BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 367/QĐ-BTTTT
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 3 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG BỆNH CÚM GIA CẦM, GIAI
ĐOẠN 2019 - 2025
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền
thông;
Căn cứ Quyết định số 172/QĐ-TTg
ngày 13 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch
quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục
Thông tin cơ sở,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tuyên
truyền phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025.
Điều 2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài
chính, Cục trưởng các Cục: Thông tin cơ sở, Báo chí, Phát thanh, truyền hình và
thông tin điện tử và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo;
- Sở TT&TT các tỉnh, TP trực thuộc TW (để thực hiện);
- Các cơ quan báo chí TW và địa phương (để thực hiện);
- Lưu: VT, TTCS, BH(360).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Vĩnh Bảo
|
KẾ HOẠCH
TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG BỆNH CÚM GIA CẦM, GIAI ĐOẠN 2019 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 367/QĐ-BTTTT ngày 26/3/2019 của Bộ trưởng Bộ
Thông tin và Truyền thông)
Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng
Kế hoạch tuyên truyền phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025 như
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả
hệ thống chính trị tham gia hoạt động tuyên truyền phòng, chống bệnh Cúm gia cầm
nhằm thực hiện tốt Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày
13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống
bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025.
2. Nâng cao trách nhiệm của mỗi
cá nhân, từng hộ gia đình, cơ sở sản xuất gia cầm, sản phẩm gia cầm
về việc phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, góp phần giảm thiểu
tác động tiêu cực của Cúm gia cầm đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực
và các hoạt động thương mại của Việt Nam, giảm thiểu hoặc không để phát sinh
các ca bệnh Cúm gia cầm ở người do nhiễm các chủng vi rút cúm nguy hiểm (H5 và
H7).
3. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành
vi, vận động người dân tự giác thông báo cho chính quyền cơ sở khi phát hiện
gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh Cúm gia cầm, giảm thiểu các hành vi làm
dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh để có biện pháp phòng,
chống dịch bệnh.
4. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về việc phòng, chống bệnh Cúm gia cầm bằng nhiều hình thức
truyền thông phong phú, đa dạng, phù hợp với trình độ dân trí của từng nhóm đối
tượng, từng vùng, miền, nhất là các vùng, các cơ sở chăn nuôi gia cầm, chế biến
sản phẩm gia cầm và nơi công cộng (chợ, nơi hội họp ở
thôn, xã).
II. NỘI DUNG THÔNG TIN VÀ PHƯƠNG
THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Nội dung
thông tin
- Các quy định, hướng dẫn của Nhà nước
về Cúm gia cầm.
- Tình hình dịch bệnh, nguy cơ tái
phát trên diện rộng, nguy cơ lây truyền qua vận chuyển gia cầm qua biên giới; đặc
điểm dịch tễ; các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm,
biện pháp vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm; các yếu tố nguy cơ của việc
sử dụng gia cầm không qua kiểm duyệt, không rõ nguồn gốc;
các biện pháp chủ động ngăn chặn sự xâm nhập vi rút cúm gia cầm vào nước ta
cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống chủ động tránh lây truyền sang
người, hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm và tử vong cho người, đảm bảo an sinh -
xã hội; các khuyến cáo phòng, chống cúm gia cầm.
- Thông tin Danh sách các huyện, vùng
nguy cơ (cao, thấp) về Cúm gia cầm theo từng thời kỳ.
2. Phương thức
tuyên truyền
2.1. Truyền thông trên báo chí
Các cơ quan thông tấn, báo chí từ
Trung ương đến địa phương, bao gồm: Báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử và tạp
chí chuyên ngành tích cực tham gia thông tin, tuyên truyền phòng, chống bệnh
Cúm gia cầm bằng các tin, bài, các ký sự, phóng sự chuyên đề, các chương trình
phỏng vấn, tọa đàm, thông điệp...
Các cơ quan thông tấn, báo chí phải
xác định đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của
đơn vị; hằng năm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch
tuyên truyền cụ thể; tổ chức thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác các nội
dung về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm.
2.2. Truyền thông xã hội
Xây dựng các chuyên đề, các nội dung
thông tin trên các diễn đàn mạng xã hội có số lượng thành viên đông đảo, được
nhiều người quan tâm và theo dõi.
