ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
33/2014/QĐ-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 08
tháng 10 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CẤP BÙ, HỖ TRỢ KINH PHÍ HÀNG NĂM CHO CÁC TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP
ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị
định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số
điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số
131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu
đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông
thôn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định
và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp
và khu vực nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày
04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công
trình cấp nước sạch nông thôn tập trung;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 92/TTr-SNN ngày 08/5/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cấp
bù, hỗ trợ kinh phí hàng năm cho các tổ chức,
cá nhân quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa
bàn tỉnh Đắk Lắk.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày,
kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập
trung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Website Chính phủ;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra VB - Bộ Tư pháp;
- Vụ pháp chế - Bộ NN&PTNT;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh (thay báo cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- Các tổ chức CT-XH của tỉnh;
- TT Công báo; TT Tin học Đắk Lắk;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Đắk Lắk;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Các phòng thuộc VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TCTM.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Dhăm Ênuôl
|
QUY ĐỊNH
VỀ
CẤP BÙ, HỖ TRỢ KINH PHÍ HÀNG NĂM CHO CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN QUẢN LÝ, KHAI THÁC
CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số:
33/2014/QĐ-UBND ngày 08/10/2014 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định cấp bù, hỗ trợ kinh phí hàng
năm cho các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông
thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (sau đây viết tắt là đơn vị cấp nước)
về:
- Cấp bù giá nước sạch nông thôn cho đơn vị cấp nước
khi bán nước cho đối tượng sử dụng thuộc khu vực nông thôn;
- Hỗ trợ hạn mức khối lượng sản phẩm nước sạch
thông qua đơn vị cấp nước cho các đối tượng ưu tiên sử dụng nước sạch là hộ đồng
bào dân tộc thiểu số ở xã thuộc vùng III, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở
các vùng còn lại và hộ nghèo ở xã thuộc vùng III trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (có
sổ hộ nghèo).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh
nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp
nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Nước sinh hoạt là nước sạch hoặc nước có
thể dùng cho ăn, uống, vệ sinh của con người.
2. Nước sạch là nước có chất lượng đáp ứng
quy chuẩn kỹ thuật về nước sạch của Việt Nam.
3. Đơn vị cấp nước là tổ chức, cá nhân thực
hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn nước sạch và bán lẻ nước sạch.
4. Công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung
là một hệ thống gồm các công trình khai thác, xử lý nước, mạng lưới đường ống
cung cấp nước sạch đến nhiều hộ gia đình hoặc cụm dân cư sử dụng nước ở nông
thôn và các công trình phụ trợ có liên quan; bao gồm các loại hình như: cấp nước
tự chảy, cấp nước sử dụng bơm động lực.
5. Giá thành nước sạch là giá tính đúng,
tính đủ các chi phí hợp lý của toàn bộ
quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ nước sạch được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
6. Giá tiêu thụ nước sạch là giá nước sạch
người tiêu dùng phải trả cho đơn vị quản lý công trình. Giá tiêu thụ nước sạch
do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định theo quy
định của pháp luật về nguyên tắc, phương pháp xác định giá tiêu thụ nước sạch tại
khu vực nông thôn.
7. Đối tượng ưu tiên trong Quy định này là hộ
đồng bào dân tộc thiểu số ở xã thuộc vùng III, hộ đồng bào dân tộc thiểu số
nghèo ở các vùng còn lại và hộ nghèo ở xã thuộc vùng III trên địa bàn tỉnh Đắk
Lắk (có sổ hộ nghèo).
Điều 4. Điều kiện, nguyên tắc cấp
bù, hỗ trợ
1. Điều kiện
- Các đơn vị cấp nước sạch nông thôn khi tham gia sản
xuất và tiêu thụ nước sạch nếu giá tiêu thụ nước sạch do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định thấp hơn giá
thành được tính đúng, tính đủ theo quy định tại Thông tư liên tịch số
75/2012/TTLT/BTC-BXD-BNN ngày 15/5/2012 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Sở Tài chính thẩm định, Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở tính
toán mức bù giá thì được ngân sách địa phương hỗ trợ bù giá theo khối lượng sản
phẩm nước sạch thực tế tiêu thụ (không tính khối lượng sản phẩm nước sạch đã được
hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên).
