ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3775/2016/QĐ-UBND
|
Thanh
Hóa, ngày 29 tháng 9
năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ KẾT HỢP VIỆN - TRƯỜNG TRONG CÔNG TÁC TỔ CHỨC
CÁN BỘ, ĐÀO TẠO, CUNG CẤP DỊCH VỤ Y TẾ, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE
NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 09/2008/TT-BYT ngày 01/8/2008 của Bộ Y tế về việc hướng
dẫn kết hợp giữa các cơ sở đào tạo cán bộ y tế với
các bệnh viện thực hành trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm
sóc sức khỏe nhân dân;
Căn cứ Thông tư số 01/2015/TT-BGDĐT ngày 15/1/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ
trường Cao đẳng;
Xét đề nghị của Trường Cao đẳng Y
tế Thanh Hóa tại Tờ trình số 325/TTr-CĐYT ngày 12 tháng 9 năm 2016, Sở Y tế tại
Công văn số 1272/SYT-TCCB ngày 7/7/2016, Sở Nội vụ tại Công văn số 781/SNV-QLCCVC ngày 20/7/2016, Sở Tư pháp tại Công văn số 1020/STP-XDVB ngày 09/8/2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế kết hợp
Viện - Trường trong công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, cung cấp dịch vụ y tế,
nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày
20/10/2016.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Y tế, Nội vụ, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo; Hiệu
trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, Giám đốc các Bệnh viện tuyến tỉnh và Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2 Quyết định;
- TTr. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế;
- Các Thành viên UBND tỉnh;
- Ban VH-XH HĐND tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- VP Tỉnh ủy, HĐND và ĐĐBQH tỉnh;
- VP UBND tỉnh, Sở Tư pháp;
- Lưu: VT, VX(2).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Đăng Quyền
|
QUY CHẾ
KẾT HỢP VIỆN - TRƯỜNG TRONG CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ, ĐÀO TẠO, CUNG CẤP
DỊCH VỤ Y TẾ, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3775/2016/QĐ-UBND ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh
Thanh Hóa)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Giải
thích một số thuật ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Viện là các cơ sở thực hành gồm:
Cơ sở thực hành chính và cơ sở thực hành khác.
2. Cơ sở thực hành chính là Bệnh viện
Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; Bệnh viện Phụ Sản và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
3. Cơ sở thực hành khác là các bệnh
viện chuyên khoa; các trung tâm y tế tuyến tỉnh; các bệnh viện đa khoa và trung
tâm y tế tuyến huyện; các trạm y tế tuyến xã; các bệnh viện
và trung tâm y tế tư nhân; các đơn vị sản xuất và kinh doanh dược - mỹ phẩm,
thiết bị vật tư y tế.
4. Trường là Trường Cao đẳng Y tế
Thanh Hóa.
Điều 2. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc kết hợp giữa
Viện với Trường trong công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, cung cấp dịch vụ y tế,
nghiên cứu, khoa học và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
2. Đối tượng áp dụng
a) Viện, Trường.
b) Các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ
chức và cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc
kết hợp Viện - Trường
1. Kết hợp Viện - Trường là sự lồng
ghép trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cơ sở đào tạo
với cơ sở thực hành nhằm hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo,
nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chỉ đạo tuyến dưới trong công
tác y tế.
2. Sử dụng tổng hợp tối đa các nguồn
lực để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và chăm
sóc sức khỏe nhân dân.
3. Đảm bảo sự bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi giữa Trường và Viện của hai bên được
giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
4. Kết hợp giữa Viện - Trường được thực
hiện thông qua văn bản thỏa thuận ký kết giữa Giám đốc Viện và Hiệu trưởng Trường
theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.
5. Yêu cầu chung về kết hợp Viện -
Trường trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ y tế phải
thể hiện trong hợp đồng trách nhiệm giữa hai đơn vị có tư cách pháp nhân; cán bộ
giảng dạy thực hành lâm sàng tại Viện phải tham gia khám chữa bệnh và chăm sóc
trực tiếp cho người bệnh.
Chương 2
NỘI DUNG KẾT HỢP
VIỆN - TRƯỜNG
Điều 4. Kết hợp,
lồng ghép công tác tổ chức cán bộ
1. Bổ nhiệm các chức danh kiêm nhiệm
giữa Viện và Trường
a) Giám đốc, Phó Giám đốc Viện được
xem xét để bổ nhiệm kiêm nhiệm Phó hiệu trưởng Trường.
b) Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường
được xem xét để bổ nhiệm kiêm nhiệm Phó Giám đốc Viện.
c) Trưởng, phó trưởng khoa của Viện
được xem xét để bổ nhiệm kiêm nhiệm trưởng, phó trưởng bộ môn của Trường.
d) Trưởng, phó trưởng các bộ môn của
Trường được xem xét để bổ nhiệm kiêm nhiệm trưởng, phó trưởng các khoa của Viện.
