Quyết định 3332/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 3332/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/11/2017
Ngày có hiệu lực 21/11/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3332/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 21 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY ĐẾN NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Công văn số 3053/CAT-PV11 ngày 09 tháng 11 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo 138/CP;
- Các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh;
- Lưu: VT, NC(T b)

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY ĐẾN NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3332/QĐ-UBND ngày 21/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, gia đình và toàn xã hội để chủ động phòng, chống và kiểm soát ma túy. Phấn đấu ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng, tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Kiềm chế và làm giảm số người nghiện ma túy, nhất là số người nghiện ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, kiên quyết không để tệ nạn ma túy lây lan trong cán bộ công nhân viên chức, sinh viên, học sinh; xã hội hóa công tác cai nghiện theo hướng có hiệu quả, bền vững; thực hiện tốt công tác quản lý và ổn định cuộc sống cho người sau cai nghiện; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tái nghiện.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phát hiện, xử lý tăng hơn 5% so với năm trước số vụ phạm tội có liên quan, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; triệt xóa từ 5 - 10% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh; 100% hành vi phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh được phát hiện, xử lý triệt để; phá 100% diện tích trồng cây có chứa chất ma túy phát hiện được.

- Phấn đấu hạn chế phát sinh người nghiện mới, mỗi năm hơn 1% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đủ tiêu chuẩn đưa ra khỏi diện và giảm hơn 1% số xã, phường, thị trấn có ma túy so với năm trước; đến năm 2020 có hơn 20% số xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy giảm mức độ phức tạp so với năm 2016; mỗi huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng được ít nhất 01 mô hình điểm về phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn.

- Hàng năm, 80% số người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện; 90% cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện ma túy.

2. Yêu cầu

- Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt.

- Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài, sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.

- Phải nhận thức rõ việc đầu tư cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của xã hội; do đó, chính quyền các cấp phải quan tâm đến việc huy động tối đa nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong khả năng và điều kiện của từng đơn vị, địa phương; huy động sự đóng góp của cộng đồng và tài trợ phù hợp của quốc tế cho công tác này.

[...]