Quyết định 3544/QĐ-BYT năm 2021 về Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ngành Y tế giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 3544/QĐ-BYT
Ngày ban hành 21/07/2021
Ngày có hiệu lực 21/07/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Trường Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3544/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều số 60/2020/QH14 ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 75/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ngành Y tế giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ông, bà Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Y tế, Tổng cục trưởng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ban chỉ đạo TƯ về PCTT (để b/c);
- Ủy ban Quốc gia ƯPSC TT & TKCN (để b/c);
- Thành viên BCH PCTT & TKCN Bộ Y tế;
- VPTT BCH PCTT và TKCN Bộ Y tế;
- Lưu: VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3544/QĐ-BYT ngày 21 tháng 07 năm 2021)

Phần thứ nhất

ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI, NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI, THẢM HỌA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. ĐẶC ĐIỂM VỀ TỰ NHIÊN VÀ KHÍ HẬU VIỆT NAM ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÔNG TÁC BẢO ĐẢM Y TẾ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI, THẢM HỌA

1. Điều kiện tự nhiên

a) Việt Nam nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương, tổng diện tích đất liền là 329.241 km²; phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào và Campuchia với đường biên giới đất liền dài 3.730 km; phía Đông, Nam và Tây Nam là Biển Đông và Vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 3.260km. Địa hình, địa chất rất đa dạng, bao gồm ba dạng địa hình chính là đồi, núi và đồng bằng; trong đó: đồi núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ được hình thành qua quá trình vận động và phát triển lâu dài; địa hình đồi núi rất đa dạng về cao độ và hướng; kéo dài trên 1.400 km từ cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) đến vùng Đông Nam Bộ; Đồng bằng chiếm 1/3 diện tích, nằm ở hạ lưu các con sông, trong đó: rộng lớn nhất là đồng bằng sông Cửu Long; vùng ven biển và hải đảo, nước ta có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ phân bố dọc theo đường bờ biển chạy dài từ Bắc đến Nam theo hướng kinh tuyến, kéo từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới Hà Tiên (Kiên Giang), với tổng chiều dài bờ biển là 3.260 km. Đặc điểm nổi bật bờ biển nước ta là khúc khuỷu, nhiều eo, vụng, vũng ven bờ, trung bình 20 km chiều dài đường bờ biển có một con sông chảy cắt ngang với tổng số khoảng 114 cửa sông đổ ra biển. Với địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, chia cắt mạnh; vùng đồng bằng, trừ hai đồng bằng lớn là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, các đồng bằng miền Trung đều nhỏ hẹp; đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Do vậy thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai từ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, bão, lũ, nước biển dâng và các tác động từ biển.

b) Đặc điểm khí hậu Việt Nam nằm trọn trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhưng phân bố thành 3 vùng khí hậu riêng biệt, miền Bắc và Bắc Trung Bộ là khí hậu cận nhiệt đới ẩm. Miền Trung và Nam Trung bộ là khí hậu nhiệt đới gió mùa, miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ mang đặc điểm nhiệt đới có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô; chịu ảnh hưởng trực tiếp của kiểu khí hậu gió mùa mậu dịch, thường thổi ở các vùng vĩ độ thấp.

Đặc điểm về hình thái thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hình thành hầu hết các loại hình thiên tai, cùng với những tác động thiếu bền vững về kinh tế xã hội ở trong nước, các quốc gia có chung đường biên giới và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nước biển dâng, các loại hình thiên tai có diễn biến với xu thế ngày càng cực đoan, tính chất và mức độ nguy hiểm ngày càng lớn ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

2. Tình hình thiên tai

Do ảnh hưởng vị trí địa lý và địa hình, Việt Nam là một trong 05 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, thiên tai trên thế giới cũng như trong nước diễn biến ngày càng phức tạp với những yếu tố cực đoan, khó lường gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản. Thiên tai đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến cực đoan, mang tính dị thường và trái quy luật, nhiều khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần). Thiên tai có xu thế ngày càng gia tăng bất thường, số lần xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ ngày càng lớn, thiệt hại nghiêm trọng hơn, nhất là bão mạnh, siêu bão, mưa đặc biệt lớn, ngập lụt diện rộng, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại, hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn, dông, lốc sét,… Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xuất hiện nhiều với diễn biến phức tạp; tình trạng ngập lụt tại nhiều vùng phạm vi rộng, thời gian kéo dài, độ ngập sâu hơn đặc biệt là khu vực miền Trung và các đô thị lớn; lòng dẫn ở hầu hết các hệ thống sông chính ở hạ du bị xói sâu, mực nước mùa kiệt bị hạ thấp, thảm phủ bị suy giảm, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra,… Diễn biến thiên tai nêu trên đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng, tài sản, môi trường sống, sản xuất, kinh doanh của xã hội, đe dọa các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của đất nước.

Trong vòng 20 năm gần đây, bão có xu thế xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ ngày càng lớn và diễn biến ngày càng phức tạp uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng của nhân dân và các hoạt động ở ven biển, trên biển. Mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên kể cả diện rộng và cục bộ trên phạm vi cả nước đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực; Lũ có thể xảy ra đồng thời với bão hoặc áp thấp nhiệt đới nhưng cũng có thể xảy ra khi có sự kết hợp của các hình thái thời tiết: không khí lạnh, giải hội tụ nhiệt đới, xoáy thuận v.v… hoặc có thể phát sinh ở thượng nguồn các con sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây ra lũ lớn trên hầu hết các sông là do mưa lớn sau bão, áp thấp nhiệt đới.

[...]