Quyết định 3678/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Kế hoạch khuyến công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Số hiệu 3678/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2020
Ngày có hiệu lực 31/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Khắc Thận
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3678/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH KHUYẾN CÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Công Thương: Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 20/2017/TT-BCT ngày 29/9/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012;

Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công;

Căn cứ Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 02/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc ban hành Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 71/TTr-SCT ngày 04/12/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch khuyến công giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, với nội dung chủ yếu sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Động viên, huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đu tư vào sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp và góp phần xây dựng nông thôn mới.

- Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Yêu cầu

- Hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

- Các đề án hỗ trợ khuyến công phải có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn, phù hợp với chiến lược, quy hoạch tỉnh.

- Nội dung nhiệm vụ, đề án phải phù hợp với quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ. Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí khuyến công phải bố trí đủ kinh phí thực hiện đề án và cam kết chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước cho cùng một nội dung chi được kinh phí khuyến công hỗ trợ.

II. Nội dung khuyến công

1. Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động.

Dự kiến mỗi năm tổ chức từ 10 - 12 lớp đào tạo khôi phục nghề truyền thống, đào tạo nghề mới cho lao động nông thôn (mỗi lớp 35 - 40 học viên).

2. Tổ chức hội nghị, tập huấn để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn điện, nâng cao năng lực quản lý cơ sở công nghiệp nông thôn và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp.

- Tổ chức 04 hội nghị tập huấn để nâng cao năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

- Tổ chức 04 hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

[...]