Quyết định 39/2000/QĐ-UB hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 39/2000/QĐ-UB
Ngày ban hành 21/04/2000
Ngày có hiệu lực 06/05/2000
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Vũ Đức Trung
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 39/2000/QĐ-UB

Ngày 21 Tháng 04 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC HỖ TRỢ VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

UBND TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20/5/1998;

Căn cứ Nghị quyết số 09/2000/NQ-HĐND ngày 22/01/2000 của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn;

Xét đề nghị của liên ngành Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính-Vật giá tại tờ trình số 11/LS ngày 26/1/2000,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Sử dụng Ngân sách tỉnh theo kế hoạch hàng năm để hỗ trợ cho các địa phương đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp đường giao thông nông thôn trên địa bàn trong tỉnh.

Đối tượng được Ngân sách tỉnh xem xét hỗ trợ là các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp đường giao thông do cấp xã quản lý, bao gồm các tuyến đường liên thôn và đường trục chính xã (gọi là các dự án đường GTNT)

Điều 2: Điều kiện để được xét ghi kế hoạch vốn hỗ trợ:

1. Có đầy đủ các thủ tục hồ sơ về đầu tư xây dựng:

Báo cáo đầu tư hoặc dự án nghiên cứu khả thi phù hợp với quy hoạch phát triển đường giao thông của địa phương, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán thi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Được UBND huyện đề nghị hỗ trợ vốn.

2. Có đủ các căn cứ về huy động nguồn vốn đầu tư của địa phương:

Thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến của nhân dân theo quy định tại Điều 7 Nghị định 24/1999/NQ - CP và được thể hiện bằng Nghị quyết của HĐND hoặc Quyết định của UBND xã về huy động vốn đầu tư cho dự án đường GTNT.

Các Thuyết minh về nguồn vốn huy động khác: Vốn viện trợ, ủng hộ, quyên góp, các nguồn thu khác...

Điều 3: Tổng mức hỗ trợ bằng 20% tổng giá trị khối lượng xây lắp theo dự án và thiết kế - dự toán được duyệt. Mức hỗ trợ trong năm kế hoạch tương ứng với 20% giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành nghiệm thu, nhưng không vượt quá kế hoạch vốn ghi trong thông báo của tỉnh. Đối với những xã khó khăn (theo danh sách của tỉnh) căn cứ tình hình thực tế của từng dự án được xem xét ưu tiên hỗ trợ với mức cao hơn quy định chung kể trên.

Trường hợp các dự án đường GTNT được hỗ trợ từ các nguồn vốn của các cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế, hoặc các nguồn OECF, ADB, WB... có giá trị lớn hơn mức hỗ trợ quy định trên thì Ngân sách tỉnh sẽ không hỗ trợ nữa.

Điều 4: Công tác chuẩn bị đầu tư và lập kế hoạch hỗ trợ các dự án đường GTNT:

a. Căn cứ quy hoạch phát triển đường giao thông nông thôn của địa phương hàng năm UBND các huyện, thị xã hướng dẫn các xã lập dự án đầu tư hoặc báo cáo đầu tư, thiết kế - dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/ NĐ-CP; đồng thời tổng hợp nhu cầu cho cả huyện, thị xã gửi về Sở Giao thông - Vận tải và Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 10 để tổng hợp lập dự kiến kế hoạch chung cho toàn tỉnh.

b. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính - Vật giá thống nhất và đề xuất dự kiến kế hoạch hỗ trợ cho từng dự án để UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Điều 5: Cấp phát vốn hỗ trợ các dự án đường GTNT:

a. Điều kiện để cấp phát:

Có thông báo kế hoạch vốn của tỉnh ghi trong năm kế hoạch.

Có quyết định thành lập Ban quản lý công trình và Ban giám sát công trình theo quy định tại Điều 9 + 10 - Nghị định 24/1999/NĐ-CP.

Hồ sơ nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành, phiếu giá thanh toán.

[...]