2. Nguyên tắc bổ nhiệm các chức danh
lãnh đạo kiêm nhiệm
a) Việc thực hiện bổ nhiệm các chức
danh lãnh đạo Viện tham gia Ban Giám hiệu hoặc Ban Giám hiệu tham gia Ban Giám
đốc Viện phải xuất phát từ nhu cầu công việc và được sự nhất
trí của lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Viện và lãnh đạo Trường. Việc bổ nhiệm các
chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm chỉ thực hiện tại các cơ sở thực hành chính.
b) Việc bổ nhiệm chức vụ kiêm nhiệm
Phó Hiệu trưởng Trường hoặc Phó Giám đốc Viện; các chức danh trưởng, phó trưởng
khoa của Viện; các chức danh trưởng, phó trưởng bộ môn của Trường phải tiến
hành theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật về công tác tổ chức cán bộ.
Điều 5. Kết hợp,
lồng ghép trong công tác đào tạo, cung cấp dịch vụ y tế và nghiên cứu khoa học
1. Kết hợp trong công tác đào tạo và
cung cấp dịch vụ y tế
a) Hàng năm, trước khi bước vào năm học
mới, Hiệu trưởng Trường có trách nhiệm thông báo với Giám đốc Viện về kế hoạch
đào tạo và những đề xuất cần phối hợp để kế hoạch đào tạo
của Trường được lồng ghép vào kế hoạch hoạt động của Viện.
Căn cứ vào kế hoạch của Trường, Viện
có trách nhiệm bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện thuận lợi
cho giảng viên Trường, cán bộ của Viện và học sinh, sinh viên tham gia giảng dạy,
học tập và phục vụ người bệnh tại Viện.
b) Tùy theo trình độ, năng lực chuyên
môn phù hợp với phạm vi hoạt động ghi trong chứng chỉ hành nghề của cán bộ giảng
dạy theo Luật khám chữa bệnh và pháp luật hiện hành, Giám đốc Viện bố trí để
cán bộ giảng dạy của Trường được trực tiếp tham gia công tác chuyên môn phù hợp
tại các khoa, phòng của Viện.
c) Giảng viên của Trường tham gia
công tác tại Viện phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Viện về thực hiện các
quy chế, chế độ quy tắc chuyên môn, nội quy và quy định của Viện theo các quy định
hiện hành.
d) Giám đốc Viện có trách nhiệm bố
trí, sắp xếp công việc để cán bộ của Viện tham gia giảng dạy cho học sinh, sinh
viên tại Trường và tại Viện. Cán bộ của Viện là giảng viên thỉnh giảng tham gia
công tác giảng dạy, chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng Trường
về các nội quy, quy chế đào tạo và được hưởng các quyền lợi
theo quy định của nhà nước và của Trường.
e) Ngoài các giảng viên thỉnh giảng, các cán bộ khác của Viện phải có trách nhiệm tham gia công
tác đào tạo, giáo dục và rèn luyện cho học sinh, sinh viên trong thời gian thực
tập tại Viện.
2. Kết hợp trong công tác nghiên cứu
khoa học
Hiệu trưởng Trường và Giám đốc Viện
có trách nhiệm tổ chức, phối hợp các đề tài nghiên cứu
khoa học trong các lĩnh vực chuyên môn liên quan với nhau nhằm phát huy tối đa
các nguồn lực sẵn có của hai đơn vị để tiến hành nâng cao chất lượng các công
trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tế để nâng cao chất lượng đào tạo
cán bộ của Trường và áp dụng vào thực tế lâm sàng để nâng cao các dịch vụ y tế
phục vụ chăm sóc bệnh nhân tại Viện.
3. Kết hợp trong sử dụng và quản lý
trang thiết bị
Hiệu trưởng Trường và Giám đốc Viện
có kế hoạch sử dụng tối đa công suất các trang thiết bị hiện có của hai đơn vị
trong công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân
dân.
Trong quá trình sử dụng trang thiết bị
tại Viện hoặc tại Trường phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của người có trách nhiệm
được giao quản lý, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nếu để xảy ra hư hỏng, mất mát do
lỗi cá nhân thì phải bồi thường.
