Quyết định 358/QĐ-BTP năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 358/QĐ-BTP
Ngày ban hành 06/03/2012
Ngày có hiệu lực 06/03/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 358/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NGÀNH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2020 như sau:

I. Quan điểm phát triển nhân lực

1. Phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp là một bộ phận không thể tách rời trong phát triển nguồn nhân lực của đất nước, có tính chiến lược lâu dài và thường xuyên, liên tục gắn liền với việc bố trí, sử dụng; Phát triển nhân lực ngành Tư pháp phải đặt trong mối quan hệ hài hòa với phát triển nguồn nhân lực của các ngành, các cấp và địa phương.

2. Phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp phải xuất phát từ thực tiễn gắn với việc thực hiện chiến lược phát triển toàn Ngành đến năm 2020, là khâu đột phá phát triển ngành Tư pháp, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân và chủ động hội nhập quốc tế. Phát triển nhân lực ngành Tư pháp bảo đảm phát huy tối đa thế mạnh của từng cơ quan, đơn vị và địa phương; bảo đảm cân đối, hài hóa giữa các vùng, miền trong toàn quốc; phải bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, toàn diện, khả thi, kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực công chức, viên chức ngành Tư pháp hiện có, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

3. Phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước; là quyền lợi và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong ngành Tư pháp.

Phát triển nhân lực ngành Tư pháp phải bám sát các Nghị quyết, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2011 - 2020 như: Văn kiện Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

II. Mục tiêu phát triển nhân lực

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển nguồn nhân lực ngành Tư pháp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và có cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn và Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020.

- Nhân lực ngành Tư pháp được đào tạo (đào tạo lại, đào tạo mới và đào tạo nâng cao) có phẩm chất, năng lực phục vụ sự nghiệp phát triển ngành, thúc đẩy quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Về số lượng

- Từ năm 2011 đến năm 2015: Tổng số lao động toàn Ngành là 110.438 người, trong đó, tăng thêm 54.640 so với hiện nay là 55.798 người, gồm các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tăng 1.250 người, hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tăng 8.100 người, cơ quan Tư pháp địa phương tăng 9.500 người, các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương tăng 3.790 người, các tổ chức bổ trợ tư pháp tăng 32.000 người.

Phấn đấu đến năm 2015 đạt 65% có trình độ đại học, 20% có trình độ trên đại học; 70% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

- Từ năm 2016 đến năm 2020: Tổng số lao động toàn Ngành là 158.778 người, trong đó, tăng thêm 48.340 người so với năm 2015, trong đó, các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tăng 1.200 người, hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự tăng 8.000 người, cơ quan Tư pháp địa phương tăng 7.500 người, các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương tăng 3.640 người, các tổ chức bổ trợ tư pháp tăng 28.000 người.

Phấn đấu đến năm 2020 đạt 70% có trình độ đại học, 20% có trình độ trên đại học; 85% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

2.2. Về chất lượng

- Xây dựng, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của công việc được giao và đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần đoàn kết, ý thức phối hợp tốt trong công tác, có tinh thần trách nhiệm và lòng say mê nghề nghiệp, gắn bó với cơ quan.

- Hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ và quản lý bố trí, sử dụng hợp lý, đúng chuyên môn nhằm phát huy sở trường, tiềm năng, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp.

- Bố trí, sắp xếp và sử dụng có hiệu quả nhất đội ngũ cán bộ hiện có. Tiếp tục xây dựng và thực hiện kế hoạch rà soát, sắp xếp, điều chuyển, sử dụng hợp lý, có chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường cán bộ có trình độ cao cho Ngành.

[...]