theo dõi: Mặt đường, hệ thống thoát nước, mái ta luy, nền đường, các công trình trên đường (cầu, cống, bến phà).

[...]