QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ THỦ TỤC LIÊN QUAN ĐẾN TIẾP CẬN ĐIỆN
NĂNG ĐỐI VỚI LƯỚI ĐIỆN TRUNG ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ luật tổ chức Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03
tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Điện lực
ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Quyết định số
55/2004/QĐ-BNN ngày 01 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về ban hành quy định việc cấp giấy phép cho hoạt động trong phạm
vi bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn
cứ Thông tư số 32/2010/TT-BCT ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công
Thương quy định hệ thống điện phân phối;
Căn
cứ Thông tư số 21/2011/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành
chính trong lĩnh vực thủy lợi theo Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 15/12/2010 của
Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số
39/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02
năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ;
Căn cứ Thông tư số
43/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch
phát triển điện lực;
Căn cứ Thông tư số 33/2014/TT-BCT
ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định một số nội dung
về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng;
Theo đề nghị của Giám
đốc Sở Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định
một số thủ tục liên quan đến tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp trên
địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký.
Điều
3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở:
Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng
các sở, ngành tỉnh; Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ
Quyết định thi hành./.
QUY ĐỊNH
MỘT
SỐ THỦ TỤC LIÊN QUAN ĐẾN TIẾP CẬN ĐIỆN NĂNG ĐỐI VỚI LƯỚI ĐIỆN TRUNG ÁP TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2015 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về hồ
sơ, trình tự, thẩm quyền giải quyết một số thủ tục liên quan đến lĩnh vực tiếp
cận điện năng đối với lưới điện trung áp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, bao gồm:
xác nhận sự phù hợp của các công trình điện với Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh; thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành lang
lưới điện; cấp phép thi công xây dựng công trình điện.
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng cho các
cơ quan quản lý nhà nước; các chủ đầu tư xây dựng công trình điện
trung áp; đơn vị phân phối điện, bán buôn điện, bán
lẻ điện và các tổ chức, cá nhân khác có liên
quan.
Điều 3.
Giải thích thuật ngữ
1. Lưới điện trung áp là
phần lưới điện bao gồm đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp từ 6kV đến
35kV.
2. Đơn vị phân phối điện
là đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối
điện nhận điện trực tiếp từ lưới điện truyền tải để bán điện cho khách hàng sử
dụng điện hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác.
3. Bán buôn điện là hoạt
động bán điện của đơn vị điện lực này cho đơn vị điện lực khác để bán lại cho
bên thứ ba.
4. Bán lẻ điện là hoạt
động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử dụng điện.
5. Chủ đầu tư xây dựng
công trình điện là người sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng
vốn để đầu tư xây dựng công trình điện.
Chương
II
HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ
THỰC HIỆN TIẾP CẬN ĐIỆN NĂNG
Điều 4. Hồ
sơ đề nghị xác nhận sự phù hợp của các công trình điện với Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh
1. Thành phần hồ sơ, gồm:
a) Văn bản đề nghị xác nhận sự phù hợp của các công trình điện với Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh (theo mẫu phụ lục
1 của Quy định này - bản chính).
b) Phương án đầu tư sơ bộ của
công trình, gồm các nội dung chính: địa điểm xây dựng, điểm đấu nối vào lưới điện
hiện hữu, quy mô, công suất, bản vẽ đơn tuyến thể hiện địa điểm xây dựng công
trình… (bản chính).
c) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về chủ trương đầu tư xây dựng công
trình điện (nếu có; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính để
đối chiếu).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Điều 5. Hồ
sơ đề nghị thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành lang lưới điện trong
phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Thành phần hồ sơ, số lượng hồ
sơ đề nghị thỏa thuận vị trí cột điện/trạm
điện và hành lang lưới điện nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ thực hiện theo thủ tục hành chính “Chấp thuận xây dựng công
trình thiết yếu (nhóm B, C và các công trình xây dựng mới, sửa chữa chưa đến mức
phải lập dự án) trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với
đường địa phương” đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công bố tại
Quyết định số 3603/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2011.
Điều 6. Hồ
sơ đề nghị cấp phép thi công xây dựng công trình điện
1. Trong phạm vi bảo vệ kết cấu
hạ tầng giao thông đường bộ
Thành phần hồ sơ, số lượng hồ
sơ đề nghị cấp phép thi công xây dựng công trình điện nằm trong phạm vi bảo vệ
kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện theo thủ tục hành chính “Cấp giấy phép thi công công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho
đường bộ đối với đường địa phương và Quốc lộ được ủy thác quản lý” đã được
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công bố tại Quyết định số 3603/QĐ-UBND
ngày 16 tháng 11 năm 2011.