- Các tổ chức, cá nhân được cấp bù, hỗ trợ phải có
phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh,
có năng lực quản lý, khai thác và cam kết
cung cấp dịch vụ nước sạch phục vụ cho cộng
đồng dân cư nông thôn theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được
xây dựng phải có chủ trương và được Ủy ban
Nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc phân cấp phê duyệt.
2. Nguyên tắc
- Chỉ tính bù giá cho khối lượng sản phẩm nước sạch
sử dụng thực tế, không tính bù giá cho khối lượng nước sạch bị thất thoát.
- Tổng kinh phí để cấp bù, hỗ trợ được tính dựa
trên khối lượng nước sạch thực tế tiêu thụ của từng đối tượng sử dụng thuộc khu
vực nông thôn, có hóa đơn theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng
dẫn thực hiện.
- Nguồn kinh phí để cấp bù, hỗ trợ phải được ghi
vào kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm của địa phương.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Phương thức cấp bù, hỗ
trợ
1. Cấp bù giá nước sạch nông thôn
a) Đối tượng để tính
- Giá tiêu thụ nước sạch làm cơ sở tính bù giá được
áp dụng theo Quyết định hiện hành của Ủy ban
Nhân dân tỉnh về ban hành giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Trong đó, giá tiêu thụ nước sạch có các mức khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố:
Mục đích sử dụng nước, mức tiêu thụ, địa bàn sử dụng và đơn vị cấp nước.
- Đối tượng để tính giá thành nước sạch làm cơ sở để
xem xét, bù giá dựa trên số liệu cụ thể hàng năm của từng công trình cấp nước sạch
nông thôn tập trung do đơn vị cấp nước quản lý, cấp cho các đối tượng có mục
đích sử dụng nước khác nhau thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hàng
năm, đơn vị cấp nước tổng hợp số liệu có liên quan của năm trước làm cơ sở để
tính giá thành cho năm kế tiếp.
- Giá thành nước sạch hàng năm để làm cơ sở bù giá
được tính cho từng mục đích sử dụng nước, mức tiêu thụ, địa bàn sử dụng và đơn
vị cấp nước thể hiện giống như Giá tiêu thụ nước sạch và phải được Sở Tài chính
thẩm định, Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt
hàng năm theo quy định tại Điều 4 Quy định này.
b) Mức bù giá
- Mức bù giá cho 1m3 nước sạch = Giá
thành 1m3 - Giá tiêu thụ 1m3.
Tùy thuộc vào các yếu tố về mục đích sử dụng nước,
mức tiêu thụ, địa bàn sử dụng và đơn vị cấp nước được thể hiện trong Quyết định
ban hành giá tiêu thụ nước sạch và Quyết định phê duyệt giá thành nước sạch hàng
năm của Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ có mức bù
giá khác nhau để áp dụng cho từng mục đích sử dụng.
- Kinh phí cấp bù giá nước sạch tiêu thụ tính cho từng
đối tượng sử dụng nước sạch với mục đích khác nhau bằng mức bù giá cho 1m3
nhân với khối lượng nước tiêu thụ của đối tượng sử dụng; với các đối tượng ưu
tiên thì không tính khối lượng sản phẩm nước sạch đã được hỗ trợ.
- Tổng kinh phí cấp bù giá nước sạch tiêu thụ cho
đơn vị cấp nước bằng tổng tất cả kinh phí cấp bù tính cho từng đối tượng sử dụng
nước sạch được phân theo mục đích sử dụng khác nhau thuộc khu vực nông thôn tại
từng công trình cấp nước.
