Quyết định 37/1998/QĐ-TTg về một số biện pháp quản lý ngoại tệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 37/1998/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 14/02/1998 |
Ngày có hiệu lực | 16/02/1998 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/1998/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 14 tháng 2 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NGOẠI TỆ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 396/TTg
ngày 04 tháng 8 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ và những quy định khác có liên
quan về quản lý ngoại tệ, ngoại hối phù hợp với tình hình mới;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công ty, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam (sau đây gọi là Tổ chức kinh tế), có nguồn thu ngoại tệ từ bán hàng hóa và dịch vụ, phải chuyển ngay toàn bộ số ngoại tệ thu được vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình mở tại các Tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ tại Việt Nam.
Tổ chức kinh tế được phép mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài, được để lại trên tài khoản một mức ngoại tệ theo quy định khi cho phép mở tài khoản của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 2. Tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính - sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam chỉ được phép mở một tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại một Tổ chức tín dụng hoạt động ở Việt Nam; trường hợp các đối tượng trên có nhu cầu cần thiết mở thêm tài khoản ngoại tệ phải được phép của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính - sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam có chi nhánh hoặc đơn vị trực thuộc hoạt động ở địa phương khác, nếu có nhu cầu thì mỗi chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng được mở một tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại một chi nhánh của Tổ chức tín dụng, nhưng các chi nhánh của Tổ chức tín dụng phải cùng hệ thống; nếu trên địa bàn không có chi nhánh của Tổ chức tín dụng cùng hệ thống mới được mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ ở Tổ chức tín dụng khác và phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.
Việc tất toán (đóng) các tài khoản ngoại tệ đã mở trước đây để tập trung về một tài khoản tiền gửi ngoại tệ (hoặc mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ mới) theo quy định tại điều này phải hoàn tất chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 năm 1998 và phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước trước ngày 15 tháng 4 năm 1998 tên Tổ chức tín dụng mở tài khoản, số hiệu tài khoản đã mở.
Việc mở tài khoản ngoại tệ thuộc vốn chuyên dùng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Điều 3. Các tổ chức kinh tế (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ) được sử dụng số dư ngoại tệ trên tài khoản vào ngày cuối tháng để đáp ứng nhu cầu chi ngoại tệ hợp lý cho tháng tới. Số dư ngoại tệ còn lại phải bán hết cho các Tổ chức tín dụng. Nhu cầu chi ngoại tệ được xác định trên cơ sở tổng số các khoản chi ngoại tệ trong tháng tiếp theo trừ đi phần ngoại tệ được Tổ chức tín dụng cân đối qua hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn.
Điều 4. Các cơ quan hành chính - sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam có nguồn thu ngoại tệ phải bán ngay toàn bộ số ngoại tệ đó cho các Tổ chức tín dụng. Việc bán ngoại tệ thực hiện phù hợp với nội dung quy định tại điểm (b) Điều 5 của Quyết định này.
Điều 5. Số dư ngoại tệ trên tài khoản của các đối tượng nói ở Điều 3 và Điều 4 trên đây ở các Tổ chức tín dụng tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực được xử lý như sau:
Điều 6. Việc bán ngoại tệ nói tại các Điều 3, Điều 4 và Điều 5 của Quyết định này không áp dụng đối với nguồn ngoại tệ thu được từ góp vốn pháp định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay của các tổ chức kinh tế. Việc sử dụng ngoại tệ thuộc các nguồn vốn này phải tuân thủ quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Điều 7. Khi có nhu cầu chi ngoại tệ trong tương lai để thanh toán cho các giao dịch phù hợp với quy định quản lý ngoại hối, các tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính - sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam có quyền được ký hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn với Tổ chức tín dụng theo tỷ giá trong biên độ do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Các đối tượng nói tại Điều này đã bán ngoại tệ cho Tổ chức tín dụng, trong thời gian 6 tháng khi có nhu cầu chi trả cho các giao dịch phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối, được quyền mua lại tại Tổ chức tín dụng đó số ngoại tệ tối thiểu tương ứng với số ngoại tệ đã bán.
Việc mua, bán ngoại tệ tại các Tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định hiện hành về giao dịch giao ngay; giao dịch kỳ hạn và giao dịch hoán đổi. Thời hạn của giao dịch kỳ hạn và hoán đổi tối đa là 6 tháng.
Điều 8. Các Tổ chức tín dụng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu hợp lý về ngoại tệ của tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính - sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam, đồng thời phải thực hiện đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước về trạng thái ngoại tệ, trạng thái đồng Việt Nam và tỷ giá mua bán ngoại tệ.
Điều 9. Các Tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính - sự nghiệp và Tổ chức chính trị - xã hội phải thực hiện triệt để tiết kiệm chi tiêu ngoại tệ. Việc sử dụng ngoại tệ phải ưu tiên cho các mục đích nhập khẩu thiết bị cho đầu tư phát triển, vật tư thiết yếu và trả nợ nước ngoài.
Điều 10. Nghiêm cấm mọi hoạt động mua bán trái phép, đầu cơ buôn lậu vàng và ngoại tệ.
Điều 11. Mọi tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của Quyết định này tùy mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành về xử phạt hành chính như : phạt tiền đình chỉ nghiệp vụ, rút giấy phép hoạt động... trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy tố theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 02 năm 1998.
Điều 13. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 14. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.