Quyết định 3836/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030

Số hiệu 3836/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/11/2021
Ngày có hiệu lực 29/11/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Ngô Thị Kim Yến
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3836/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 29 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 06 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Thông tư số 03/2021/TT-BKHCN ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 75/2021/TT-BTC ngày 9 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 38/2020/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2020 của UBND thành phố Đà Nẵng quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng;

Thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 75/TTr-SKHCN ngày 04 tháng 11 năm 2021 về việc đề nghị phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030; ý kiến biểu quyết của Thành viên Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chương trình) với các nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Cụ thể hóa các mục tiêu và nội dung Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với thành phố Đà Nẵng.

b) Đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

c) Hướng tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Nâng cao nhận thức, năng lực khai thác, quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện tuyên truyền, tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu cho khoảng 3.000 lượt người; xây dựng mỗi năm ít nhất 12 chuyên mục về sở hữu trí tuệ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Gia tăng số lượng và chất lượng tài sản trí tuệ mới của các tổ chức, cá nhân, cải thiện các chỉ số về sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố. Số lượng đơn đăng ký, văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng gia tăng (giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 1,5 lần so với giai đoạn 2016-2020). Trong đó số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 10%/năm.

- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ ít nhất 120 đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng cho các sản phẩm trên địa bàn thành phố.

- Hỗ trợ ít nhất 50% sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (sau đây viết tắt là sản phẩm OCOP); sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, làng nghề được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, mã số, mã vạch.

b) Đến năm 2030

- Nâng cao nhận thức, năng lực khai thác, quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện tuyên tuyên, tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu cho khoảng 5.000 lượt người; xây dựng mỗi năm ít nhất 12 chuyên mục về sở hữu trí tuệ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Số lượng đơn đăng ký, văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng tiếp tục gia tăng (giai đoạn 2025-2030 số lượng đơn, văn bằng tăng khoảng 1,5 lần so với giai đoạn 2021-2025). Trong đó số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 10%/năm.

- Trên 90% sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, làng nghề được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, mã số, mã vạch.

[...]