2. Hỗ trợ cho đối tượng dùng nước ưu tiên thông qua
đơn vị cấp nước
a) Đối tượng để tính
Hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã thuộc vùng III, hộ
đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các vùng còn lại và hộ nghèo ở xã thuộc vùng
III trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (có sổ hộ nghèo).
b) Mức hỗ trợ
- Hỗ trợ khối lượng nước sạch sử dụng hàng tháng: Tối
đa 5m3/hộ gia đình/tháng; nếu sử dụng nhỏ hơn 5m3/hộ gia
đình/tháng thì được hỗ trợ đúng với khối lượng nước đã sử dụng.
- Mức hỗ trợ được tính theo từng tháng dựa trên số
liệu đồng hồ đo nước hàng tháng của các hộ thể hiện bằng hóa đơn thu tiền nước
theo quy định.
Điều 6. Bố trí, cấp phát, thanh
toán, quyết toán kinh phí cấp bù, hỗ trợ
1. Bố trí nguồn kinh phí cấp bù, hỗ trợ
Từ nguồn thu cân đối ngân sách địa phương được bố
trí trong dự toán ngân sách hàng năm của ngân sách các cấp tại địa phương theo
quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện, cụ thể
như sau:
- Đơn vị cấp nước nông thôn quản lý, khai thác nhiều
công trình trên địa bàn các huyện thì được cấp bù, hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp
tỉnh.
- Đơn vị cấp nước nông thôn quản lý, khai thác một
công trình nằm trên địa bàn thuộc hai huyện trở lên, trạm cấp nước nằm trên địa
bàn địa phương nào thì do ngân sách địa phương đó bố trí kinh phí cấp bù, hỗ trợ.
- Các đơn vị cấp nước nông thôn còn lại được cấp
bù, hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp huyện theo địa bàn quản lý. Đối với các huyện
nghèo của tỉnh, UBND huyện lập kế hoạch trình UBND
tỉnh xem xét, hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp
tỉnh.
2. Cấp phát, thanh toán kinh phí cấp bù, hỗ trợ
a) Trình tự, thủ tục cấp
Trên cơ sở mức bù giá cho 1m3 sản phẩm
nước sạch và khối lượng nước dự kiến sử dụng hàng năm tại từng công trình, đơn
vị cấp nước nông thôn lập kế hoạch bù giá nước và hỗ trợ kinh phí cho đối tượng
dùng nước ưu tiên cùng với kỳ lập kế hoạch ngân sách hàng năm ở địa phương,
trình cơ quan tài chính trên địa bàn quản lý tổ chức thẩm định và ghi vào kế hoạch
ngân sách của địa phương hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Việc cấp phát và thanh toán kinh phí hỗ trợ, bù giá
nước sạch nông thôn thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các
văn bản hướng dẫn.
- Đối với nguồn kinh phí cấp bù, hỗ trợ từ ngân
sách tỉnh:
Trên cơ sở kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm đã
được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua và hồ sơ xin cấp kinh phí của đơn vị cấp
nước, Sở Tài chính tổ chức thẩm định, trình Ủy
ban Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cấp bù, hỗ trợ hàng năm cho đơn vị
cấp nước nông thôn theo từng công trình cụ thể.
- Đối với nguồn kinh phí cấp bù, hỗ trợ từ ngân
sách cấp huyện:
Trên cơ sở kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm đã
được Hội đồng Nhân dân cùng cấp thông qua và hồ sơ xin cấp kinh phí của đơn vị
cấp nước, Phòng Tài chính - Kế hoạch tổ chức thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hỗ
trợ hàng năm cho đơn vị cấp nước nông
thôn theo từng công trình cụ thể.
b) Hồ sơ đề nghị cấp kinh phí cấp bù, hỗ trợ
- Tờ trình đề nghị cấp kinh phí cấp bù, hỗ trợ;
- Quyết định của Ủy
ban Nhân dân tỉnh phê duyệt giá thành nước sạch hàng năm áp dụng cho từng
công trình cụ thể do đơn vị cấp nước sạch nông thôn quản lý, khai thác để so
sánh với giá nước sạch tiêu thụ làm cơ sở cấp
bù.
