QUYẾT
ĐỊNH
V/V QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ, ĐỊNH MỨC CHI TIÊU TÀI CHÍNH PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC
CẤP TẠI TỈNH LÂM ĐỒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 1157/NQ-UBTVQH11 ngày 10/7/2007 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục
vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội;
Căn cứ Thông tư số 127/2007/TT-BTC ngày 31/10/2007 của Bộ
Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 và
Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết số 85/2007/NQ-HĐND ngày 05/12/2007 của
HĐND tỉnh Lâm Đồng khoá VII, kỳ họp thứ 10 về việc quy định chế độ, định mức
chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của HĐND các cấp tại tỉnh Lâm Đồng; Văn bản
số 566/TT.HĐND ngày 12/8/2008 của Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng về việc thống
nhất chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của HĐND các cấp;
Theo đề nghị của Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động
của HĐND các cấp tại tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau:
I. Mức chi đối với HĐND cấp tỉnh:
1. Chi tổ chức lấy ý kiến tham gia các dự án luật, pháp lệnh
và văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên:
a) Chi cho cá nhân dự họp góp ý vào đề án, dự thảo nghị quyết:
- Viết bài tham luận: 100.000 đồng/bài;
- Bồi dưỡng người chủ trì cuộc họp: 70.000 đồng/buổi;
- Bồi dưỡng cho đại biểu dự họp: 30.000 đồng/người/buổi;
- Bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức phục vụ:
20.000 đồng/người/buổi.
b) Chi viết báo cáo tổng hợp ý kiện tham gia các dự án luật,
pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên: mức chi tối đa không quá:
200.000 đồng.
2. Chi cho công tác giám sát:
Bao gồm chi xây dựng nội dung, tổ chức đoàn đi, báo cáo kết
quả giám sát Ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định hiện hành, mức
chi bồi dưỡng cho đại biểu HĐND, cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ
đoàn giám sát như sau:
a) Chi xây dựng các văn bản:
- Chi cho việc xây dựng quyết định thành lập đoàn giám sát,
kế hoạch giám sát, nội dung giám sát, mức chi tối đa không quá 200.000 đồng/văn
bản/đợt giám sát;
- Chi xin ý kiến các thành viên của đoàn giám sát và các đồng
chí lãnh đạo có liên quan, tùy nội dung của văn bản mức chi tối đa không quá
50.000 đồng/người/lần do Trưởng đoàn quyết định;
- Xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả giám sát mức chi tối đa
không quá 500.000 đồng/báo cáo.
b) Bồi dưỡng đoàn giám sát:
- Trưởng đoàn giám sát: 50.000 đồng/người/ngày;
- Thành viên chính thức: 35.000 đồng/người/ngày;
- Cán bộ, công chức, viên chức phục vụ đoàn giám sát:
20.000 đồng/người/ngày.
c) Chi tổ chức cuộc họp:
- Bồi dưỡng người chủ trì cuộc họp: 50.000 đồng/người/buổi;
- Bồi dưỡng thành viên tham dự: 35.000 đồng/người/buổi;
- Cán bộ, công chức, viên chức phục vụ đoàn giám sát:
20.000 đồng/người/buổi;
d) Mức chi cho các đoàn khảo sát bằng 1/2 mức chi cho đoàn
giám sát;
đ) Những khoản chi khác do trưởng đoàn giám sát quyết định.
3. Chi tiếp xúc cử tri theo chương trình:
a) Nhằm trang trải các chi phí cần thiết tại mỗi điểm tiếp
xúc cử tri như trang trí, thuê địa điểm, nước uống, bảo vệ, . . .mức hỗ trợ cho
mỗi xã tổ chức điểm tiếp xúc cử tri tối đa không quá 300.000 đồng/điểm;
b) Ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định hiện
hành, mức chi bồi dưỡng cho đại biểu HĐND, đại diện chính quyền, tổ chức, cán bộ,
công chức, viên chức tham gia phục vụ đoàn như sau:
- Đại biểu HĐND, đại điện chính quyền, tổ chức: 50.000 đồng/buổi/người;
Cán bộ, công chức, viên chức phục vụ, phóng viên báo đài
30.000 đồng/buổi/người;
- Bồi dưỡng viết báo cáo tiếp xúc cử tri: 200.000 đồng/báo
cáo.