4. Kết hợp trong công tác chỉ đạo tuyến
dưới
Hiệu trưởng Trường và Giám đốc Viện
cùng có trách nhiệm tham gia các hoạt động bảo vệ và chăm
sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cụ thể
là tham gia chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật, phòng chống
dịch bệnh và tham gia các chương trình y tế ở cộng đồng... phối hợp tổ chức tốt
các đợt đi thực tập, nghiên cứu thực tế cho học sinh, sinh
viên.
Chương 3
TRÁCH NHIỆM VÀ
QUYỀN LỢI KHI THỰC HIỆN KẾT HỢP VIỆN - TRƯỜNG
Điều 6. Trách nhiệm
của Trường
1. Căn cứ tiêu chuẩn giảng viên thỉnh
giảng, Trường thông báo để Viện giới thiệu cán bộ của Viện cho Hiệu trưởng Trường
ra Quyết định công nhận giảng viên thỉnh giảng, đảm bảo số lượng và bố trí kế
hoạch giảng dạy theo quy định tại Điều 5 Quy chế này.
2. Xây dựng quy chế làm việc của giảng
viên thỉnh giảng và tạo điều kiện cho các giảng viên thỉnh giảng làm việc tại
Trường.
3. Ban hành quy định sử dụng các cơ sở
vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện kết hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường với
Viện và các đơn vị khác có liên quan.
4. Lựa chọn giảng viên có năng lực
chuyên môn, đủ điều kiện theo quy định để Giám đốc các cơ sở thực hành chính bố
trí làm việc tại các khoa, phòng tham gia công tác khám, điều trị cho bệnh
nhân.
Điều 7. Trách nhiệm
của Sở Y tế và Viện
1. Lựa chọn giới
thiệu cán bộ có năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm y
học tham gia giảng dạy tại Trường theo tiêu chuẩn giảng viên thỉnh giảng.
2. Xây dựng quy chế, quy định trách
nhiệm và tạo điều kiện để các giảng viên, học sinh sinh viên của Trường đến thực
tập, thực nghiệm và nghiên cứu tại Viện.
3. Ban hành quy định sử dụng các cơ sở
vật chất và trang thiết bị cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu thực hiện kết
hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học của Viện với Trường và
các đơn vị khác có liên quan.
Điều 8. Các chế độ
chính sách
1. Hàng năm, Viện phối hợp với Trường
xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Viện phù hợp với
quá trình phát triển và yêu cầu đào tạo của Trường. Những cơ sở thực hành
chính, khi xây dựng, sửa chữa nhất thiết phải bố trí giảng đường, phòng dành
cho cán bộ giảng dạy và sinh viên, học sinh thực tập.
2. Cán bộ quản lý Trường tham gia
công tác quản lý tại các khoa, phòng của Viện được hưởng các chế độ phụ cấp (nếu
có) tương đương với định mức cán bộ cùng ngạch bậc của Viện và do Viện chi trả
theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra, các phụ cấp khác như trực,
phẫu thuật, tiểu phẫu thuật, phòng chống dịch... do Viện chi trả theo quy định
hiện hành.
3. Cán bộ của Viện tham gia công tác
quản lý, giảng dạy tại Trường được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước
và của Trường và do Trường chi trả. Các cán bộ của Viện tham gia công tác đào tạo,
nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được cơ sở đào tạo đề nghị phong chức danh học hàm theo
quy định của Nhà nước.
4. Nguồn kinh phí thực hiện kết hợp
Viện - Trường được đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của Trường và của Viện.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 9. Tổ chức
thực hiện
1. Trên cơ sở các quy định của Quy chế
này, hàng năm vào đầu năm học lãnh đạo Trường và lãnh đạo Viện xây dựng kế hoạch
cụ thể, chi tiết thông qua hợp đồng trách nhiệm để cùng nhau thực hiện tốt việc
giảng dạy, thực tập của học sinh, sinh viên, nghiên cứu khoa học và phục vụ người
bệnh.
2. Trường, Viện có trách nhiệm tổ chức
thực hiện tốt, có hiệu quả Quy chế kết hợp Viện- Trường; định kỳ hằng năm, báo
cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện.
3. Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với
Sở Tài chính, Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
các đơn vị triển khai thực hiện Quy chế kết hợp Viện - Trường,
đảm bảo thiết thực, hiệu quả và đúng quy định.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu
có khó khăn, vướng mắc các đơn vị kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều
chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.