- Các văn bản, giấy tờ có liên quan về tài chính của
đơn vị cấp nước để làm cơ sở xem xét, thẩm định.
c) Thời gian cấp kinh phí cấp bù, hỗ trợ
Hàng tháng, trên cơ sở khối lượng nước thực hiện
cung ứng cho đối tượng được trợ giá, hỗ trợ theo quy định, cơ quan tài chính cấp
kinh phí cho đơn vị cấp nước.
3. Quyết toán kinh phí cấp bù, hỗ trợ
Thực hiện quyết toán hàng năm theo quy định của Luật
Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Điều 7. Cơ chế tài chính và thời
gian trích khấu hao của công trình
1. Cơ chế tài chính
Các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ cung cấp nước
sạch chịu trách nhiệm thực hiện chế độ kế toán - tài chính theo quy định của
Nhà nước.
2. Thời gian trích khấu hao của công trình
Thực hiện theo khoản 2, Điều 21, Thông tư số
54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng
và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm của các Sở,
ban, ngành
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tham mưu Ủy ban
Nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước đối với các hoạt động cung cấp nước sạch nông
thôn trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình hoạt động của các
đơn vị cấp nước sạch nông thôn; đề xuất, tham mưu Ủy
ban Nhân dân tỉnh các biện pháp chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả, đảm bảo
công trình hoạt động bền vững;
b) Tham mưu cơ chế chính sách về đầu tư,
quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển công trình cấp nước sạch nông thôn. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu
đãi của Trung ương và của tỉnh đối với hoạt động cấp nước sạch ở nông thôn nhằm
kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư các công trình cấp nước sạch phục vụ
nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới;
c) Theo dõi, tổng hợp
về chất lượng nước và các chính sách về quản lý khai thác, sử dụng và phát triển
công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh;
d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hàng
năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh tình hình cấp bù, hỗ trợ kinh phí
cho các đơn vị cấp nước sạch nông thôn.
e) Chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường
nông thôn:
- Có trách nhiệm quản lý đầu tư, khai thác, vận
hành các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được giao đạt hiệu quả;
- Hàng năm cần rà soát các chế độ chính sách mới
quy định về giá nước sạch và căn cứ tình hình thực tế để tổ chức xây dựng giá
nước sạch mới cho đơn vị, trình Sở Tài chính thẩm định, tham mưu Ủy ban Nhân
dân tỉnh xem xét phê duyệt.
- Lập kế hoạch
cấp bù, hỗ trợ giá nước sạch nông thôn tập
trung và các chính sách có liên quan đối với công trình cấp nước sạch do đơn vị
quản lý cùng với kỳ lập kế hoạch ngân
sách hàng năm, trình Sở Tài chính thẩm định và đưa vào kế hoạch ngân sách tỉnh
hàng năm;
- Thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo đúng quy
định.
2. Sở Tài chính
a) Tổ chức thẩm định, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành giá
tiêu thụ nước sạch và phê duyệt giá thành nước sạch hàng năm trên địa bàn tỉnh
cho phù hợp với quy định hiện hành và thực
tế của địa phương;
b) Chủ trì, phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu hỗ trợ bù giá nước
sạch và các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác có liên quan; tổ chức thẩm định theo quy định. Cân đối, bố
trí kế hoạch ngân sách tỉnh hàng năm để trình Ủy
ban Nhân dân tỉnh quyết định cấp bù, hỗ trợ kinh phí cho đơn vị cấp nước
nông thôn theo từng công trình cụ thể;
c) Hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp
bù, hỗ trợ kinh phí cho đơn vị cấp nước sạch nông thôn theo quy định hiện hành.
3. Cục Thuế tỉnh
Chịu trách nhiệm hướng dẫn thủ tục về thuế cho đơn
vị cấp nước sạch nông thôn theo quy định hiện hành của pháp luật.
4. Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ vào chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động triển khai thực hiện Quy định này.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp huyện, UBND cấp xã
1. Trách nhiệm của Ủy
ban Nhân dân cấp huyện
a) Chỉ đạo Ủy ban
Nhân dân cấp xã triển khai thực hiện quy trình tham gia ý kiến và giám sát của
cộng đồng dân cư trong quá trình xây dựng và tổ
chức thực hiện dịch vụ cấp nước sạch nông thôn theo quy định của pháp luật;
thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội và tạo điều kiện thuận lợi
cho các nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư, khai thác công trình, đồng thời
bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, của cộng đồng;
b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân
dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đất đai, ưu đãi cho công trình
và bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước, hành lang an toàn trong và ngoài công
trình cấp nước theo quy định của pháp luật;
c) Chỉ đạo xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm
pháp luật về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình cấp nước theo quy định;
d) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác về cấp bù, hỗ
trợ kinh phí cho đơn vị cấp nước nông thôn trên địa bàn theo quy định.
2. Trách nhiệm của Ủy
ban Nhân dân cấp xã
a) Vận động nhân dân đóng góp vốn để xây dựng công
trình cấp nước sạch tập trung nông thôn theo quy định của Nhà nước và mở rộng mạng
lưới cấp nước sạch đến hộ gia đình;
b) Tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng
nước sạch, sử dụng nước tiết kiệm, trả tiền sử dụng nước đầy đủ theo quy định,
tham gia bảo vệ công trình cấp nước, bảo vệ nguồn nước;
c) Phối hợp cùng với đơn vị quản lý đầu tư, khai
thác, vận hành các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; tổ chức kiểm
tra, bảo vệ công trình cấp nước và bảo vệ nguồn nước;
d) Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về
quản lý, khai thác, bảo vệ công trình cấp nước theo quy định của pháp luật;
đ) Thực hiện nhiệm vụ làm chủ đầu tư và tổ chức quản
lý, khai thác đối với các dự án, công trình cấp nước được giao.
Điều 10. Trách nhiệm của các tổ
chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý,
khai thác, sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung
1. Trách nhiệm chung của các tổ chức, cá nhân tham
gia đầu tư và quản lý, khai thác công trình
a) Trong quá trình hoạt động đầu tư và quản lý,
khai thác công trình phải chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Tài nguyên nước
và quy định khác có liên quan; chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ
quan chuyên môn có thẩm quyền theo quy định
của pháp luật;
b) Quản lý, vận hành công trình theo đúng quy trình
kỹ thuật; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng công trình; đảm bảo cung cấp nước sạch theo năng lực, nhiệm vụ của từng
công trình, định kỳ kiểm tra chất lượng
nước theo quy định để đảm bảo cung cấp nước đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
chất lượng theo quy định của Bộ Y tế;
c) Lập kế hoạch cấp bù, hỗ trợ giá nước và các
chính sách có liên quan cùng với kỳ lập kế hoạch
ngân sách hàng năm đối với công trình cấp
nước được giao quản lý, khai thác theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Quy định
này, để làm cơ sở cấp kinh phí hỗ trợ theo quy định;
d) Thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo đúng
quy định.
2. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia
đình sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung
a) Tham gia đấu nối sử dụng nước sạch và đóng góp
kinh phí để xây dựng công trình cấp nước
sạch nông thôn tập trung theo quy định của Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao sức
khỏe và chất lượng sống của người dân;
b) Có trách nhiệm trả tiền sử dụng nước đầy đủ theo
quy định, sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời có ý thức, trách nhiệm bảo vệ công
trình cấp nước cũng như bảo vệ nguồn nước;
c) Nếu có hành vi vi phạm về bảo vệ công trình cấp
nước, tùy vào hình thức và mức độ vi phạm sẽ phải chịu hình thức xử phạt theo
quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ và các quy
định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 11. Điều khoản thi hành
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên
quan đến công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh có
trách nhiệm thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát
sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để
tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh
xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.