2.3. Truyền thông trên hệ thống cơ sở
truyền thanh - truyền hình cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở
Hình thức truyền thông ở cơ sở thông
qua các chương trình phát thanh trên hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình
cấp huyện, hệ thống đài truyền thanh cấp xã; thông tin trên các bảng tin, cụm
pano cổ động của địa phương; các băng - rôn treo trên các tuyến đường, nơi tụ điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người
dân; các tài liệu tuyên truyền đặt tại các tủ sách pháp luật của xã, phường, thị
trấn, điểm bưu điện - văn hóa xã; xây dựng nội dung thông tin, in ấn tờ rời, tờ
gấp cung cấp cho người chăn nuôi, thông tin trên các bảng tin công cộng; tổ chức
các hoạt động thông tin, tuyên truyền lưu động ở cơ sở; tuyên truyền, vận động
thông qua các báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở.
2.4. Truyền thông thông qua các hội
nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề, các cuộc tọa đàm, giao lưu trực tuyến, tổ
chức các sự kiện...
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Cục Thông
tin cơ sở
- Phối hợp với các đơn vị chức năng của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cung cấp các tài liệu tuyên truyền
về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm.
- Chỉ đạo, định hướng công tác thông
tin, tuyên truyền; cung cấp tài liệu tuyên truyền về phòng, chống bệnh Cúm gia
cầm cho hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và hệ thống thông
tin cơ sở trên toàn quốc.
- Triển khai thực hiện các hoạt động
tuyên truyền về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên hệ thống cơ sở truyền thanh
- truyền hình cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý
báo chí ở địa phương, hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, cán
bộ đài truyền thanh cấp xã, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở.
- Kiểm tra việc thực hiện công tác
thông tin, tuyên truyền phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên hệ thống truyền
thanh - truyền hình cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở. Tổng hợp báo cáo việc
thực hiện công tác tuyên truyền khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Cục Báo chí,
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí thông
tin, tuyên truyền về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm; khi xảy ra dịch Cúm gia cầm,
chủ động cung cấp thông tin cho báo chí phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.
- Triển khai thực hiện các hoạt động
tuyên truyền về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên báo chí.
- Cung cấp thông tin tại giao ban báo
chí định kỳ do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà
báo Việt Nam tổ chức.
- Cục Phát thanh, truyền hình và
thông tin điện tử chỉ đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin điện tử
triển khai tuyên truyền về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên các
diễn đàn mạng xã hội.
- Thực hiện báo cáo công tác tuyên
truyền khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Các cơ quan
báo chí
- Chủ động thông tin, tuyên truyền về
nguy cơ xảy ra ổ dịch Cúm gia cầm; tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao
nhận thức, thay đổi hành vi, không sử dụng gia cầm không
rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; vận động người dân tự giác
báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh,
giảm thiểu các hành vi làm dịch phát sinh và lây lan dịch
bệnh; thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn
nuôi an toàn sinh học; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt tác
nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi...
- Tuyên truyền phê phán, lên án các
hoạt động buôn bán vận chuyển lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm gây nguy hại đối với
sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và nền kinh tế.
- Tăng diện tích và thời lượng, tần
suất thông tin về các vấn đề liên quan đến dịch Cúm gia cầm
trên báo chí.
4. Sở Thông tin
và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Chỉ đạo các cơ quan báo chí địa
phương, cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã
xây dựng và nâng cao chất lượng các tin, bài, tuyên truyền về phòng, chống
bệnh Cúm gia cầm.
Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin cấp
huyện tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch thông tin,
tuyên truyền trên địa bàn; tăng cường sử dụng các hình thức thông tin, tuyên
truyền trực quan như: Treo băng rôn, pano, áp phích; tổ chức các đội truyền
thông lưu động, phát tờ rời, thông báo trên bảng tin tại các cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp, trường học, khu dân cư.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các sở, ngành liên
quan chủ động cung cấp thông tin hoặc mời các chuyên gia về dịch Cúm gia cầm đến
cung cấp thông tin tại giao ban báo chí định kỳ ở địa phương.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo, Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp hướng
dẫn lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở lồng ghép nội dung về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trong hoạt động tuyên
truyền miệng tại các buổi sinh hoạt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ dân phố,
khu dân cư...
Kiểm tra, đôn đốc công tác thông tin,
tuyên truyền về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm của địa phương theo quy định. Thực
hiện báo cáo công tác tuyên truyền dịch Cúm gia cầm khi có yêu cầu của cơ quan
có thẩm quyền.
IV. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống
bệnh Cúm gia cầm được bố trí trong tổng kinh
phí thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao phân bổ cho các đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ
vào điều kiện thực tế, xây dựng dự toán kinh phí hoạt động, triển khai thực hiện
Kế hoạch, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị
mình theo quy định hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước để chủ động nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền
theo kế hoạch./.