4. Chi bồi dưỡng khi tham gia tiếp dân tại trụ sở tiếp dân:
- Đại biểu HĐND, đại diện lãnh đạo cơ quan liên quan được
phân công tiếp dân: 50.000 đồng/người/buổi;
- Cán bộ, công chức trực tiếp phục vụ đại biểu HĐND tiếp
dân: 25.000 đồng/người/buổi;
- Cán bộ, công chức gián tiếp phục vụ đại biểu HĐND tiếp
dân: 20.000 đồng/người/buổi;
- Bồi dưỡng viết báo cáo kết quả tiếp công dân: 150.000 đồng/văn
bản.
5. Chế độ chi trang phục đối với đại biểu HĐND:
Mỗi nhiệm kỳ HĐND, mỗi đại biểu HĐND được cấp tiền may 02 bộ
trang phục với mức chi 2.000.000 đồng/bộ.
6. Chế độ chi tiêu kỳ họp HĐND, hội nghị tổng kết nhiệm kỳ
HĐND:
a) Chế độ đối với Đại biểu HĐND dự kỳ họp:
Ngoài chế độ ăn, ở vận dụng theo mức chi ăn, ở theo quy định
của chế độ hội nghị, công tác phí hiện hành, chế độ bồi dưỡng và phụ cấp cho đại
biểu HĐND như sau:
- Chế độ bồi dưỡng cho đại biểu HĐND trong những ngày đại
biểu HĐND dự họp: 50.000 đồng/ngày/đại biểu;
- Chế độ phụ cấp ngày làm việc trong ngày nghỉ, ngày lễ: Đại
biểu HĐND họp vào ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ được phụ cấp 100.000 đồng/ngày/đại
biểu.
b) Chế độ đối với khách mời:
Khách mời dự họp theo giấy mời của Thường trực HĐND tỉnh được
thanh toán theo ngày thực tế dự họp các chế độ sau:
- Khách mời là đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ
và các Bộ, ngành; cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và lãnh đạo các cơ quan, tổ
chức cấp tỉnh không phải là đại biểu HĐND tỉnh: được bồi dưỡng 50.000 đồng/người/ngày;
- Khách mời là đại diện Thường trực HĐND và UBND cấp huyện
và đại biểu khác được bố trí ăn, ở như đại biểu HĐND trong thời gian dự họp.
c) Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, nhân viên phục vụ kỳ họp
HĐND. Mức chi bồi dưỡng:
- Cán bộ, nhân viên phục vụ trực tiếp: 50.000 đồng/người/ngày;
- Cán bộ, nhân viên phục vụ gián tiếp: 25.000 đồng/người/ngày.
II. Mức chi đối với HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã:
Ngoài các nội dung chi tại điểm 1 mục I nêu trên thuộc nhiệm
vụ chi của HĐND cấp tỉnh, các nội dung còn lại của mục I, HĐND cấp huyện, cấp
xã tuỳ theo điều kiện thực tế và khả năng ngân sách của địa phương có thể vận dụng
chi theo các nội dung trên với mức chi tối đa như sau:
- Đối với HĐND cấp huyện: mức chi tối đa không quá 70% mức
chi của HĐND cấp tỉnh.
- Đối với HĐND cấp xã: mức chi tối đa không quá 70% mức chi
của HĐND cấp huyện.
III. Nguồn kinh phí thực hiện: từ nguồn kinh phí giao không thực hiện tự chủ và phải có
trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các chế độ khác về hoạt
động của HĐND không quy định trong quy định này được thực hiện theo các quy định
hiện hành của Nhà nước.
Điều 2. Giao Sở Tài chính hướng dẫn, kiểm
tra và giám sát quá trình thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10
ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ
quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./-