Quyết định 3779/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2030

Số hiệu 3779/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/11/2021
Ngày có hiệu lực 09/11/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Lê Ngọc Khánh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3779/QĐ-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 09 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN DU LỊCH SINH THÁI, NGHỈ DƯỠNG, GIẢI TRÍ VƯỜN QUỐC GIA CÔN ĐẢO, TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030”;

Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định quản lý rừng bền vững;

Căn cứ văn bản số 1183/TCLN-ĐDPH ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

Căn cứ Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 340/TTr-SNN ngày 20 tháng 10 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2030, có các nội dung chính như sau:

1. Tên Đề án: Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2030.

2. Tên chủ rừng: Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

3. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021-2030.

4. Mục tiêu:

- Khai thác các tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước, di tích lịch sử để phát triển du lịch sinh thái.

- Thông qua phát triển du lịch góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân và du khách các giá trị về tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của Côn Đảo để nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

- Phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch phục vụ nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học, làm phong phú thêm các hoạt động du lịch của huyện Côn Đảo.

- Tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư từ các nguồn vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển ngành du lịch Côn Đảo theo hướng bền vững.

- Nâng cao năng lực quản lý cho Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

5. Hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch và các loại sản phẩm du lịch:

a) Tài nguyên thiên nhiên

Vườn quốc gia Côn Đảo có thành phần thực vật tương đối phong phú và đa dạng với 1.077 loài thực vật bậc cao thuộc 640 chi, 160 họ. Hệ động vật rừng Côn Đảo đến nay đã ghi nhận được 155 loài, trong đó lớp thú chiếm 25 loài, chim 85 loài, bò sát 32 loài, lưỡng cư 13 loài; Hệ sinh thái biển của Vườn quốc gia Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn. Các nghiên cứu đã xác định được khoảng 1.725 loài sinh vật biển thuộc các nhóm thực vật biển, sinh vật phù du, san hô, giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác, da gai, cá rạn san hô; Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi có số lượng rùa biển lên đẻ hàng năm, nơi thực hiện việc bảo tồn và cứu hộ loài Rùa xanh (Green turle) nhiều nhất của Việt Nam và quan trọng của khu vực Đông Nam Á - Ấn Độ Dương.

[...]