Kế hoạch 187/KH-UBND năm 2023 phát triển sản xuất trồng trọt hữu cơ trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 187/KH-UBND
Ngày ban hành 30/06/2023
Ngày có hiệu lực 30/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Đức Thọ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 30 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2023-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt Đề án xác định vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch phát triển sản xuất trồng trọt hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát triển trồng trọt hữu cơ trên địa bàn thành phố có hiệu quả, bền vững gắn với kinh tế tuần hoàn, an toàn thực phẩm và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phát triển trồng trọt hữu cơ phù hợp từng tiểu vùng sinh thái, giá trị gia tăng cao, phát triển sản phẩm OCOP, cải thiện đời sống của nông dân, gắn với phát triển du lịch sinh thái, xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội.

- Hình thành một số vùng canh tác hữu cơ trên cơ sở gắn với các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế của thành phố; phát triển một số loại cây trồng có thể manh (lúa, rau màu và cây ăn quả) theo hướng nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng, tăng chất lượng nông sản, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Nâng cao nhận thức và trình độ sản xuất cho các tổ chức và cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

* Chỉ tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025, diện tích canh tác hữu cơ đạt 513,0 ha, chiếm 1,36% tổng diện tích đất trồng trọt, giá trị sản phẩm trồng trọt hữu cơ gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ; Định hướng đến năm 2030, diện tích canh tác hữu cơ đạt 980,0 ha, chiếm 2,6% tổng diện tích đất trồng trọt, giá trị sản phẩm trồng trọt hữu cơ gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ (Phụ lục 1).

- Xây dựng, ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật và quy trình kỹ thuật cho một số cây trồng (lúa, rau màu, cây ăn quả) theo tiêu chuẩn hữu cơ.

- Xây dựng mô hình sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả đạt chứng nhận hữu cơ với diện tích 200-250 ha; trong đó: Lúa 100-200 ha, rau màu: 30-50 ha, cây ăn quả 20-30 ha.

- Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các sản phẩm gạo, rau, quả hữu cơ trên địa bàn thành phố với diện tích 50-100 ha.

- Xây dựng và mở rộng 2-3 cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm gạo, rau, quả hữu cơ các loại.

- Xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trồng trọt hữu cơ.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án xác định vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để các cấp, các ngành và các địa phương phối hợp triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu của Đề án.

- Xác định rõ nhiệm vụ và giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp cho các sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ.

- Tổ chức phát triển sản xuất trồng trọt hữu cơ phù hợp điều kiện từng tiểu vùng sinh thái, thế mạnh của địa phương, nhu cầu của thị trường gắn với chuỗi giá trị, chuỗi kết nối cung cầu và đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện hành.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ

1.1. Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hội thảo về sản xuất trồng trọt hữu cơ

- Thông báo rộng rãi các vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn huyện, quận đã được phê duyệt theo Quyết định số 502/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Hàng năm, tổ chức tập huấn, hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định pháp luật và các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ đến doanh nghiệp, người sản xuất biết và chủ động tham gia, phối hợp phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, website của các phường, xã, các quận huyện và thành phố về các vùng đã được xác định sản xuất trồng trọt hữu cơ; in ấn tờ rơi, pano, áp phích,... về nội dung, kết quả phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt hữu cơ tại các địa phương.

1.2. Phát triển các vùng sản xuất trồng trọt hữu cơ đối với một số sản phẩm nông sản hữu cơ có thế mạnh

- Xây dựng các vùng sản xuất trồng trọt hữu cơ phù hợp, tập trung vào các loại cây chủ yếu như: lúa, rau màu, cây ăn quả... gắn sản xuất hữu cơ với đào tạo, du lịch, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học (khu du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm...). Đến năm 2030 phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 2,6% tổng diện tích đất trồng trọt. Cụ thể các cây trồng như sau:

- Vùng lúa hữu cơ: Diện tích đạt 616 ha (trong đó diện tích được chứng nhận đạt 200 ha, diện tích canh tác chuyển đổi hữu cơ đạt 416 ha); đáp ứng từ 10-15% nhu cầu lương thực của thành phố.

[...]