Quyết định 33/2006/QĐ-UBND về Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010

Số hiệu 33/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/12/2006
Ngày có hiệu lực 23/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Bùi Hồng Phương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2006/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 13 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật tổ chức HĐND-UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Chương trình số 15-CTr/TU ngày 06/10/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XIII) về đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2010 và những năm tiếp theo;

Xét tờ trình số 156/TTr-SNV ngày 14/11/2006 của Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010 (kế hoạch kèm theo)

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thực hiện.

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Bùi Hồng Phương

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2010.
(Ban hành kèm theo Quyết định Số 33 /2006/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2006 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Chương trình số 15- TTr/TU ngày 6/10/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2010 và những năm tiếp theo,

UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2010 và những năm tiếp theo, phục vụ yêu cầu phát triển trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH:

1. Thực trạng:

Trong thời gian qua công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng, đào tạo nguồn nhân lực nói chung được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Ngành giáo dục được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và phát triển mạnh các cấp học, ngành học; hàng ngàn cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị; cán bộ khoa học kỹ thuật; lực lượng lao động trên các lĩnh vực đã được đào tạo, bồi dưỡng với nhiều hình thức khác nhau... Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nói chung vẫn còn nhiều mặt hạn chế.

Đội ngũ cán bộ, công chức được quan tâm đào tạo cơ bản nhưng vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật còn thiếu và yếu; phần lớn lực lượng lao động làm việc theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo; đại đa số nông dân gần như chưa được tập huấn, về công tác khuyến nông, khuyến ngư, các chủ doanh nghiệp chưa có trình độ và bằng cấp chuyên môn, kỹ thuật cần thiết; số chủ trang trại, chủ nhiệm hợp tác xã chưa có trình độ sơ, trung cấp về nông nghiệp; thiếu kiến thức về nông học, về kỹ năng thực hành, kỹ thuật nông nghiệp, quản lý kinh doanh...

1.1. Thực trạng dân số lao động tỉnh Bạc Liêu:

Theo thống kê năm 2005, tỉnh Bạc Liêu có 499.550 người trong độ tuổi lao động thì có 492.980 người có khả năng tham gia lao động (chiếm 98,7 %) trong đó có việc làm thường xuyên 391.919 người (chiếm 79,5 %); tuy có việc làm nhưng không thường xuyên 22.450 người (chiếm 4,60 %); số người lao động không có việc làm 11.654 người (chiếm 2,36 %) và số còn lại làm nội trợ, người tàn tật, mất sức lao động hoặc không có nhu cầu việc làm 66.957 người (chiếm 13,6 %).

Hiện tại nguồn nhân lực theo cơ cấu ngành kinh tế được giải quyết việc làm hơn 89.206 người. Trong đó, lao động có trình độ sơ cấp chiếm 26,45%, lao động công nhân kỹ thuật có bằng trung cấp chiếm 7,99%, lao động có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 6,83%. Như vậy, số lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ 58,73% trong tổng số lao động được giải quyết việc làm.

Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế có chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động trong nông- lâm- ngư nghiệp là 67%; công nghiệp - xây dựng 8,6%; dịch vụ 18,8% trong năm 2005.

Tổng số người trong độ tuổi lao động có nhu cầu làm việc là 492.980 người, số lao động đã qua đào tạo khoảng 25% (trong đó lao động qua đào tạo từ công nhân kỹ thuật trở lên khoảng 10%)

1.2. Thực trạng đội ngũ cán bộ, giáo viên năm 2005 – 2006:

[...]