2. Trong phạm vi bảo vệ công
trình thủy lợi
Thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ đề
nghị cấp phép thi công xây dựng công trình điện nằm trong phạm vi bảo vệ
công trình thủy lợi thực hiện theo thủ tục hành chính “Cấp
giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi” đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang
công bố tại Quyết định số 3343/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2011.
Chương
III
TRÌNH TỰ, THẨM
QUYỀN GIẢI QUYẾT THỦ TỤC TIẾP CẬN ĐIỆN NĂNG
Điều 7.
Trình tự, thẩm quyền xác nhận sự phù hợp của các công trình điện với Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị
xác nhận sự phù hợp của các công trình điện với Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh gửi hồ
sơ theo quy định tại Điều 4 của Quy định này cho Sở Công Thương.
2. Sở Công Thương tiếp nhận,
kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, hướng dẫn hoàn thiện hồ
sơ; nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, viết giấy hẹn trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương có ý kiến bằng văn bản về sự phù
hợp của các công trình điện với Quy
hoạch phát triển điện lực tỉnh gửi cho tổ chức, cá
nhân.
Điều 8.
Trình tự, thẩm quyền thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành lang lưới điện trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị
thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành
lang lưới điện gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Quy định này đến cơ
quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
2. Các cơ quan có thẩm quyền
thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành
lang lưới điện:
a) Sở Giao thông vận tải thỏa
thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành lang
lưới điện đối với công trình điện xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ do Sở Giao thông vận tải quản lý.
b) Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã thỏa thuận vị trí cột điện/trạm
điện và hành lang lưới điện đối với công trình điện xây dựng trong phạm
vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã quản lý.
3. Các cơ quan có thẩm quyền
thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành
lang lưới điện theo quy định tại Khoản 2 Điều này thực hiện
tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, hướng dẫn
hoàn thiện hồ sơ; nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, viết giấy hẹn trả kết quả cho tổ chức,
cá nhân.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không và trong
thời hạn 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này có trách nhiệm ban
hành văn bản về việc thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành lang lưới điện gửi cho tổ chức, cá nhân xây dựng công trình điện.
Điều 9.
Trình tự, thẩm quyền thẩm định, cấp phép thi công
xây dựng công trình điện
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp
phép thi công xây dựng công trình điện gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 6 của
Quy định này đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
2. Các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công xây dựng công trình điện:
a) Sở Giao thông vận tải cấp
phép thi công đối với công trình điện xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ do Sở Giao thông vận tải quản lý.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Ủy ban
nhân dân tỉnh cấp phép đối với công trình điện xây dựng trong phạm vi bảo vệ
công trình thủy lợi do cấp tỉnh quản lý.
c) Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã cấp phép thi công đối với công trình điện xây dựng trong phạm
vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và trong phạm vi bảo vệ công
trình thủy lợi do Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã quản lý.
3. Các cơ quan có thẩm quyền
cấp phép thi công xây dựng công trình điện
theo quy định tại Khoản 2 của Điều này thực hiện tiếp nhận, kiểm tra
tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ; nếu
hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, viết giấy hẹn trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.
4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên
không và trong thời hạn 10 ngày làm việc đối với lưới điện
trung áp ngầm kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các
cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 của
Điều này có trách nhiệm ban hành văn bản về việc cấp phép thi công xây dựng
công trình điện gửi cho tổ chức, cá
nhân xây dựng công trình điện.
Điều 10.
Lệ phí và phí
Không thu lệ phí và phí khi
thực hiện giải quyết các thủ tục quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 của Quy định
này.
Chương
IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11.
Trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị
xã
1. Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã tổ chức triển khai thực hiện Quy định này. Tham mưu, trình Ủy ban nhân
dân tỉnh công bố thủ tục hành chính về xác nhận sự phù hợp của các công trình
điện với Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh.
2. Các sở, ngành tỉnh có liên
quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh
công bố thủ tục hành chính liên quan đến thỏa
thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành lang lưới điện trong phạm vi bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; về cấp
phép thi công đối với công trình điện xây
dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ và trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi do Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố, thị xã quản lý.
3. Công ty Điện lực Tiền
Giang xây dựng quy trình thực hiện tiếp cận điện năng đối với khách hàng sử dụng
điện đề nghị đấu nối và đề nghị đóng điện vào lưới điện trung áp theo quy định
tại Thông tư số 33/2014/TT-BCT ngày 10/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy
định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. Sau khi ban
hành, thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở giao dịch của công ty về quy
trình giải quyết cấp điện này.
4. Định kỳ trước ngày 30
tháng 11 hàng năm, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, Công ty Điện lực Tiền Giang
báo cáo, đánh giá kết quả giải quyết thủ tục về tiếp cận điện năng theo Quy định
này gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương và Ủy ban nhân
dân tỉnh./.