Quyết định 3518/QĐ-UBND năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 3518/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/11/2009
Ngày có hiệu lực 06/11/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3518 /QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 06 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của ủy ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng:

Chi cục Thú y là tổ chức quản lý chuyên ngành trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và thanh tra chuyên ngành về thú y đối với động vật trên cạn và thú y thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Chi cục Thú y chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chi cục Thú y có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định.

Trụ sở của Chi cục Thú y đặt tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Thú y.

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh, khống chế dịch bệnh và thanh toán có hiệu quả bệnh động vật gây hại cho người, động vật, môi trường, hệ sinh thái;

2. Tổ chức và thực hiện các chương trình quốc gia, các dự án của tỉnh về phòng, chống bệnh dịch động vật trên cạn, các loại động vật, sinh vật biển; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong việc phòng chống dịch bệnh, quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh thủy sản, phát hiện bệnh nhanh, chẩn đoán bệnh chính xác, chữa bệnh cho động vật có hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sử dụng; hướng dẫn việc thực hiện quy định của pháp luật và sử dụng thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật dùng trong thú y;

3. Kịp thời phát hiện dịch bệnh, tham mưu cho Giám đốc Sở trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công bố hoặc quyết định bãi bỏ quyết định công bố dịch bệnh thủy sản và phục hồi môi trường sau khi dịch bệnh được dập tắt;

4. Tổ chức thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y; tổ chức kiểm dịch động vật, thực vật thủy sản và động vật lưỡng cư trên địa bàn tỉnh; thực hiện kiểm dịch động vật ở một số cửa khẩu, đầu mối giao thông theo sự phân công của Cục Thú y. Kiểm tra điều kiện, thực hiện cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề thú y thủy sản, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển nội địa và xuất khẩu theo quy định của pháp luật và theo sự phân cấp quản lý;

5. Quản lý việc kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật dùng trong thú y. Cung ứng các loại Vaccin thuốc thú y và các loại vật tư thú y phục vụ cho công tác tiêm phòng và chữa trị cho gia súc, gia cầm;

6. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành Pháp lệnh Thú y. Giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thú y. Xử lý các vi phạm hành chính về thú y;

7. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động nhân dân tham gia thực hiện về công tác thú y. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyên ngành thú y, về Pháp luật thú y và các chế độ chính sách về thú y;

8. Thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thú y đối với những vấn đề như an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, chẩn đoán bệnh, xây dựng các quy trình tiêu chuẩn.

9. Quản lý các Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Chi cục Thú y. Các trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu biên giới Việt-Trung do Cục Thú y phân công;

10. Quản lý, sử dụng hợp lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ, viên chức chuyên môn và nhân viên phục vụ trong Chi cục;

11. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình bệnh dịch động vật, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, quản lý thuốc Thú y và các hoạt động khác có liên quan đến thú y theo quy định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế.

1. Cơ cấu tổ chức:

a) Lãnh đạo Chi cục gồm Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng được thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.

b) Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Chi cục gồm:

[...]