Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 37/2016/QĐ-UBND quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi (nuôi trồng thủy sản) phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Nam Định

Số hiệu 37/2016/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/09/2016
Ngày có hiệu lực 30/09/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Phạm Đình Nghị
Lĩnh vực Bất động sản,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2016/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 20 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐƠN GIÁ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI (NUÔI TRỒNG THỦY SẢN) PHỤC VỤ CÔNG TÁC GPMB TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai số 13/2013/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và Báo cáo thẩm định số 138/BC-STP ngày 30/8/2016 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi (nuôi trồng thủy sản) phục vụ công tác GPMB trên địa bàn tỉnh Nam Định;

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; Thay thế Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 11/4/2013 của UBND tỉnh;

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Như­ Điều 3;
- Website tỉnh, công báo tỉnh;
- L­ưu: Vp1, Vp6, Vp5 (TDT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Đình Nghị

 

QUY ĐỊNH

ĐƠN GIÁ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI (NUÔI TRỒNG THỦY SẢN) PHỤC VỤ CÔNG TÁC GPMB TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh Nam Định)

Phần thứ nhất

NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG HỖ TRỢ

I. Đối với cây trồng:

1. Mức bồi thường đối với cây trồng hàng năm bằng giá trị sản lượng thu hoạch của một vụ thu hoạch, giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất cao nhất trong ba năm trước liền kề, của cây trồng chính tại địa phương theo thời giá trung bình của nông sản cùng loại ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất.

2. Mức bồi thường đối với cây trồng lâu năm (cây lâu năm bao gồm cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây lấy lá) khi nhà nước thu hồi được bồi thường theo giá trị hiện có của vườn cây (không bao hàm giá trị quyền sử dụng đất). Giá trị hiện có của vườn cây lâu năm để tính bồi thường xác định như sau:

a. Cây trồng đang ở chu kỳ đầu tư hoặc đang ở thời kỳ xây dựng cơ bản thì giá trị hiện có của vườn cây là toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu và chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất tính thành tiền theo thời giá thị trường tại địa phương.

b. Cây lâu năm loại thu hoạch một lần (cây lấy gỗ) đang ở thời kỳ thu hoạch thì giá trị hiện có của vườn cây được tính bồi thường bằng số lượng từng loại cây trồng nhân với giá bán một cây tương ứng cùng loại, độ tuổi, kích thước hoặc có cùng khả năng cho sản phẩm ở thị trường địa phương tại thời điểm bồi thường trừ giá trị thu hồi (nếu có).

c. Cây lâu năm loại thu hoạch nhiều lần (cây ăn quả, cây lấy dầu, nhựa...) đang ở thời kỳ thu hoạch thì giá trị hiện có của vườn cây được tính bồi thường là: giá bán vườn cây ở thị trường địa phương tại thời điểm bồi thường trừ giá trị thu hồi (nếu có).

d. Đối với cây lâu năm giá trị từng loại cây được xác định chủ yếu bằng đường kính thân và chiều cao đối với cây sinh trưởng bình thường theo nguyên tắc:

- Đường kính thân cây được đo tại vị trí thân ổn định trên mặt đất ít nhất 20cm. Đối với cây một gốc có nhiều nhánh thì lấy nhánh có đường kính thân lớn nhất để tính cho cây đó.

- Chiều cao cây được tính từ gốc trên mặt đất theo thân chính đến chạc đôi, chạc ba cao nhất. Đối với cây có chạc lá là bẹ như dừa, cau... thì độ cao cây tính từ mặt đất đến bẹ gần nhất.

[...]