Quyết định 3310/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Chương trình khuyến nông thành phố Hải Phòng giai đoạn 2025-2029

Số hiệu 3310/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/09/2024
Ngày có hiệu lực 20/09/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Đức Thọ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3310/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 20 tháng 9 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2025 - 2029

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;

Căn cứ Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐND ngày 29/3/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Đề án nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 419/BC-HĐTĐ ngày 17/9/2024 của Hội đồng thẩm định Chương trình Khuyến nông thành phố Hải Phòng giai đoạn 2025-2029 về Chương trình khuyến nông Chương trình Khuyến nông thành phố Hải Phòng giai đoạn 2025-2029;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 150/TTr-SNN ngày 17/9/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình khuyến nông thành phố Hải Phòng giai đoạn 2025 - 2029 (kèm theo thuyết minh Chương trình chi tiết, các phụ lục).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng Sở Tài chính căn cứ Chương trình được duyệt tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN&PTNT;
- TT HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các Hội: ND, LHPNTP;
- Các Sở: TC, KHCN, TTTT;
- UBND các quận, huyện;
- Cổng TTĐT TP;
- CPVP UBND TP;
- Lưu: VT, NN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thọ

 

PHỤ LỤC 1

CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2025 - 2029
(Kèm theo Quyết định số: 3310/QĐ-UBND ngày 20/9/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần 1

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2019-2024

I. Kết quả đạt được

Trong những năm qua (2019-2024), Thành phố luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, đặc biệt là công tác Khuyến nông. Thông qua hoạt động Khuyến nông Thành phố đã xây dựng và thực hiện được nhiều mô hình trình diễn áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và bước đầu gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao tích cực, cụ thể như:

1. Lĩnh vực trồng trọt

1.1. Các nội dung đã triển khai thực hiện

Thực hiện 16 mô hình (8.469,756 triệu đồng) cho 549 hộ dân, đạt 61,6% so với Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2020-2024. Các mô hình trồng trọt tập trung vào các đối tượng chủ lực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ cao (nhà màng, hệ thống thủy canh, đèn LED, ...). Các mô hình đều thực hiện theo chuỗi giá trị, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Một số mô hình điển hình đạt kết quả cao như:

Mô hình Phát triển, cải tạo vùng nguyên liệu trồng na hàng hóa tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt năng suất 20.400 kg/ha, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Lợi nhuận 1.655.630.000 đồng/ha/năm. Mô hình Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất hoa gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị góp phần tăng thu nhập cho người dân cho năng suất 38.700 bông/ha, lợi nhuận thu được 170.210.000 đồng/ha/năm. Mô hình ứng dụng công nghệ cao nhà màng, nhà lưới trong sản xuất dưa vàng tại Hải Phòng. Năng suất cao gấp 1,8 lần so với đại trà, đạt khoảng 42.800 kg/ha, lợi nhuận đem lại cho người dân 828.715.000 đồng/ha cao hơn so với đại trà 445.775.000 đồng. Mô hình ứng dụng công nghệ thủy canh trong sản xuất rau ăn lá an toàn. Năng suất 1,5 lần so với đại trà, đạt 43 tạ/1.000 m2 lợi nhuận đạt 85.750.000 đồng/1.000 m2 cao hơn so với đại trà 50.025.000 đồng....

1.2. Khả năng nhân rộng mô hình

Từ kết quả đạt được của các mô hình, các hộ nông dân tham gia mô hình vẫn đang duy trì và phát triển, mở rộng quy mô, diện tích. Hiệu quả của mô hình được quảng bá, giới thiệu trên truyền hình, trang web để nông dân trong thành phố có nhu cầu biết đến học tập, làm theo. Đến nay đã nhân rộng trên toàn thành phố 15-20% như: Diện tích các cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng chế phẩm sinh học ngày càng tăng, tập quán canh tác cũng đang dần thay đổi, tập trung cho chăm sóc cây trồng và cải tạo đất để sản xuất bền vững. Mô hình vùng sản xuất khoai tây hàng hóa tập trung gắn liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm vụ Đông năm 2022 tại xã An Hòa triển khai quy mô 15ha, vụ sau nhân rộng lên thành 25ha tại địa phương; mô hình phát triển, cải tạo vùng nguyên liệu trồng na hàng hóa tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại Liên Khê, Thủy Nguyên hiện đã nhân rộng sang một số xã Lại Xuân, An Sơn Thủy Nguyên.

[...]