Quyết định 3432/QĐ-BTNMT năm 2019 về Kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Số hiệu 3432/QĐ-BTNMT
Ngày ban hành 31/12/2019
Ngày có hiệu lực 31/12/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3432/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2020 CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2819/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016 - 2020; đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 2842/QĐ-BTNMT ngày 09 tháng 12 năm 2016;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về tài nguyên và môi trường, trọng tâm là các lĩnh vực đất đai và môi trường, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận. Hoàn thành 100% Chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2020, không để nợ đọng VBQPPL.

2. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; xây dựng hệ thống TTHC đơn giản, công khai, minh bạch; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của bộ ít nhất đạt 30%; đẩy mạnh thanh toán điện tử, cung cấp ít nhất 35% TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán phí hoặc lệ phí khi giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Bộ bằng nhiều phương tiện khác nhau; tiếp tục triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đối với các TTHC kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh thực hiện thí điểm mô hình liên thông trong giải quyết một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC.

3. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của Ngành tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương; phấn đấu năm 2020 tiếp tục tinh giản thêm 2,0% biên chế so với năm 2015; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chế độ chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ngành.

4. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức gắn với việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động số 444-KH/BCSĐTNMT ngày 14 tháng 11 năm 2018 của Ban cán sự đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 26- NQ/TW); tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, điều hành nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chuyên sâu, chuyên nghiệp, có phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

5. Siết chặt kỷ luật tài chính, giám sát chặt chẽ đầu tư công, nguồn vốn vay, sử dụng và quản lý hiệu quả tài sản công, kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và công khai minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; hoàn thiện đồng bộ về cơ chế tài chính đối với các hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường; đẩy mạnh việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; bảo đảm việc phân bổ, sử dụng ngân sách và các nguồn kinh phí khác minh bạch, hiệu quả, quản lý theo mục tiêu.

6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của Bộ, giữa các đơn vị với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân; cập nhật và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường; triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường, nhất là về đất đai, quan trắc tài nguyên và môi trường; xây dựng hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành thông suốt, kết nối giữa Bộ với Chính phủ, các Bộ, ngành và các Sở Tài nguyên và Môi trường để tập trung xử lý những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4 theo kế hoạch; thực hiện kế hoạch chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 sang TCVN 9001:2015 tại các đơn vị trực thuộc Bộ theo đúng tiến độ tại Quyết định số 1192/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 4 năm 2018 của Bộ.

II. NHIỆM VỤ

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

a) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về CCHC; tổ chức và triển khai các phong trào thi đua thực hiện công tác CCHC của Bộ; gắn kết quả thực hiện CCHC với công tác thi đua, khen thưởng.

b) Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và xử lý những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác và kế hoạch CCHC năm 2020 bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và hiệu quả.

c) Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC, cải cách TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tiếp tục chỉ đạo các địa phương trong tổ chức thực thi quy trình, TTHC trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường; nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm thi hành công vụ của công chức, viên chức.

d) Phân tích, đánh giá sử dụng có hiệu quả Chỉ số CCHC năm 2019 của Bộ theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; tiếp tục hoàn thiện Bộ Chỉ số CCHC đối với các đơn vị trực thuộc Bộ.

đ) Tiếp tục vận hành và duy trì thông suốt hoạt động các đường dây nóng; kịp thời phát hiện và giải quyết các phản ánh, kiến nghị, vướng mắc về tình hình vi phạm trong hoạt động quản lý về tài nguyên và môi trường tại Trung ương và địa phương.

e) Phối hợp với Đảng ủy Bộ, Công đoàn Bộ và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác CCHC của Bộ; tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch CCHC, việc thực thi công vụ trong các cơ quan thuộc Bộ.

2. Cải cách thể chế

a) Thực hiện Chương trình xây dựng và ban hành VBQPPL năm 2020 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định. Tập trung nguồn lực để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột trung tâm của phát triển, đưa công tác bảo vệ môi trường sang giai đoạn mới từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên và nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực kinh tế, tài chính từ đất đai cho phát triển.

b) Công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa VBQPPL; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung vào các nhiệm vụ sau:

[...]